Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo nghề và giới thiệu việc làm
4.2.1. Chủ trương, chính sách, quy định về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Kinh tế nông thôn theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; đời sống nhân dân nhiều vùng nông thôn thay đổi, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao.Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nền nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, lao động làm nông nghiệp chủ yếu làm nghề theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo nghề một cách bài bản.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, trong những năm vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã có những chiến lược, chính sách ưu tiên để đầu tư phát triển lĩnh vực đào tạo nghề. Thể hiện ở các Nghị quyết của Đại hội đảng khoá IX
và các Nghị Quyết trung ương, trong đó Nghị quyết số 26/NQTW khóa X. Thực hiện các Nghị quyết của đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản điều hành, trong đó Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nhằm phát triển kinh tế ổn định và bền vững, đồng thời từng bước chuyên môn hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi toàn quốc, trên nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó nội dung đào tạo nghề nông nghiệp do BộNN&PTNT chủ trì thực hiện với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 3 triệu nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp. Trong quá trình triển khai Đề án 1956, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và đáp ứng những thay đổi do yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ/TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Quyết định 971 đã nhận diện rõ hơn về mục tiêu và đối tượng của đề án 1956, mặt khác QĐ 971/QĐ-TTg quy định tổ chức đào tạo nghề (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) phải gắn thực hành và nơi sản xuất. Đây cũng chính là yếu tố để đảm bảo tăng tính khả khi, giúp người lao động dễ tiếp cận hơn với việc làm.
Thực tế trong nhiều năm, huyện Lạng Giang đã thực hiện nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Giang nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm như: chính sách về đất đai, chính sách tín dụng nông thôn, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn…Các chính sách đã tác động mạnh mẽ tới công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện tại Huyện chưa có các văn bản pháp quy nào được ban hành tạo hành lang pháp lý và ràng buộc trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Cụ thể, mục tiêu và kết quả của các chính sách chưa đạt như mong muốn và chưa có tính lâu dài, ổn định. Chính sách ban hành chưa kịp thời và thủ tục còn rườm rà, việc ban hành chính sách với việc thực hiện chính sách với người lao động vẫn còn là khoảng cách xa, ban hành mang tính giải pháp tình thế nên chưa có sự chủ động, nguồn vốn để thực thi chính sách còn khó khăn, hạn chế…từ đó làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương.