7. Kết cấu của luận văn
2.4. Đánh giá chung
2.4.1. Kết quả đã đạt được
Qua tìm hiểu và phân tích thực trạng đánh giá công chức hàng năm tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, em nhận thấy công tác đánh giá đã đạt được các kết quả như sau:
Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục đã thực hiện phổ biến, quán triệt các nội dung đánh giá công chức hàng năm đến toàn thể công chức của cơ quan. Phần lớn công chức đã nhận thức được việc đánh giá hàng năm là quy định bắt buộc, nắm được thời điểm đánh giá và các nội dung cần đánh giá. Công tác đánh giá công chức tại Tổng cục đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc của đánh giá công chức, cơ bản đã thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước về đánh giá.
Thứ hai, công tác đánh giá hoạt động thực thi công vụ của công chức trong Tổng cục hàng năm đã đưa ra các kết quả ngày càng chính xác, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong đánh giá, kịp thời nhằm khắc phục những thiếu sót của cá nhân công chức và tập thể để điều chỉnh hoạt động của công chức nói riêng và tập thể nói chung để hoàn thành công việc đạt hiệu quả cao nhất, kịp thời khen thưởng, động viên các công chức, tập thể có kết quả công tác tốt.
Thứ ba, đánh giá công chức hàng năm đã giúp cho công chức nhận thấy được mặt mạnh và những điểm còn hạn chế của mình để có thể phát huy những mặt mạnh và khắc phục kịp thời những điểm còn hạn chế để phát huy tối đa khả năng của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Mặt khác, kết quả đánh giá cũng giúp cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục có cái nhìn tổng quan, sâu rộng hơn về công chức thuộc thẩm quyền quản lý, để có phương hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, ban hành các quyết định về khen thưởng, kỷ luật và bố trí, sắp xếp lại cơ cấu trong tổ chức.
Thứ tư, việc công khai các thủ tục, quy trình trong đánh giá công chức và việc thực hiện kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ (trong đó có kiểm tra về công tác đánh giá) được thực hiện thường xuyên góp phần quan trọng đảm bảo cho việc đánh giá công chức được khách quan và công bằng hơn.
Thứ năm, kết quả đánh giá công chức đã tạo cơ sở giúp cho Tổng cục xây dựng đội ngũ công chức có chất lượng ngày càng cao hơn, góp phần cải
thiện hoạt động công vụ của công chức, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của Tổng cục.
Để đạt được những kết quả nêu trên là do những nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, hệ thống văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về công tác đánh giá được ban hành ngày càng hoàn thiện và cụ thể hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản quy định về đánh giá công chức thống nhất và hướng dẫn đánh giá công chức trong toàn Bộ, trên cơ sở đó, Tổng cục cũng đã ban hành Quy chế đánh giá công chức, cụ thể hóa các nội dung trong Quyết định, văn bản của Bộ để các đơn vị trong Tổng cục nắm bắt được nội dung, quy trình đánh giá, để thực hiện việc đánh giá được đồng bộ, thống nhất trong toàn Tổng cục.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng quan tâm, hướng dẫn để các tập thể, cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của công tác đánh giá nên công tác đánh giá được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Thứ ba, người đứng đầu mỗi cơ quan ngày càng quan tâm hơn đến công tác đánh giá, việc quy định tỷ lệ % số lượng công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo từng nhóm đối tượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đã tác động để người có thẩm quyền đánh giá cân nhắc kỹ hơn về việc đưa ra kết quả đánh giá, giúp công tác đánh giá được công bằng hơn.