Kiến thức bản địa trong săn bắt động vật hoang dã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 95 - 97)

IV. Những điểm mới của đề tài

3.3.6. Kiến thức bản địa trong săn bắt động vật hoang dã

Như chúng ta đã biết, cuộc sống của cộng đồng người Ma Coong sống chủ yếu nhờ vào tài nguyên rừng thông qua việc săn bắt hái lượm, tập tục này đến nay vẫn lưu truyền. Việc săn bắt thú rừng dù cho cá nhân hay tập thể đều thuộc sở hữu chung của cả cộng đồng. Chẳng hạn, nếu một nhóm người trong bản săn bắn được một con thú, họ được thêm một cái đầu và một đùi chân trước, số còn lại phải được chia đều cho các gia đình trong bản. Trường hợp cá nhân hoặc vài người trong một nhà săn được thú cũng chỉ được thêm một đùi chân trước, số còn lại phải đem chia cho các hộ trong bản. Riêng già làng cũng chỉ được một phần như những hộ gia đình khác, nhưng phần thịt đó thường ngon nhất như thịt chỗ sườn hay cổ con thú, thể hiện lòng kính trọng của mọi người trong bản dành cho ông. Vào dịp ấy, nếu gia đình nào có khách thì

87

được thêm một phần nữa. Rõ ràng, tính cộng đồng của người Ma Coong được thể hiện rất rõ trong phân chia sản phẩm săn bắt được từ rừng. Theo họ, những con thú trong rừng thuộc về cộng đồng, nếu chưa bị bắt nó vẫn còn ở lại với rừng, vì vậy, các cuộc săn bắt thường mang tính tập thể và có tổ chức. Tổ chức ở đây là báo cáo với già làng, phân công người chỉ huy và cầm vũ khí, chọn thời gian, địa điểm...Đối với những cuộc đi săn lớn, cần nhiều người để bắt những con thú hung dữ và có khả năng ảnh hưởng liên quan đến các khu rừng cấm, hay làng bản khác thì phải báo cáo với già làng để nhận được sự giúp đỡ, tham vấn.

Trong luật tục của người Ma Coong còn quy định cấm săn bắn những con thú chưa trưởng thành, tức con thú mới sinh, đi chưa vững hoặc vẫn đang còn theo mẹ...Họ cho rằng, bắt những con thú mới sinh là có tội với Giàng; vì vậy, ai làm trái sẽ bị Giàng phạt.

Trong bối cảnh hiện nay, đa số các bản của cộng đồng người Ma Coong vẫn duy trì tập tục trên, ngoại trừ một vài bản có nhiều người khác đến ở hoặc làm việc trong một số dự án. Đặc biệt hơn, hiện nay do động vật hoang dã đã trở thành đặc sản tại các khách sạn, nhà hàng nên các thương lái từ miền xuôi lên mua với giá rất đắt, cho nên một số cá nhân vào rừng săn bắt chủ yếu là để bán kiếm tiền. Chúng tôi cho rằng, trong những năm gần đây, người Ma Coong cũng đã có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với các dân tộc khác, điều đó đã giúp họ có điều kiện hơn trong giao thương và mang đến cho họ nhiều nét mới trong đời sống văn hóa - xã hội...Tuy nhiên, ở đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như đã được đề cập trên. Hiện nay, sự săn bắt động vật hoang dã vẫn diễn ra thường xuyên nên ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống của họ nói riêng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Di sản Thiên nhiên Thế giới là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.

- Chủng loại động vật hoang dã:

Theo điều tra, phỏng vấn thì cộng đồng người Ma Coong thường săn bắt các loài động vật hoang dã phần lớn để phục vụ đời sống hàng ngày của họ, số còn lại thì bán và trao đổi hàng hóa cho các quán của người Kinh lên đây buôn bán, cụ thể một số loài như: Sơn dương, Nai, Hoẵng, Khỉ, Dúi, rắn Hổ mang, Cầy mực, Cầy hương, Rùa các loại, Kỳ nhông, Lợn rừng, Chuột lồ ô, Gà rừng, chim rừng, ếch rừng, cua đá, các loại cá...

- Các phương thức săn bắt:

+ Đối với các loại thú rừng: Phương thức săn bắt truyền thống của cộng đồng người dân nơi đây là dùng bẫy, bẫy của đồng bào dân tộc đa số là bẫy treo được làm từ dây phanh xe đạp, xe gắn máy. Dùng sợi dây này làm vòng rồi móc vào cành cây, vít cành cây xuống gần sát mặt đất, gắn bẫy vào ngọn cây và một cái lẫy dưới mặt đất.

88

Khi động vật đi qua bị dính bẫy, cành cây bật lên và treo con vật lên trên cao. Khi động vật bị sập bẫy này, nếu không tháo bẫy kịp thời chúng sẽ bị chết. Một phương pháp khác nữa là đồng bào dùng súng săn hoặc dùng nỏ để bắn con thú.

+ Đối với các loài chim rừng: Trong những năm trở lại đây, nhu cầu chơi chim cảnh phát triển, thời gian qua trên địa bàn nghiên cứu người dân đã dùng bẫy để sập chim. Bẫy sập phải có chim mồi có tiếng gáy hay kêu gọi chim cùng loại đến gần và sập bẫy, bắt sống mang về bán cho các thương lái. Hiện nay nhiều người dân đã sử dụng dụng cụ phát ra tiếng kêu rất giống với tiếng chim để gọi chim về sập bẫy, vì vậy nhiều loài chim như Khướu, Sáo, Chào mào, Họa my... ở rừng hiện nay rất hiếm do bị săn bắt quá mức nên không thể sinh sản được. Để giảm bớt hoạt động săn bắt thú rừng và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngoài công tác bảo vệ rừng thì chính quyền địa phương cần sát sao hơn nữa trong việc quản lý các loại súng săn tự chế của người dân, đồng thời lập ra các kế hoạch phát triển chăn nuôi các loài vật nuôi hiện có của địa phương nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân nơi đây, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo được mục tiêu bảo tồn động vật hoang dã của rừng ở địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)