1.1. Các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục của Đảng và nhà nước
Đảng và nhà nước rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và phát triển con người toàn diện "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe và thẩm mỹ". Một con người phát triển toàn diện không thể thiếu một trong bốn mặt TRÍ - ĐỨC - THỂ-MỸ.
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục các cấp là một chủ trương được đề cập đến từ Nghị quyết hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa VII số 04 - NQ/HNTƯ, ngày 14 - 01 - 1993. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng khóa VIII, số 02 - NQ/HNTƯ ngày 24 tháng 12 năm 1996 cũng đã chỉ ra cần phải đổi mới công tác quản lí giáo dục nói chung và "Bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp, chấn chỉnh và nâng cao năng lực của bộ máy quản lí giáo dục - đào tạo" nói riêng. Vai trò của cán bộ quản lí giáo dục ngày nay trở nên rất quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của một tổ chức. Ở đơn vị trường học, Hiệu trưởng là người đứng đầu và Hiệu trưởng cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo mọi thành viên trong trường thực hiện mục tiêu giáo dục.
Việc xây dựng đội ngũ giáo viên cũng được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm vì giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Nghị quyết hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII số 02-NQ/HNTƯ ngày 24-12-1996 thể hiện rõ các vấn đề cần làm để xây dựng một đội ngũ giáo viên có đủ đức, tài. Đó là
"Củng cố và tập trung đầu tư nâng cấp các trường sư phạm. Xây dựng một số trường đại học sư phạm trong điểm ..." "Không thu học phí và thực hiện chế độ học bổng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm ..." "Thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ giáo viên ..." "Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang lương bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp ...".
Để giúp cho các trường học, các cơ sở giáo dục có điều kiện hoạt động tốt, mục 2 điều 53 Luật giáo dục ban hành ngày 02 tháng 12 năm 1998 đã quy định nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường. Theo đó, nhà trường có những nhiệm vụ và quyền hạn : Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; Quản lí nhà giáo, cán bộ, nhân viên; Tuyển sinh và quản lí người học; Quản lí, sử dụng đất đai, trường sở, trang thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật; Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục; Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội; Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
1.2. Quán triệt mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện
Quan niệm giáo dục toàn diện trong trường phổ thông được quy tụ ở bốn mặt trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục. Bốn mặt đó được coi như một công thức có nội dung hoàn chỉnh vì nó phản ảnh được cả ba loại giá trị chân, thiện, mỹ và thêm vào thể dục và "Đẹp như một bộ tranh tứ bình về cảnh tứ thời (xuân, hạ, thu, đông", tứ hữu (mai, lan, cúc, trúc), khó cắt rời, khó thêm bớt ...Mỹ dục, đứng ở cuối bảng, như là nét vẽ cuối cùng tạo nên sự toàn mỹ của bức tranh giáo dục, cũng là tạo nên sự hoàn thiện của phẩm chất con người" [49; 27]. Trí, đức, thể, mỹ là bốn bình diện của tri thức và kĩ năng học sinh cần có để trở thành một nhân cách hoàn chỉnh. Vì vậy, thiếu đi một trong bốn mặt trên đều làm cho giáo dục trở nên phiến diện, mất cân đối, sản phẩm của giáo dục sẽ là những con người mang trong mình những khiếm khuyết không gì có thể bù đắp nổi. Giống như bất kì một nền giáo dục chân chính nào, giáo dục nước ta phải nhằm đào tạo những con người luôn vươn tới sự hài hòa của ba giá trị chân, thiện, mỹ.
Trong văn hóa thẩm mỹ của trẻ em thì nghệ thuật giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Vì thế, mỹ dục trong trường phổ thông được thực hiện chủ yếu qua các môn nghệ thuật, trong đó có hai môn Hát - Nhạc và Mỹ thuật mà đề tài đang đề cập tới, cần có một vị trí xứng đáng. Chúng không thể bị coi là những môn phụ vì đối với học sinh tiểu học, các môn học này cũng có vai trò như các môn văn hóa khác là kiến tạo mặt bằng tri thức và kĩ năng rộng rãi, nằm trong những môn cơ bản giúp con người phát triển toàn diện thiên về giáo dục tình cảm, nâng cao tâm hồn.
1.3. Xuất phát từ mục tiêu của môn Hát - Nhạc và Mỹ thuật trong nhà trường tiểu học tiểu học
Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của các môn học này trong nhà trường là nhằm đạt yêu cầu về hiểu biết và cảm thụ là chủ yếu, kĩ năng là thứ yếu. Nghệ thuật không chỉ là các môn học bắt buộc để có điểm mà quan trọng hơn là khơi dậy và tạo nên những hứng thú sáng tạo, tình yêu nghệ thuật cho học sinh, từ đó bồi dưỡng những giá trị đạo đức, nhân cách tình cảm cho học sinh.
Xác định đúng mục tiêu chúng ta mới có thể đi đúng hướng. Nó giúp chúng ta không thể nhầm lẫn giữa giáo dục nghệ thuật mang tính đại trà và giáo dục chuyên về nghệ thuật. Nó còn giúp Hiệu trưởng trong việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá về chất lượng giáo viên, chất lượng học tập của học sinh từ đó có những điều chỉnh, bổ sung hợp lí hơn trong công tác quản lí của mình.
1.4. Căn cứ vào xu hướng phát triển giáo dục toàn cầu
Không chỉ riêng Việt Nam, cả thế giới đang phấn đấu để thế kỉ XXI sẽ phải là thế kỉ của văn hóa nhân văn. Kĩ thuật công nghệ dù có phát triển với tốc độ chóng mặt, vẫn sẽ đóng vai trò phục vụ con người. Nếu sự tiến bộ kĩ thuật và công nghệ lãng quên quyền lợi của con người, nếu con người quên mất nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với thiên nhiên và muôn loài thì rồi nhân loại sẽ đi tới sự hủy diệt.
Trong tình hình đó, nhà trường phải có trách nhiệm làm cho con người không bao giờ được quên tâm hồn mình và thế giới xung quanh mình. Nhà trường phải có nhiệm vụ và phải thực hiện được nhiệm vụ dạy cho thế hệ trẻ biết tư duy theo hướng nhân văn, xây dựng cho họ một hệ thống quan điểm về thế giới mà con người là trung tâm, phải biết quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của con người, về sự duy trì nhân loại.
Muốn làm được điều đó, nhà trường không được thiên lệch trong giáo dục. Có nghĩa là cần đặt vị trí các môn nghệ thuật và cư xử với nó bình đẳng hơn.
1.5. Căn cứ vào thực trạng của hoạt động tể chức giáo dục thẩm mỹ cho học sinh tiểu học ở một số trường Quận 1 sinh tiểu học ở một số trường Quận 1
Đây là một căn cứ quan trọng bậc nhất vì nếu không có nó chúng ta sẽ chẳng cần phải tìm ra bất cứ một giải pháp nào.
Giáo dục Quận 1 tuy không nằm ngoài hệ thống giáo dục cả nước song vẫn có những điểm riêng. Vì vậy, muốn có những giải pháp khả thi thì phải xuất phát từ chính thực tế nơi này.