Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ việc làm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh lạng sơn (Trang 25 - 29)

1.1 Cơ sở lý luận về dịch vụ việc làm, chất lượng dịch vụ việc làm

1.1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ việc làm

1.1.4.1 Điều kiện tự nhiên của địa phương

Trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc mở rộng nguồn công việc, tạo việc làm cho người lao động, trước hết phải nói đến nhân tố có tính chất tự nhiên, vốn có sẵn ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương, đó là nhân tố điều kiện tự nhiên. Điều kiện tự nhiên bao gồm: vị trí địa lý, điều kiện về đất đai, các nguồn khoáng sản trong rừng, dưới biển, địa hình, khí hậu, hệ thống giao thông…Đây là những điều kiện vô cùng quý giá cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Với những thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, hệ thống giao thông sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; đồng thời tạo cho địa phương có khả năng, cơ hội và nguồn lực lớn hơn trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực nội tại cũng như khai thác, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tạo việc làm cho người lao động không chỉ trong nội tại địa phương đó mà còn có khả năng thu hút lao động của các địa phương lân cận tìm kiếm việc làm. Mỗi địa phương nằm trên những vị trí địa lý nhất định, có thể thuận lợi hoặc khó khăn về mặt khí hậu thời tiết,nhiệt độ, lượng gió, mưa, bão lụt, hạn hán... Những yếu tố này ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi địa phương phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên của quốc gia, địa phương mình để tổ chức tạo việc làm cho người lao động sao cho có hiệu quả cao nhất. Cùng với vị trí địa lý, nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, sông ngòi, bờ biển, rừng núi... cũng ảnh hưởng rất lớn đến tạo việc làm. Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng, là tư liệu lao động trong quá trình sản xuất. Đất đai được sử dụng như những nguồn lực lớn để tạo việc làm trong nông nghiệp nông thôn; Đất đai cũng là một nguồn tài nguyên phục vụ cho công nghiệp, nếu địa phương có nhiều đất đai sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh không những tạo việc làm cho lao động địa phương mình mà cho cả lao động của địa phương khác. Ngoài các điều kiện tự nhiên trên thì điều kiện về phong cảnh, di tích lịch sử cũng là những lợi thế phát triển ngành du lịch và giúp tạo việc làm cho người lao động qua đào tạo

nghề ngành du lịch. Đối với địa bàn chỉ có đất đai, con người thì cần phải thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp để tạo việc làm cho người lao động.

1.1.4.2 Nhân tố thuộc về cơ chế chính sách

Cơ chế chính sách là hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về việc làm, chính sách lao động việc làm, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong tạo việc làm cho người lao động, chính sách của chính quyền địa phương và quy định của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đây là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tạo việc làm cho người lao động. Các chính sách vĩ mô của Nhà nước có vai trò to lớn trong việc tạo việc làm, đồng thời điều chỉnh việc làm phù hợp với mục tiêu, trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ. Có rất nhiều chính sách tác động đến việc làm như chính sách tạo vốn, chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách đào tạo nghề...hợp thành một hệ thống chính sách hoàn chỉnh có quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau hướng vào phát triển cả cung và cầu về lao động, đồng thời làm cho cung và cầu phù hợp với nhau. Thực chất là tạo ra sự phù hợp giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Khi các chính sách vĩ mô của Nhà nước đúng đắn và thích hợp sẽ tạo ra nhân tố, môi trường, động lực khuyến khích các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động mở rộng đầu tư nhằm thu lợi nhuận, tạo việc làm, khai thác tối ưu mọi nguồn lực vào mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, khi các chính sách vĩ mô của Nhà nước không phù hợp, nó sẽ kìm hãm và tạo nên tâm lý chán nản trong đầu tư kinh doanh, quy mô sản xuất thu hẹp dẫn đến việc làm giảm sút. Vì vậy, số lượng, chất lượng việc làm, khả năng tạo việc làm chính là một trong những thước đo quan trọng biểu hiện trình độ hoạch định và tính khả thi của hệ thống các chính sách vĩ mô của Nhà nước trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Tạo việc làm cho người lao động là chính sách xã hội cơ bản, là hướng ưu tiên trong toàn bộ các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Từ quan điểm và định hướng trên, Nhà nước ta đã có các chính sách kinh tế - xã hội chủ yếu tác động tới phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm như: Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa xuất khẩu; chính sách tín dụng ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ; chính sách khuyến khích tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, chính sách

giáo dục đào tạo nghề cho lao động; chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước thông qua chínhsách đất đai, thuế, đầu tư...

1.1.4.3 Nhân tố thuộc về cơ quan thực hiện chính sách việc làm

Các mục tiêu, nhiệm vụ của dịch vụ việc làm có được thực hiện tốt hay không, có đạt được kết quả tốt hay không là phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm. Những người có trách nhiệm quản lý về lao động, việc làm có đánh giá và nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động hay không? Nó sẽ quyết định đến việc đưa ra các kế hoạch cũng như phương hướng thực hiện nhiệm vụ này. Nếu được coi trọng và nhận biết được tầm quan trọng của hoạt động giải quyết việc làm sẽ có các quy trình thực hiện nhiệm vụ như cách thức thực hiện chính sách, giám sát hoạt động thực hiện chính sách, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ được thực hiện tốt hơn, còn ngược lại, nó sẽ làm lãng phí kinh phí nhà nước, kìm hãm tiến trình hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động và thực hiện các hoạt động chỉ mang tính chất chống đối, hình thức…Mỗi một chính sách của nhà nước đưa ra nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động đều hướng tới giúp cho người lao động có được việc làm và giúp họ ổn định được cuộc sống, nhưng có thực hiện được hay không đều phụ thuộc vào các cấp thực thi chính sách đó. Nếu cơ quan thực thi chính sách việc làm của nhà nước tốt, thì các chính sách mà nhà nước hỗ trợ cho người lao động sớm đến được tay của họ, nhưng nếu giải quyết không tốt, quyền lợi của người lao động bị mất mà còn lãng phí kinh phí của nhà nước bỏ ra . Chính vì thế mà các cơ quan thực hiện giải quyết việc làm cho người lao động cần có đủ nguồn lực để thực thi các nhiệm vụ giải quyết việc làm đúng chính sách nhà nước đề ra

1.1.4.4 Nhân tố thuộc về cung, cầu lao động (thị trường lao động)

Thị trường lao động là nơi trao đổi hàng hóa sức lao động giữa một bên là những người sở hữu sức lao động và một bên là những người cần thuê sức lao động đó. Thị trường lao động còn là biểu hiện mối quan hệ giữa một bên là người có sức lao động và một bên là ngườisử dụng sức lao động nhằm xác định số lượng và chất lượng lao động sẽ đem ra trao đổi và mức thù lao tương ứng. Thị trường lao động luôn luôn biến

động, với mỗi thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trên thị trường lao động ở mỗi thời kỳ khác nhau. Trong thời kỳ nền kinhtế ổn định và phát triển, các lĩnh vực sản xuất phát triển, nhu cầu hàng hóa trên thị trường ngày một lớn, từ đó cầu về lao động sẽ rất lớn, các công ty, các tập đoàn tập trung phát triển sản xuất nhu cầu nguồn nhân lực tăng nhanh chóng, lúc này thị trường lao động hoạt động rất sôi động, và ngược lại khi nền kinh tế lâm vào cuộc khủng hoảng, kinh tế chậm phát triển, nguy cơ thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm, thì lúc này trên thị trường lao động cầu về lao động giảm và cung lao động trên thị trường tăng cao gây áp lực về giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp. Khả năng hỗ trợ giải quyết được việc làm cho người lao động nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ nhu cầu lao động trên thị trường,

1.1.4.5 Nhân tố thuộc về bản thân người lao động:

Khi các hoạt động hỗ trợ của nhà nước đã được đưa ra nhằm giúp cho người lao động có cơ hội tìm được việc làm, với điều kiện này thì chưa đủ mà còn phải phụ thuộc vào bản thân người lao động. Một trong yếu tố ảnh hưởng đến hỗ trợ giải quyết việc làm đó là trình độ tay nghề và trình độ nhận thức của người lao động. Nếu một đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thì khả năng khai thác cung lao động cho nhóm lao động này rất thuận lợi, ngược lại, nếu trình độ của người lao động thấp thì việc khai thác các công việc gặp khó khăn. Từ trước tới nay tư duy suy nghĩ của người lao động đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân lao động Việt Nam là thứ nhất cận thân thứ nhì cận lân. Tư tưởng ỷ lại và trông chờ vào người khác sẽ giúp mình tìm kiếm việc làm, bản thân người lao động không chủ động tìm kiếm, không tự tạo ra cho mình một hướng đi mới, nên hoạt động hỗ trợ gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền và tư vấn cho lao đông. Công tác vận động lao động tham gia các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm của nhà nước sẽ kém hiệu quả.Tâm lý không thích thay đổi nghề nghiệp, đã từng làm việc gì rồi thì mãi muốn làm việc đó, không mạnh dạn tìm hướng đi mới trong nghề nghiệp của bản thân. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ giải quyết việc làm, Mỗi một chính sách đề ra nhằm hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể, đòi hỏi phải có sự kết hợp của hai yếu tố đó là con người và điều kiện hỗ trợ con người tiếp xúc được với việc làm. Cả hai cùng lỗ lực vì mục tiêu giải quyết được việc làm thì hiệu quả của mục tiêu đó mới cao. Bản thân người lao động, họ có thực sự

muốn tìm kiếm việc làm mới hay không? Hay họ cứ ngồi trông chờ và ỷ lại cho nhà nước tìm kiếm cho họ. Nếu bản thân họ lỗ lực tìm kiếm cơ hội việc làm, bằng các cách như tiếp tục học tập, học thêm nghề mới, tìm kiếm các công việc tương tự giống với công việc cũ, thay đổi các suy nghĩ, cách làm việc, hay tham gia vào các buổi tư vấn giới thiệu việc làm, tham gia vào các sàn giao dịch việc làm…thì người lao động sớm tìm được việc mới còn ngược lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh lạng sơn (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)