Một quy trình tín dụng khoa học, hợp lý sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế rủi ro. Nhìn chung, quy trình tín dụng mới có nhiều cải tiến so với quy trình cũ và đảm bảo được các nguyên tắc chính như nguyên tắc phân tách chức năng, tuân thủ hạn mức và thẩm quyền, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện thêm.
Thứ nhất, đối với việc phê duyệt GHTD của nhóm khách hàng liên quan cấp một (nhóm khách hàng liên quan có quan hệ tín dụng với nhiều Chi nhánh) và báo cáo NHNN định kỳ hàng tháng về các trường hợp cho vay vượt tỷ lệ vốn tự có so với quy định nên chuyển sang phòng Quản lý rủi ro thực hiện theo dõi và đề xuất, còn Phòng ĐGXH & PD GHTD và các phòng ban khác chỉ là các phòng thực thi các giới hạn này để tránh quá tải công việc cho Phòng Đánh giá xếp hạng, hơn nữa phần hành công việc này liên quan đến vấn đề giám sát, quản lý các giới hạn rủi ro là chức năng của Phòng Quản lý rủi ro.
Thứ hai, đối với quy định định kỳ tối đa 6 tháng/lần hoặc đột xuất, trên cơ sở tờ trình của Chi nhánh trình, phòng Đánh giá xếp hạng và Phòng Khách hàng doanh nghiệp Trụ sở chính (trường hợp phải qua HĐTD) thực hiện đánh giá, xem xét lại hạng tín dụng và GHTD đã cấp cho khách hàng, cần giao cho phòng Khách hàng doanh nghiệp Trụ sở chính là đầu mối để rà soát các khách hàng đến hạn cần rà soát theo từng tháng, gửi danh sách sang Phòng Đánh giá xếp hạng để cùng phối hợp giải quyết. Ngoài ra, việc duy trì hạn mức trên hệ thống máy tính chỉ nên cài đặt theo thời gian 6 tháng, hết thời gian đó nếu
không được rà soát hạng và GHTD thì sẽ không thể giải ngân được, đồng nghĩa với việc tạo ra một chốt kiểm soát để giám sát việc rà soát, đánh giá lại khách hàng của các phòng ban tại Trụ sở chính cũng như Chi nhánh.
Thứ ba, về các văn bản liên quan đến cấp tín dụng nên áp dụng hình thức văn bản mới ra đời thay thế văn bản cũ (văn bản cũ hết hiệu lực), không áp dụng hình thức sửa đổi, bổ sung văn bản cũ để tránh chồng chéo, gây khó khăn trong việc theo dõi (vì một lúc phải tìm lại và đối chiếu nhiều văn bản với nhau).
Thứ tư, về quy trình xét duyệt liên quan đến bảo lãnh, L/C, cần thay đổi theo hướng có sự tư vấn, tham gia của Sở giao dịch 3 (đơn vị chuyên về tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế) để đưa ra các cảnh báo rủi ro liên quan đến bảo lãnh, L/C, đặc biệt về mặt luật pháp, tập quán và thông lệ quốc tế, về câu chữ trong mẫu biểu phát hành bảo lãnh, L/C, các điều kiện mang tính chuyên sâu về tài trợ thương mại.. .sau đó mới đến bước Phòng Đánh giá xếp hạng/Phòng Kiểm soát giải ngân tổng hợp các ý kiến, kiểm soát thẩm định trình lãnh đạo phê duyệt.
Những đề xuất nêu trên giúp tăng cường quản trị rủi ro trên cơ sở phân tách chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng, ban cụ thể, rõ ràng hơn trong một quy trình tín dụng, đảm bảo việc giám sát chặt chẽ, độc lập, khách quan, tránh chồng chéo, tận dụng được thế mạnh chuyên sâu của từng bộ phận nghiệp vụ đồng thời tăng cường việc phối hợp giữa các bộ phận để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.