Trong giai đoạn này, HS luyện tập các thao tác/kĩ thuật/chiến thuật đọc đã được GV làm mẫu trong giai đoạn đọc chia sẻ. GV tham gia với tư cách là huấn luyện viên trong quá trình đọc của HS: từ việc giới thiệu VB cần đọc, đưa ra gợi dẫn và điều chỉnh kịp thời cũng như phản hồi tổng quan về sự thể hiện của cá nhân ở hoạt động luyện tập. Sự quan tâm và định hướng của GV trong giai đoạn này góp phần thúc đẩy tính tích cực của HS trong việc trau dồi các kĩ năng và chiến thuật đọc, đồng thời khiến HS tự tin hơn và cảm nhận được tiến bộ về NL đọc của bản thân. GV có thể tổ chức trên lớp hoặc tạo điều kiện cho HS luyện tập đọc thơ hiện đại ở nhà qua việc triển khai các nhiệm vụ đọc. Dù với hình thức nào, GV cần đảm bảo 3 bước sau:
Bước 1: GV gợi ý cho HS một VB phù hợp với tầm đón nhận của HS hoặc cung cấp một danh sách các VB cho HS tự chọn.
Bước 2: GV yêu cầu HS áp dụng những thao tác/kĩ thuật/chiến thuật đã được hướng dẫn trước đó vào việc đọc hiểu VB. GV nên thiết kế các phiếu học tập đọc, các sơ đồ bảng biểu gợi dẫn cách đọc, các tiêu chí cụ thể và rõ ràng đối với nhiệm vụ đọc… Bằng các công cụ trên, GV đã ngầm trợ giúp HS trong quá trình đọc thơ hiện đại. Cũng theo đó, HS nên được khuyến khích luyện tập đa dạng các thao tác/kĩ thuật/chiến thuật đọc để phát triển toàn diện về kĩ năng đọc thơ hiện đại.
Bước 3: GV thường xuyên phản hồi và điều chỉnh kịp thời trong quá trình HS luyện tập đọc thơ hiện đại. Những phản hồi của người dạy có chức năng kích hoạt tư duy siêu nhận thức của HS, giúp HS biết tự giám sát và điều chỉnh hoạt động đọc thơ hiện đại hiệu quả, ngay cả khi không có sự đồng hành sát sao của GV.
Giai đoạn đọc có hướng dẫn đánh dấu mốc chuyển giao vai trò cho người học, tuy chưa hoàn tất nhưng cũng đã tập trung kích hoạt tính năng động và tự chủ của HS trong hoạt động đọc. Để kích hoạt HT đọc thơ hiện đại của HS ở giai đoạn này, chúng tôi đề xuất kết hợp hình thức HSĐ vào quy trình như sau:
GV yêu cầu HS xây dựng từng nội dung trong HSĐ thơ hiện đại. Với mỗi nội dung, GV (1) nhấn mạnh một hoặc một số thao tác/kĩ thuật/chiến thuật HS cần rèn luyện; (2) lựa chọn/giao cho HS lựa chọn VB để thực hành thao tác/kĩ thuật/chiến thuật đọc trên. GV cũng cần tạo điều kiện cho HS luyện tập ở các VB có mức độ phức tạp tăng dần để phát triển các tiềm năng của HS trong hoạt động đọc.
GV yêu cầu HS thường xuyên cập nhật các nội dung luyện tập đọc thơ hiện đại trong HSĐ.
GV đồng hành với HS trong suốt quá trình HS mới tiếp cận cho đến khi làm quen với HSĐ. GV theo dõi và phản hồi trực tiếp về HSĐ của HS ở mỗi thời điểm khác nhau. Bằng cách thức trên, GV quản lí được hoạt động đọc của HS và kịp thời điều chỉnh, trợ giúp HS trong việc hình thành kĩ năng đọc thơ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng của giai đoạn đọc có hướng dẫn.
Có thể thấy, điểm đặc biệt của việc sử dụng HSĐ thơ hiện đại là HS và GV cùng tương tác tích cực xuyên suốt giai đoạn đọc có hướng dẫn. Đồng thời, các nhiệm vụ trong HSĐ có sự kết nối chặt chẽ với nhau, giúp HS có cái nhìn toàn diện về hành trình luyện tập đọc thơ hiện đại. Chính vì vậy, HSĐ có ưu thế trong việc kích hoạt HT tự rèn luyện kĩ năng đọc thơ hiện đại của HS.