Tầm quan trọng của công tác tạo động lực làm việc cho công chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức tại ủy ban nhân dân thành phố phủ lý, tỉnh hà nam (Trang 36 - 39)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2.2. Tầm quan trọng của công tác tạo động lực làm việc cho công chức

chức Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh

Hiện nay, nước ta đang tiến hành công cuộc CNH-HĐH đất nước. Với kinh nghiệm của các nước đã cho thấy phải tiến ra con đường đi riêng, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì chúng ta phải đuổi kịp trình độ khoa học tiên tiến của thế giới trong một thời gian ngắn với những điều kiện còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những giải pháp được đặt ra là phải tăng hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước. Vì lí do này, vấn đề thúc đẩy, khuyến khích đội ngũ công chức nỗ lực làm việc, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ đang là mối quan tâm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Mặt khác, hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư đang ngày càng trở thành vấn nạn mà các cơ quan nhà nước phải đối mặt. Tại sao ngày càng có nhiều công chức lại rời bỏ vị trí, rời bỏ khu vực công và quan trọng hơn là ngày càng có ít người tài, có năng lực muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Nguyên nhân chính đó là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự tạo được động lực làm việc cho công chức, chưa tạo được môi trường làm việc phù hợp, hấp dẫn cho công chức đặc biệt là những tài năng trẻ đam mê được cống hiến và thể hiện. Do vậy, việc tạo động lực làm việc cho công chức là nhằm giữ chân, gắn bó công chức với hệ thống quản lý hành chính nhà nước và thu hút được những nhân tài trong tương lai vào làm việc.

Công chức là một trong những nguồn lực chính và trực tiếp quyết định đến hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Nền hành chính và chế độ công vụ chính là xương sống của bộ máy nhà nước, là nơi thực thi các chủ trương, chính sách mang tính chính trị của đảng cầm quyền, tổ chức việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho công dân. Hiệu lực và hiệu quả của nền hành chính nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức hành chính. Trong thực tiễn, vai trò của công chức đã được khẳng định trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP [1,tr 4] ngày 08/11/2011 của Chính phủ đã xác định xây dựng đội ngũ công chức là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2012 như sau: Xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là: Cải cách thể chế, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để công chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Chính vì động lực làm việc có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả làm việc của tổ chức hành chính nên công tác tạo động lực làm việc luôn được đặc biệt quan tâm. Đây được coi là một trong những chức năng quan trọng của nhà quản lý, là yếu tố mang tính quyết định hiệu quả làm việc và khả năng cạnh tranh của tổ chức, cho dù đó là tổ chức của nhà nước hay tổ chức tư. Đối với bất cứ quốc gia nào, việc tạo động lực cho đội ngũ công chức có tầm quan trọng đặc biệt, vì họ là bộ phận quan trọng quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Động lực làm việc có ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của cá nhân và tổ chức. Điều này luôn luôn đúng với bất cứ tổ chức nào, nhưng đối với tổ chức nhà nước điều này quan trọng hơn, bởi vì nếu đội ngũ công chức không có động lực làm việc hoặc động cơ làm việc không tích cực sẽ có ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của cơ quan nhà nước và có tác động không tốt đến xã hội, đến công dân - đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

Người công chức chỉ có thể hoạt động tích cực khi mà họ được thỏa mãn một cách tương đối những nhu cầu của bản thân cả về mặt vật chất và tinh thần, khi đó sẽ tạo ra tâm lý tốt và động lực làm việc thúc đẩy công chức làm việc một cách hăng say và hiệu quả nhất.

Đối với công việc, công chức có động lực làm việc sẽ giúp cho việc giải quyết công việc một cách nhanh chóng, có hiệu quả và chất lượng cao, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội và công dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân.

Đối với cơ quan hành chính Nhà nước, tạo động lực làm việc cho công chức góp phần vào việc hoàn thiện mục tiêu của tổ chức giúp cho bộ máy hành chính vận hành một cách liên tục, ổn định, đảm bảo hoạt động phục vụ công dân một cách tốt nhất. Mặt khác, điều này làm cho công chức gắn bó hơn với tổ chức và góp phần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng gia nhập vào tổ chức. Cơ quan nhà nước là những tổ chức do nhà nước thành lập để thực thi quyền lực nhà nước, hoạt động mang tính phục vụ công với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nếu thiếu động lực làm việc, quyền lực và pháp luật của nhà nước có thể bị vi phạm, cơ quan nhà nước hoạt động không những không hiệu quả, gây lãng phí lớn cả về tài lực lẫn vật lực mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào nhà nước.

Thực tế hiện nay nước ta đang trong giai đoạn đổi mới, đất nước trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy vấn đề động lực làm việc và làm thế nào để tạo động lực làm việc cho đội ngũ công chức hành chính nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu vô cùng quan trọng. Công cuộc cải cách hành chính hiện nay ở nước ta sẽ không thể thành công nếu không có đội ngũ công chức có đủ năng lực, trình độ và động lực làm việc. Đội ngũ công chức là chủ thể của các hành động trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Họ là người thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành

quy định của pháp luật để đưa vào cuộc sống, xây dựng bộ máy quản lý và các quy định về sử dụng các nguồn lực trong quá trình quản lý, nói cách khác, công chức người đề ra các quy định và họ cũng chính là người thực thi các quy định đó. Vì vậy, trình độ, năng lực của công chức có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đội ngũ công chức có năng lực, trình độ chưa hẳn đã làm cho hiệu quả quản lý hành chính được nâng lên nếu bản thân người công chức thiếu động lực làm việc. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước và thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước, trước hết cần phải quan tâm đến công tác tạo động lực làm việc cho họ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức tại ủy ban nhân dân thành phố phủ lý, tỉnh hà nam (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)