Vận dụng kiến thức bản địa trong quản lý bảo vệ rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 107 - 110)

IV. Những điểm mới của đề tài

3.4.5. Vận dụng kiến thức bản địa trong quản lý bảo vệ rừng

Việc sử dụng tập quán và kiến thức bản địa trong quản lý bảo vệ rừng có những ưu điểm như: phù hợp với phong tục tập quán, phù hợp với điều kiện địa phương đã được thử nghiệm qua thời gian, có tính đa dạng cao (kiến thức bản địa được hình thành trong những điều kiện tự nhiên khác nhau và được mọi thành viên trong cộng đồng sáng tạo ra), dễ sử dụng và là cơ sở để giải quyết các vấn đề chiến lược cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là người nghèo (kiến thức bản địa đều phù hợp về mặt xã hội và có tính bền vững, ít rủi ro với người dân).

Các tập quán và kiến thức bản địa trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của cộng đồng người Ma Coong ở Thượng Trạch chính là những kinh nghiệm được đúc rút và trải qua nhiều thế hệ thông qua thực tiễn sản xuất. Kinh nghiệm ấy được đúc rút qua con đường truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong từng gia đình và từng cộng đồng. Đó là hiểu biết về các loài cây, các loài động vật trong rừng, kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, chu kỳ của thời tiết và những đặc điểm khác của tự nhiên.

Liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng, kiến thức bản địa của người dân thực sự phát huy hiệu quả, như các kiến thức về sử dụng đất trong trồng trọt, nhận biết các loài cây rừng, động, thực vật rừng, kiến thức về khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng. Đây là một nhân tố thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

Qua những cuộc phỏng vấn với người dân, phần lớn trong số họ muốn tham gia trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm cơ sở cho phát triển những tổ chức và luật lệ của cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm đến kiến thức bản địa của các dân tộc thiểu số về vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Đã có những dự án đưa những kinh nghiệm, kiến thức mới tới người dân nhằm mục đích thay đổi điều kiện sống và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Tuy nhiên do những tham vọng quá lớn, do những kiến thức mới, xa lạ không phù hợp với điều kiện địa phương nên đã có những thất bại và ở nhiều nơi không được người dân hưởng ứng. Một nguyên nhân khác nữa là do thiếu sự nghiên cứu và vận dụng các kinh nghiệm, tập quán, các giá trị kiến thức bản địa của người dân để thực hiện các mục tiêu phát triển.

Trong công tác bảo tồn rừng miền núi muốn có hiệu quả thì phải có sự tham gia của người dân địa phương, họ chính là nguồn nhân lực rất hữu ích cho công tác bảo tồn, ví như phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh chống lại lâm tặc. Tuyên

99

truyền trong cộng đồng về các nguồn sinh lợi từ rừng đem lại cho người dân khiến họ thấy rằng việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của họ. Cần khoanh vùng bảo vệ các khu rừng dựa trên sự phân loại của kiến thức bản địa về rừng của cộng đồng (như rừng đầu nguồn nước, rừng nghĩa địa, rừng săn bắn, hái lượm). Việc khoanh vùng bảo vệ rừng không nên lấn qua rừng sản xuất tức làm rẫy luân canh luân khoảnh của người dân. Điều cần thiết là phải chú trọng vào những kiến thức còn lưu truyền trong cộng đồng. Cần thiết phải triển khai nhiều nghiên cứu về vấn đề này để thu thập và lưu giữ các kiến thức và kỹ năng của người dân địa phương. Đồng thời phải triển khai các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ của cộng đồng, phát huy vấn đề này xem như là giải pháp quan trọng cho vấn đề sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên rừng.

Cộng đồng người Ma Coong có hai dạng kiến thức bản địa gắn với môi trường sinh thái tự nhiên. Một dạng kiến thức rất gần gũi với khoa học hiện đại, đó là người dân biết rõ các thói quen của động vật, các thời điểm thích hợp cho việc gieo trồng...Dạng kiến thức này được hình thành và phát triển với thời gian, qua kinh nghiệm và được trải nghiệm qua nhiều thế hệ trong cộng đồng. Một dạng kiến thức gắn với các tập quán văn hóa bao gồm các luật tục kiêng kị, đó là sự thiêng hóa về rừng, giảm thiểu khai thác tài nguyên rừng, nhờ đó người dân tộc thiểu số có thể duy trì cuộc sống của họ trong môi trường tự nhiên từ bao đời nay mà không làm tổn hại đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

3.4.5.1. Xây dựng các quy ước bảo vệ rừng, sử dụng rừng

Những kinh nghiệm truyền thống quản lý rừng thôn bản, kinh nghiệm sử dụng rừng của đồng bào, trong thời gian gần đây các bản đều đã có những quy định về bảo vệ rừng, sử dụng rừng. Các quy ước này được thông qua dân bản và bổ sung. Vì vậy, việc chấp hành quy ước rất tự nguyện trên cơ sở truyền thống của cộng đồng. Quá trình điều tra đồng bào Ma Coong quản lý bảo vệ rừng ở Thượng Trạch có thể phân ra 3 kiểu quản lý cộng đồng đối với rừng như sau:

- Rừng cộng đồng truyền thống của thôn bản từ lâu: Tất cả 18 bản đều có rừng thiêng, rừng ma và rừng giữ nước.

- Rừng cộng đồng do Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng giao do các bản trực tiếp quản lý: Bản 51: quản lý rừng cộng đồng với diện tích 110,30 ha; bản Cà Roòng 1: 85,81 ha; bản Chăm Pu: 152,35 ha; bản Cờ Đỏ: 181,64 ha và bản Khe Rung 339,35 ha. Các bản khác cũng được Dự án giao rừng cộng đồng trong thời gian tới.

- Rừng phòng hộ do Đồn biên phòng, Vườn Quốc gia, UBND xã là chủ rừng đã giao cho bản quản lý trực tiếp. Tuy không có kinh phí cung cấp nhưng bản vẫn bảo vệ rừng.

Nhu cầu sử dụng gỗ, lồ ô, củi, lấy măng...là nhu cầu chính đáng của đồng bào.Vì vậy, trong các quy định của bản đều đề cập đến vấn đề này tùy theo diện tích và trữ lượng.

100

- Cần gỗ, lồ ô sửa nhà, làm nhà cho phép vào rừng chặt gỗ có giới hạn cho phép, chặt đúng chủng loại. Ví dụ: bản Chăm Pu có quy định: một nhân khẩu được cung cấp 12 cây gỗ đường kính 10 -15 cm và 40 cây lồ ô (làm sạp, làm phên nhà) cho một hộ gia đình. Nếu cần nhiều gỗ có thể làm đơn xin mua gỗ ở các bản khác còn rừng.

- Về củi: Cộng đồng người dân nơi đây không có quy định về lấy củi. Tuy nhiên, chỉ lấy củi khô, không được chặt cây tươi về phơi làm củi.

- Măng: Các bản đều có quy định cho phép lấy măng trong giới hạn, chỉ tập trung từ tháng hai âm lịch cho đến hết mùa mưa khi măng đang phát triển.

3.4.5.2. Khai thác bền vững tài nguyên rừng và sử dụng đất đa dạng

Kinh nghiệm sử dụng cây thuốc, trồng lồ ô của cộng đồng người Ma Coong là những kinh nghiệm rất quý để quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả, đặc biệt là rừng cộng đồng. Rừng phòng hộ đầu nguồn ở một số bản người Ma Coong ở Thượng Trạch được bảo vệ tốt ngay cả hiện nay không có kinh phí cung cấp cho họ, chính là do ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng và đời sống của người dân được nâng cao thông qua sử dụng đất đa dạng: làm lúa rẫy, cây màu ở nơi thấp, bảo vệ nghiêm ngặt rừng.

3.4.5.3. Những cơ hội và thách thức của việc áp dụng kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ lâm sản ngoài gỗ ở địa phương

Có thể thấy rằng, việc áp dụng kiến thức của họ vào quản lý lâm sản ngoài gỗ của địa phương có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Thuận lợi là mọi người dân trong cộng đồng đều cho rằng cơ chế quản lý rừng của cộng đồng hiện có rất hiệu quả và họ đều mong muốn được tham gia quản lý bảo vệ rừng, được trả tiền cho công tác bảo vệ với điều kiện các khu rừng phải kề cận thôn bản. Nếu cơ chế quản lý dựa vào cộng đồng này có cơ hội được phát huy thì nó sẽ góp phần không nhỏ đối với công tác bảo tồn và quản lý rừng.

Những khó khăn là do nguồn tài nguyên lâm sản ngày càng khan hiếm, người dân thiếu môi trường thực hành các kiến thức bản địa có giá trị và cũng mất cơ hội truyền đạt lại cho thế hệ con cháu nên có nguy cơ các kiến thức này sẽ dần bị mai một. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu sự hỗ trợ của bên ngoài nên việc phát triển lâm sản ngoài gỗ với việc áp dụng kiến thức bản địa của người dân địa phương cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Một khó khăn nữa là nhận thức của thế hệ trẻ của cộng đồng người Ma Coong ở Thượng Trạch ngày nay cũng đã thay đổi, họ tìm kiếm những cơ hội mưu sinh khác chứ không quan tâm học hỏi những kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ trong việc khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra cơ hội và khả năng tiếp cận thị trường của người dân cho những sản phẩm truyền thống từ lâm sản ngoài gỗ bị hạn chế đã khiến cho các kiến thức bản địa (làm nên bản sắc văn hoá của người Ma Coong: sản phẩm mây, tre đan (gùi, ghế mây,...).v.v.) không còn được người dân đề

101

cao, và vì vậy những sản phẩm có chất lượng và kỹ thuật cao đã không còn nhiều, không được phát huy và chú trọng sử dụng để nâng cao đời sống cho chính họ.

3.5. Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất rừng trên cơ sở kiến thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng người Ma Coong tại tỉnh Quảng Bình

Tập quán và kiến thức bản địa trong quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người Ma Coong tại tỉnh Quảng Bình chính là những kinh nghiệm được đúc rút và trải qua nhiều thế hệ thông qua thực tiễn sản xuất và lao động được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong từng gia đình và từng cộng đồng. Đó chính là những hiểu biết về những loài cây lấy gỗ, các loài động thực vật trong rừng, kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt, làm nhà ở, làm thuốc chữa bệnh và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ từ rừng. Đây là những nhân tố thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Trên có sở đánh giá những mặt tác động tích cực và tiêu cực từ tập quán quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng và đất rừng đến khả năng bảo tồn và phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất rừng trên cơ sở kiến thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng người Ma Coong tại tỉnh Quảng Bình như sau:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập quán và kiến thức bản địa trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng người ma coong tại tỉnh quảng bình (Trang 107 - 110)