Theo Trần Bá Hoành, cốt lõi tinh thần nhân văn trong dạy học lấy HS làm trung tâm là: Đặt người học vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy học, xem cá nhân người học vừa là chủ thể vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập để cho tiềm năng của mỗi HS, những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi HS được phát triển tối ưu, góp phần hiệu quả xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội (Trần Bá Hoành, 2003).
Bản chất của cách tiếp cận dạy học lấy HS làm trung tâm chính là tính tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo của HS trong suốt quá trình tham gia hoạt động học tập. Trong dạy học lấy HS làm trung tâm, vai trò chủ động tích cực của người học được phát huy, đồng thời vai trò chủ đạo của người dạy cũng rất quan trọng. GV phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm lành
nghề, có đầu óc sáng tạo, GV đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn trong các hoạt động độc lập của HS, đánh thức năng lực tiềm năng trong mỗi em, chuẩn bị tốt cho các em tham gia phát triển cộng đồng. Định hướng cách dạy học như vậy không mâu thuẫn với quan niệm truyền thống về vị trí chủ đạo, vai trò quyết định của GV đối với chất lượng, hiệu quả dạy học.
Dạy học lấy HS làm trung tâm có nội hàm rộng hơn phương pháp dạy học tích cực. Quan điểm dạy học lấy HS làm trung tâm cần được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình dạy học: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá. Dạy học lấy học sinh làm trung tâm là cách tiếp cận trái ngược với quan điểm dạy học lấy người thầy làm trung tâm.