Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Bắc Giang hiện có 09 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động); 230 xã, phường, thị trấn (207 xã, 7 phường, và 16 thị trấn). Với lợi thế về địa bàn và giao thông thuận tiện, lại tiếp giáp với các vùng kinh tế lớn, Bắc Giang đã sử dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tìm kiếm, thu hút, tạo điều kiện về cơ chếchính sách để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần tạo nhiều chỗ làm việc mới.
Kinh nghiệm giới thiệu, giải quyết việc làm ở tỉnh Bắc Giang là:
- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Từ đó, chuyển dịch cơ cấu lao động sang làm việc trong ngành công nghiêp – xây dựng và dịch vụ.
- Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo ra được nhiều việc làm tại chỗ.
- Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành nghề dịch vụ để thu hút lực lượng lao động có chất lượng.
- Thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo nghề cho người lao động, dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
- Tạo việc làm thông qua XKLĐ đem lại nguồn thu nhập cho NLĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích lũy được nguồn vốn sau khi đi XKLĐ trở về nước.
- Cơ sở vật chất của các Trung tâm được nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống công nghệ thông tin. Chất lượng đội ngũ nhân viên tư vấn, giới thiệu viêc làm được cải thiện, tư vấn nhiệt tình, hiệu quả hơn; Trung tâm bố trí đúng người đúng việc, phù hợp với năng lực và yêu cầu của công việc. Hàng năm tổ chức có hiệu quả công tác điều tra cung - cầu lao động theo quy định của pháp luật nhằm cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời nhất cho người lao động địa phương.