5. Kết cấu của luận văn
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với các
doanh nghiệp ngoài quốc doanh
1.1.4.1. Yếu tố khách quan
* Yếu tố về chính trị, pháp luật - Khung pháp lý quy định về BHXH
Thông qua Luật bảo hiểm xã hội, Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác BHXH; đồng thời là cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH thực hiện quản lý thu BHXH trong phạm vi quyền hạn của mình. Ngoài ra, công tác quản lý thu BHXH còn chịu tác động trực tiếp của Luật lao động, các chủ trương chính sách và các quy định khác liên quan.
Tính đồng bộ giữa các quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật khác nhau, tính nhất quán trong các chủ trương, đường lối chính sách
của Đảng và Nhà nước về công tác BHXH có vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về BHXH. Hoàn thiện của hệ thống pháp luật là yêu cầu cần thiết bởi pháp luật phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đất nước thì tạo được sự đồng thuận, sự tuân thủ của người tham gia. Ngược lại, tính phức tạp, bất công bằng, bất hợp lý cũng như những lỗ hổng trong luật BHXH là những thách thức lớn đối với quản lý thu BHXH, gây ra những chống đối và sai phạm.
- Sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy đảng và chính quyền
Luật BHXH đã quy định rõ Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
* Quy mô của doanh nghiệp
Quy mô của doanh nghiệp ngoài quốc doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp có tham gia BHXH cho người lao động hay không. Thông thường quy mô doanh nghiệp sẽ phản ánh quy mô vốn, quy mô lao động, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo nghị định số 56/NĐ-CP năm 2009 quy định về quy mô doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ được phân loại như sau:
- Doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ: Doanh nghiệp thường sử dụng ít lao động (10 người trở xuống) thường không ổn định. Do số lượng lao động ít và có thể thay đổi thường xuyên nên các doanh nghiệp thường ít khi đóng BHXH cho người lao động.
- Doanh nghiệp có quy mô nhỏ: Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn 20 tỷ đồng trở xuống và số lao động từ trên 10 người đến 200 người đối với ngành công nghiệp và xây dựng; tổng nguồn vốn 10 tỷ đồng trở xuống và số lao động từ trên 10 người đến 50 người đối với ngành thương mại và dịch vụ. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng lao động không lớn nên phần lớn các doanh nghiệp cũng hạn chế đóng BHXH cho người lao động. Phần nữa là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, trong phần doanh nghiệp chi trả tiền lương đã bao gồm cả BHXH nên doanh nghiệp sẽ không đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động.
- Doanh nghiệp có quy mô vừa: Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng và số lao động từ trên 200 người đến 300 người đối với ngành công nghiệp và xây dựng; tổng nguồn vốn từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng và số lao động từ trên 50 người đến 100 người đối với ngành thương mại và dịch vụ. Với những doanh nghiệp có quy mô vừa, doanh nghiệp đã phải có bộ phận công đoàn riêng. Bộ phận này sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cho nên hầu hết người lao động đều được tham gia BHXH.
- Doanh nghiệp có quy mô lớn: Doanh nghiệp có quy mô vốn và lao động lớn hơn doanh nghiệp có quy mô vừa. Các doanh nghiệp này phải sử dụng nhiều lao động, bộ phận công đoàn phát triển tham mưu về chế độ chính sách cho người lao động cụ thể. Do vậy, người lao động tại các doanh nghiệp này sẽ tham gia BHXH theo quy định của pháp luật.
* Trình độ nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về BHXH
- Ý thức của người sử dụng lao động
Tham gia BHXH là quyền quan trọng của người lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ BHXH người lao động phải đóng góp một phần hay toàn bộ phí, hoặc được chủ thể khác đóng phí
tham gia bảo hiểm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đóng phí tham gia BHXH của người lao động không chỉ là nghĩa vụ của bản thân người lao động mà còn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Trong những năm qua, người sử dụng lao động đã thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực BHXH, trong đó có trách nhiệm đóng quỹ BHXH, điều này được thể hiện ở số người lao động tham gia BHXH ngày càng tăng, cùng với đó là số quỹ tương ứng có xu hướng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, việc thực hiện đóng phí tham gia BHXH cho người lao động của người sử dụng lao động vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tình trạng chậm đóng, chốn đóng BHXH vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Điều đó làm ảnh hưởng đến công tác thu BHXH.
Nhiều khi từ chỗ nhận thức giản đơn về việc tham gia BHXH, tức là không tham gia hoặc chưa tham gia hay tham gia ở mức độ nhất định vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp, nên người sử dụng lao động không có kế hoạch tài chính chủ động thực hiện việc đăng ký tham gia BHXH, ngay chính bản thân người lao động cũng không có thói quen sống vì bảo hiểm. Chủ doanh nghiệp chỉ thấy lợi trước mắt, lợi cục bộ của doanh nghiệp, thiếu quan tâm tới đời sống và quyền lợi của người lao động nên tìm mọi cách trốn tránh đăng ký tham gia BHXH cho người lao động hoặc đăng lý tham gia theo kiểu đối phó khi có thanh tra, kiểm tra. Tình trạng chủ doanh nghiệp ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng với người lao động và hợp đồng vụ việc, nhằm lách luật về BHXH.
Để nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH, cần tuyên truyền phổ biến để người sử dụng lao động hiểu rõ về vai trò của BHXH. Để người sử dụng lao động biết được rằng trong những trường hợp rủi ro xảy ra như người lao động ốm đau, tai nạn lao động, thai sản...nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động thì doanh nghiệp sẽ phải chi trả một phần chi phí cho người lao động. Nếu doanh nghiệp và người
lao động tham gia BHXH thì BHXH sẽ chi trả những chi phí phát sinh, do vậy giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động được đảm bảo về mặt lợi ích sẽ gắn bó với doanh nghiệp và hăng say lao động nhằm giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn.
- Nhận thức của người lao động
Việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, cống hiến để phát triển doanh nghiệp bền vững. Qua thực tế triển khai thực hiện chính sách BHXH, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền lợi đối với người lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH cho người lao động, khiến không ít người lao động gặp khó khăn khi cần giải quyết các chế độ, như: Trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, … Người lao động, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Như vậy có thể thấy nhận thức đúng về chính sách BHXH cũng là cách để người lao động bảo vệ quyền lợi của mình.
Chính sách BHXH ngày càng đóng vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội bền vững, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp rủi ro lao động, hoặc ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Những chính sách bảo hiểm này cần được tiếp tục nâng cao, nhất là đối với những người lao động chưa ý thức được rằng BHXH là một phần quan trọng mà họ cần quan tâm. Nông thôn của chúng ta đang ngày càng thu hẹp, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mà không tham gia BHXH thì khi nghỉ việc có thể trắng tay. Thực tế, nhiều công nhân còn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không phải nộp bảo hiểm. Người lao động cần ý thức được việc đóng bảo hiểm chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, các chủ sử dụng lao động cần phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân
thủ pháp luật, nhất là vấn đề bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm, người lao động sẽ yên tâm làm việc. Chính sách BHXH là một trong những chính sách quan trọng, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Chính vì thế, công tác truyền thông trong công nhân, lao động về BHXH sẽ giúp công nhân, lao động trang bị kiến thức về BHXH từ đó chủ động tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH tự bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của bản thân.
1.1.4.2.Yếu tố chủ quan
* Nguồn lực của cơ quan BHXH
Nguồn lực của cơ quan BHXH – cơ quan quản lý thu BHXH bao gồm nhân lực, Hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (văn phòng, trang thiết bị máy móc...), trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất.
- Hệ thống thông tin: BHXH luôn coi trọng việc ứng dụng CNTT trong
công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giải quyết chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ các tổ chức, cá nhân tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng CNTT đến các đơn vị sử dụng lao động. BHXH tĩnh cũng đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc thiết bị cho các phòng nghiệp vụ và BHXH huyện, thành phố để trang bị cho mỗi cán bộ một máy vi tính để phục vụ cho công tác quản lý và các phần mềm nghiệp vụ.
- Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật: Đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống máy
chủ, máy trạm các phần mềm đáp ứng giao dịch điện tử về BHXH, BHYT. Triển khai phần mềm quản lý tổng thể các hoạt động của ngành, việc sử dụng phần mềm này sẽ đảm bảo mạng hệ thống liên thông từ trung ương đến các huyện, các phần mềm được kết nối tập trung, thống nhất có tính bảo mật cao.
Nâng cấp và phát triển mở rộng hạ tầng CNTT (mạng máy tính, thiết bị CNTT, đường truyền, giải pháp an ninh mạng, ...) để cung cấp môi trường vận hành cho phần mềm quản lý các hoạt động của ngành.
- Nguồn nhân lực:
Cán bộ công nhân viên ngành BHXH là những người trực tiếp thực hiện công tác quản lý thu BHXH. Số lượng, trình độ đào tạo, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, tính trung thực, sự tận tụy của các nhà quản lý, cán bộ chuyên quản thu BHXH, mức độ tự quyết của cơ quan BHXH trong vấn đề nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý thu BHXH.
Các hoạt động lập kế hoạch, tuyển dụng, bố trí, đề bạt, đánh giá, tạo động lực, đào tạo và đặc biệt là đào tạo và phát triển nhân lực là những yếu tố tác động tới chất lượng và số lượng nhân lực và quyết định chủ yếu đến quản lý thu BHXH.
Ngoài ra, các yếu tố về hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật... cũng tác động ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn trong quản lý thu BHXH.
*Công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý của cơ quan chức năng với việc DN
chấp hành luật BHXH
Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện chính sách thu chi BHXH của các doanh nghiệp trên địa bàn là công việc, nhiệm vụ bình thường theo chức năng được giao của cơ quan BHXH. Mục đích của công tác này nhằm nắm bắt, phản ánh và đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp giúp doanh nghiệp khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH và đảm bảo tính công bằng trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc tham gia BHXH của người lao động và người sử dụng lao động, thì vai trò của cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền có tác động lớn đến BHXH nói chung, đến công tác thu BHXH nói riêng. Đó là việc kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của đơn vị, là việc đôn đốc các doanh nghiệp tham gia BHXH. Đưa ra các chế tài xử lý vi phạm về BHXH nghiêm minh và đủ mạnh buộc người vi phạm phải tuân thủ, sự phối hợp có hiệu quả của các Sở, Ban, Ngành..., cũng ảnh hưởng đến công tác thu BHXH.
* Công tác tuyên truyền, phổ biến về BHXH của cơ quan BHXH
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là phát triển đối tượng tham gia.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, như: Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, bản; tuyên truyền trực quan bằng pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; thông qua các hội nghị, tập huấn, đối thoại, họp dân ở cơ sở; tuyên truyền trực tiếp qua lực lượng nhân viên đại lý thu ở khắp các xã, bản, tiểu khu, tổ dân phố. Trang website thường xuyên cập nhật thông tin kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, các văn bản, quy định mới, chế độ, thủ tục hành chính, hỏi - đáp, giúp người dân nắm bắt thông tin về BHXH, BHYT. Đội ngũ tuyên truyền viên của BHXH tỉnh được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao khả năng thuyết trình, thuyết phục người tham gia.
Công tác tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về chính sách ưu việt BHXH là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành
Luật Bảo hiểm xã hội đối với chủ sử dụng lao động, giúp người lao động trong các doanh nghiệp, HTX nắm được quyền lợi của mình trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH theo diện bắt buộc. Đặc biệt là giúp người dân thấy rõ lợi ích của BHXH và từ đó tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp các đại lý tăng cường tổ chức hội nghị tuyên truyền đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.