Tính khả thi của chính sách được phản ánh ở khả năng thực hiện trên thực tế của một chính sách. Để đánh giá tính khả thi của chính sách, cần phải dựa vào các chỉ tiêu cụ thể như: mức độ khả thi chính trị, khả thi kinh tế, hành chính và khả thi về xã hội. Đánh giá tính khả thi về chính trị đòi hỏi quá trình đánh giá phải dự báo được mức độ ủng hộ của những nhà ra quyết định về một đề xuất chính sách. Về kinh tế, cần đánh giá đầy đủ khả năng ngân sách, nguồn lực con người để triển khai chính sách và những đảm bảo về lợi ích vượt qua chi phí. Đánh giá tính khả thi về xã hội được đo lường, dự báo về mức độ công chúng chấp nhận, ủng hộ đề xuất chính sách. Tiêu chí này cần khai thác sâu về các chỉ tiêu tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội (dân trí, tôn giáo, văn hóa, mức độ dân chủ), mở rộng sự tham gia, tính minh bạch, văn bản dễ hiểu, dễ áp dụng,… Ngoài ra, cần phải đánh giá mức độ thống nhất với
các chính sách đã ban hành, phù hợp với chính sách do cơ quan có thẩm quyền cấp trên và những các cam kết quốc tế.
Đối với chính sách tinh giản biên chế nói chung và chính sách tinh giản biên chế đối với viên chức sự nghiệp giáo dục nói riêng khi đánh giá tính khả thi cần tập trung chủ yếu vào yếu tố: sự ủng hộ của các cấp, bộ ngành trong quá trình thực thi chính sách, sự đáp ứng của các nguồn lực để đảm bảo việc tổ chức thực thi chính sách và quan trọng hơn cả là sự đồng tình của xã hội cũng như sự chấp hành của các đối tượng tinh giản ở đây là những viên chức sự nghiệp giáo dục.