Huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội được thành lập năm 1977, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập: Từ năm 1997 đến tháng 2/1979 thuộc tỉnh Vĩnh Phú; từ tháng 2/1979 đến tháng 8/1991 thuộc thành phố Hà Nội; từ tháng 8/1991 đến tháng 11/1996 thuộc tỉnh Vĩnh Phú; từ tháng 11/1996 đến 30/7/2008 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và từ 01/8/2008 đến nay thuộc thành phố Hà Nội.
Kinh tế duy trì ổn định và phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế giữa nhiệm kỳ của huyện đạt mức tăng bình quân 7,5%/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng hàng năm, năm 2016 đạt 396,9 tỷ đồng, năm 2017 đạt 459 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 278,5 tỷ đồng, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ (trong đó số thu không kể tiền đất đạt 226,9 tỷ đồng). Từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập mới hơn 400 doanh nghiệp, 2432 hộ kinh doanh, 50 hợp tác xã. Các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc tăng thu cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.
Công nghiệp phát triển với tốc độ cao, có vai trò lớn và chiếm tỉ trọng chủ yếu, có tác động chính thúc đẩy kinh tế của huyện. Theo giá thực tế, tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển luôn ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp khá cao, bình quân 8,1%/năm; năm 2016 tăng 7,8%, năm 2017 tăng 8,1%, 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng khoảng 8,3%. Huyện Mê Linh có 02 khu công nghiệp (Quang Minh I và Quang Minh II). Trong đó, khu công nghiệp Quang Minh I với diện tích 407 ha và tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Hiện đã có 168 doanh nghiệp đi vào sản
xuất kinh doanh hiệu quả, góp quan trọng vào việc tăng thu ngân sách nhà nước ở địa phương (khoảng 400 tỷ/năm) và giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút hơn 30 nghìn lao động trong và ngoài địa phương, giúp người lao động có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện.
Dịch vụ thương mại của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đang tiếp tục dịch chuyển để đạt cơ cấu ngang bằng và vượt nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; năm 2016 chiếm tỷ trọng 3,99% so với tổng giá trị toàn ngành kinh tế; năm 2017 chiếm tỷ trọng 4,3%; dự kiến năm 2018 chiếm tỷ trọng ước đạt 4,6%. Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá cao, đạt 8%/năm; năm 2016 đạt 7,8%, năm 2017 đạt 8,1%, 6 tháng đầu năm 2018 dự kiến đạt 8,3%.
Cơ cấu các ngành kinh tế của huyện Mê Linh chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng - nông nghiệp - dịch vụ; tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Về xã hội: công tác xã hội ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, từng bước đưa công tác xã hội đi vào ổn định.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện; nhiều công trình được đưa vào sử dụng và đạt hiệu quả cao. Các tuyến trục đường giao thông kết nối liên huyện, liên xã được đầu tư nâng cấp, bước đầu tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế.
Chương trình phổ cập giáo dục đã vượt nhiều so với mục tiêu năm 2016, mạng lưới trường học, trạm y tế - chăm sóc sức khoẻ từng bước được mở rộng, nâng cấp, kiên cố hoá cao tầng ở các xã. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị luôn được quan tâm, đến nay toàn huyện có 46/75 trường chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 61,3%, các trường học cơ bản đã đủ phòng học để thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi
nhọn tiếp tục có nhiều tiến bộ, các cuộc vận động do Bộ Giáo dục - Đào tạo được chỉ đạo triển khai đầy đủ. Tỷ lệ phổ cập giáo dục được duy trì: 100% trẻ 5 tuổi học mầm non, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 99,2% hoàn thành chương trình THCS; 99,3% hoàn thành chương trình THPT
Kiểm soát được mức sinh bình quân hàng năm 1,63%/năm, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân dưới 1,5%/năm
Tiếp tục chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc huyện Mê Linh, giảm thiểu tới mức thấp nhất về hộ nghèo và tái nghèo. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực, thường xuyên quan tâm, chăm lo đối tượng hộ nghèo. Tiến hành rà soát 473 hộ nghèo có nhà ở xuống cấp bị hư hỏng nặng cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 5,9% năm 2016 xuống còn 2,35% năm 2017.
Tạo bước chuyển biến mới về nếp sống văn minh và an toàn xã hội. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục các chính sách pháp luật. Quản lý giám sát nhằm ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và giảm thiểu dần các tệ nạn xã hội trên địa bàn, giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề bức xúc của xã hội trên địa bàn huyện.