- Nguyên tắc đầy đủ, trọn vẹn: Đây là nguyên tắc quản lý ngân sách quan trọng nhất. Mọi khoản chi phải được vào sổ và quyết toán rành mạch và chỉ như vậy mới phản ánh đúng mục đích của các chính sách và tính công minh của các khoản chi.
- Nguyên tắc thống nhất: Theo nguyên tắc này thì tất cả các khoản chi của một cấp hành chính đều phải đưa vào một kế hoạch ngân sách thống nhất và các khoản chi này đều phải được tổng hợp và lập báo cáo quyết toán chi NSNN.
- Nguyên tắc cân đối ngân sách: Nguyên tắc này đòi hỏi các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ các nguồn thu bù đắp.
- Nguyên tắc công khai hóa, minh bạch: Chi NSNN phải được quản lý rành mạch, công khai để mọi người dân đều có thể biết và giám sát nếu họ quan tâm. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng kiểm soát các quyết định thu chi tài chính, hạn chế những thất thoát và đảm bảo tính hiệu quả. Nguyên tắc công khai, minh bạch được thực hiện trong suốt chu trình ngân sách.
- Nguyên tắc rõ ràng, trung thực và chính xác: Nguyên tắc này đòi hỏi chi NSNN phải được xây dựng rành mạch, có hệ thống; các dự toán chi phải được tính toán một cách chính xác; không được phép che đậy, bào chữa đối với tất cả các khoản chi NSNN.
- Nguyên tắc quy trách nhiệm: Nhà nước là cơ quan công quyền, sử dụng các nguồn lực của dân thực hiện các mục tiêu đề ra. Đây là nguyên tắc
yêu cầu về trách nhiệm của các đơn vị cá nhân trong quá trình quản lý ngân sách, bao gồm:
+ Quy trách nhiệm giải trình về các hoạt động ngân sách, chịu trách nhiệm về các quyết định về ngân sách của mình.
+ Trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý cấp trên và trách nhiệm đối với công chúng, đối với xã hội.
Quy trách nhiệm yêu cầu phân định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, chính quyền các cấp trong thực hiện NSNN theo chất lượng công việc đạt được.