Phân tích những kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng người Ma Coong ở xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 103 - 106)

IV. Những điểm mới của đề tài

3.4.3. Phân tích những kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng người Ma Coong ở xã

ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

3.4.3.1. Quy ước và kinh nghiệm quản lý rừng đầu nguồn cung cấp nước

Qua phỏng vấn già làng Đinh Xon, ông cho biết cộng đồng người Ma Coong có quy ước truyền thống về bảo vệ rừng đầu nguồn cung cấp nước. Trước hết, họ xác định rừng giữ nước theo đường phân thủy, theo mái núi nước chảy và rừng đó quy ước không được khai thác với bất kỳ lý do gì. Làm nương rẫy ở rừng đầu nguồn cũng không cho phép nên người dân thường làm rẫy ở những vùng thấp hơn. Ý thức của đồng bào bảo vệ rừng để giữ nước cho thôn bản. Người Ma Coong còn có kinh nghiệm đào các ao chứa nước có kích thước khác nhau dưới chân núi rừng đầu nguồn để hạn chế xói mòn mạnh vào mùa mưa và tích nước cho mùa khô.

Với rừng đầu nguồn và rừng quanh bản, cộng đồng người Ma Coong trước kia có luật tục trồng Tre, Lồ ô truyền lại cho con cháu và là sở hữu của người trồng. Họ

95

chọn loài này để trồng vì các loại cây dễ sử dụng, mau cho sản phẩm và dễ lan rộng thành bụi lớn. Về mặt phòng hộ, giữ đất thì hai loài cây trên có tác dụng bảo vệ đất tương đối tốt.

Một điều đáng quan tâm là các quy ước hồi xưa không nhiều, đơn giản nhưng toàn bản đều có ý thức tự nguyện thực hiện. Điều đó xuất phát từ tính cộng đồng của thôn bản, tôn trọng người già trong bản vì ý kiến của họ dường như là ý kiến chỉ đạo, già làng, trưởng bản do người dân trong bản lựa chọn và tôn trọng.

Có thể nói, chính đặc tính cộng đồng người Ma Coong, tôn vinh người đứng đầu bản làng và những quy ước thưởng phạt nhất định từ trước đã tạo cho mỗi người dân trong bản ý thức tự nguyện tôn trọng quy định của thôn bản về bảo vệ rừng.

3.4.3.2. Quản lý rừng lấy gỗ, tre nứa

Qua việc phỏng vấn người dân, xác định là trước kia do còn ít người, rừng nhiều nên việc chặt gỗ làm nhà, sử dụng cho các mục đích sử dụng khác trong gia đình đều tự do, không có quy ước trừ rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng cạnh bản, rừng ma. Đối với việc sử dụng gỗ, người Ma Coong cũng có kinh nghiệm. Trước kia lấy gỗ làm nhà thường chủ yếu trên núi đá vôi đều là gỗ quý và tốt (Lát hoa, Táu, Bách xanh, Lim...). Rừng núi đá vôi ở Thượng Trạch nhìn chung còn giữ được khá vì rừng đó không làm nương rẫy, khó khai thác và ý thức bảo vệ của cộng đồng thôn bản cao.

Đối với Tre, Nứa trước kia cũng sử dụng tự do, chủ yếu sử dụng làm chất đốt, làm nguyên vật liệu làm nhà sàn, lấy măng do còn rất ít người, rừng bao la xung quanh bản.

3.4.3.3. Rừng thiêng

Người Ma Coong cho rằng, rừng thiêng là nơi để dành cho việc lấy các sản vật làm vật cúng Giàng như đọt cây Đoác, cây Đùng đình, hoa Chuối rừng...cũng như lấy gỗ, Mây, Lồ ô...để dựng rạp, làm trống phục vụ cho lễ nghi mang tính cộng đồng. Đó là nơi mang tính tâm linh, linh thiêng của toàn bản. Vì vậy rừng thiêng được bảo vệ tốt, người dân có ý thức giữ rừng từ xưa. Rừng thiêng có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 300 - 400m2. Người dân tổ chức cúng lễ vào dịp tết đầu xuân hoặc lúc xảy ra khô hạn, bệnh tật, dịch gia súc, gia cầm..., trước kia thường tổ chức cúng một năm một lần. Ngày cúng lễ đó cả bản nghỉ không đi làm, tổ chức cúng bái có đánh trống, đánh chiêng và ăn tại chỗ. Cả bản cùng đóng góp để làm lễ cúng. Hiện nay tập tục ấy đã bị mai một không còn ai nhớ đến nữa, tuy vậy thì rừng thiêng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và ý thức gìn giữ khu rừng này thì hầu như không bị mai một.

Cộng đồng người dân nơi đây chọn nơi rừng thiêng thường là rừng còn tốt. Thầy cúng khi lên đồng hoặc dự đoán rừng sẽ có con Nai, con Hoẵng đi qua và một thời gian sau xuất hiện Nai hoặc Hoẵng thật thì sẽ chọn nơi ấy làm rừng

96

thiêng, đó là nơi rừng tốt nên xuất hiện nhiều động vật rừng. Rừng thiêng khi muốn di dời đi nơi khác thì cũng phải làm lễ cúng thần rừng. Với tính chất như vậy, rừng thiêng được bảo vệ tốt mang ý thức tâm linh của dân bản đối với rừng. Rừng rất ít thay đổi vị trí nên được bảo vệ lâu dài. Khi những khu rừng nguyên sinh được bảo vệ sẽ tạo ra sự đa dạng môi trường sinh học. Nhìn dưới góc độ khoa học, những khu rừng thiêng chính là những khu rừng có giá trị bảo vệ đầu nguồn thủy sinh, tạo nên sự cân bằng sinh thái, là nơi bảo tồn những nguồn gen vô cùng quý hiếm cho đất nước và nhân loại, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Việc mất dần những khu rừng thiêng truyền thống đồng nghĩa với việc mất đi những khu rừng đầu nguồn thủy sinh, mất đi sự cân bằng sinh thái, mất đi những nguồn gen vô giá, đồng thời còn mất dần truyền thống văn hóa dân tộc vô cùng độc đáo đầy tính nhân văn. Bởi vậy, việc khôi phục, bảo vệ những cánh rừng thiêng của người Ma Coong nói riêng và rừng đầu nguồn nói chung có một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường, mà còn góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, nâng cao ý thức cho cộng đồng người dân ở nơi đây.

3.4.3.4. Rừng ma

Trong mỗi bản người Ma Coong đều có rừng ma để chôn người chết, thường là rừng gỗ pha tre nứa, càng nhiều loài gỗ to càng tốt, nhất là các loài Bộp, Đa, Săng lẻ. Theo luật tục của người Ma Coong, những nơi này rất linh thiêng nên luôn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng cách cấm chặt phá và săn bắt tùy tiện; nếu ai vi phạm sẽ bị Giàng phạt, làm cho dân bản mất mùa, dịch bệnh. Khi ai đó có những hành vi vi phạm, già làng cùng trưởng các dòng họ trong bản đứng ra tổ chức xử phạt. Tùy mức độ sai phạm, lễ vật gồm lợn, gà, rượu...để dâng lên thần Giàng tạ lỗi, rồi được người dân của cộng đồng hưởng lễ sau khi cúng xong.

Rừng ma có vai trò quan trọng trong việc giữ nước và hạn chế lũ lụt; đồng thời, chúng cũng là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học (các loài động, thực vật) trong tự nhiên. Khi các loài động vật, thực vật ở khu rừng này sinh sôi, chúng sẽ tiếp tục phát triển, lan sang các khu rừng khác. Theo già làng ở bản Cu Tồn cho biết, điều này đồng nghĩa với thần Giàng ban phát cho dân bản có cái ăn lâu dài. Đối với việc khai thác các sản vật ở khu rừng ma vì mục đích của cộng đồng, già làng phải làm lễ động rừng xin phép Giàng

trước khi thực hiện công việc đó.

Trước kia ít người vào rừng ma khai thác sản phẩm rừng vì có phần sợ hãi nên rừng ma được bảo vệ tương đối tốt. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển nhanh về dân số cũng như yếu tố tâm linh bị phai nhạt dần nên rừng ma hầu như không còn nhiều cây gỗ to mà chỉ còn lại những cây gỗ nhỏ, cây bụi, trảng cỏ và tre nứa.

97

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 103 - 106)