Chủ thể tham gia đánh giá công chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức tại tổng cục biển và hải đảo việt nam (Trang 27 - 28)

7. Kết cấu của luận văn

1.1. Một số vấn đề lý luận về đánh giá công chức

1.1.3. Chủ thể tham gia đánh giá công chức

Theo quy định tại Điều 57 Luật Cán bộ, công chức, “trách nhiệm đánh giá công chức thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức; việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện”. Theo đó, chủ thể tiến hành đánh giá là người có trách nhiệm đưa ra những nhận xét của bản thân đối với công chức được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí đã được thiết lập trước đó. Mỗi một đối tượng tiến hành đánh giá có những mặt mạnh và hạn chế khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng kết hợp nhiều chủ thể đánh giá khác nhau tham gia vào quá trình đánh giá để cho kết quả chuẩn xác nhất:

1.1.3.1. Công chức tự đánh giá

Công chức tự đánh giá dựa trên mẫu do cơ quan quy định để đưa ra nhận xét của chính bản thân mình. Theo quy định hiện hành, bản tự nhận xét, đánh giá của mỗi công chức là cơ sở đầu tiên để tiến hành các bước đánh giá tiếp theo trong quy trình đánh giá công chức hàng năm. Việc tự đánh giá của mỗi công chức rất cần thiết và quan trọng, là cơ sở để đối chiếu với kết quả đánh giá của người có thẩm quyền.

1.1.3.2. Tập thể đánh giá

Tập thể đánh giá là sự góp ý, nhận xét của các cá nhân trong cơ quan, đơn vị về những hoạt động, sự cống hiến của công chức cho tập thể cũng như những điểm cần phát huy và những điểm cần khắc phục của mỗi cá nhân công

chức. Đánh giá của tập thể có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động đánh giá của mỗi cơ quan, tuy nhiên, tùy từng điều kiện cụ thể về quan hệ cá nhân, tâm lý cào bằng...mà chất lượng đánh giá có thể bị ảnh hưởng.

1.1.3.3. Thủ trưởng trực tiếp đánh giá

Thủ trưởng trực tiếp là người phân công công việc và giám sát quá trình thực hiện của công chức, người hiểu rõ nhất năng lực của công chức dưới quyền nên ý kiến của họ thường khá chính xác. Đây cũng là ý kiến được coi là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến kết quả đánh giá. Tuy nhiên, để kết quả đánh giá công bằng và khách quan, thủ trưởng trực tiếp đánh giá cần tham khảo ý kiến của các chủ thể đánh giá khác trước khi đưa ra quyết định đánh giá cuối cùng.

1.1.3.4. Bộ phận quản lý nguồn nhân lực

Đánh giá của bộ phận quản lý nguồn nhân lực là sự tổng hợp chung nhiều ý kiến, thường tập trung vào sự đánh giá tập thể hơn là đánh giá từng cá nhân.

1.1.3.5. Công dân, khách hàng – người thụ hưởng dịch vụ

Đánh giá của công dân phản ánh mức độ hài lòng đối với kết quả thực thi công vụ của công chức, do vậy đây là kênh thông tin phản ánh khách quan về kết quả làm việc của công chức trong cơ quan nhà nước, là nguồn thông tin tham khảo cần thiết cho công tác đánh giá.

Có nhiều chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức nhưng đánh giá của Thủ trưởng cơ quan là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến kết quả đánh giá, các ý kiến đánh giá của các chủ thể khác tham gia trong quá trình đánh giá chỉ là ý kiến tham khảo để thủ trưởng cơ quan đưa ra quyết định đánh giá cuối cùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức tại tổng cục biển và hải đảo việt nam (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)