2.1 Giới thiệu chung về các Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn
2.1.1 Quá trình phát triển của các Trung tâm dịch vụ việc làm Lạng Sơn
Lạng Sơn là là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Toàn tỉnh có 10 huyện và 01 thành phố, có 226 xã, phường, thị trấn với 91 xã vùng III, 136 xã vùng cao, 20 xã và 01 thị trấn biên giới. Điều kiện kinh tế - xã hội tuy đã có bước phát triển nhưng cũng còn rất nhiều khó khăn. Kinh tế, xã hội của tỉnh dần ổn định và phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, năng lực sản xuất, kinh doanh được tăng cường đáng kể. Lĩnh vực kinh tế dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu phát triển mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng chiếm gần 70% thu ngân sách của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu nhất là Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát triển một số loại dịch vụ tạo nhiều việc làm cho người lao động. Dân số năm 2016 toàn tỉnh trên 762.000 người, số người trong độ tuổi lao động có 507.000 người chiếm 66,5%; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp với khoảng trên 40.000 lao động. Các Doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn địnhđóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Giai đoạn 2011-2016 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 12.500 lao động (trong đó Quỹ Quốc gia về việc làm thu hút 1.400 lao động; xuất khẩu lao động 100 người và có trên 5.000 lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh). Hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 lao động ở khu vực nông thôn thiếu việc làm, việc làm không ổn định; số lao động không có việc làm ở khu vực thành thị trên 3.000 người chiếm khoảng 4% dân số. Do tác động của quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến số lao động bị ảnh hưởng bởi các dự án thu hồi đất, đặc biệt là khu vực nông thôn đất canh tác bị thu hẹp, nhu cầu học nghề, chuyển đổi việc làm và nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng.
Để thực hiện Chương trình giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Tỉnh. Căn cứ Nghị định 72/CP, ngày 31/10/1995 của Chính phủ; thông tư số 08/LĐTBXH- TT ngày 10/3/1997 của Bộ Lao động thương binh và xã hội, về việc hướng dẫn tổ chức, hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm. Để thực hiện đồng bộ hệ thống dịch vụ việc làm trên toàn quốc, tại tỉnh Lạng Sơn Trung tâm dịch vụ việc làm đã được thành lập theo Quyết định số 1346/UB-QĐ, ngày 17/10/1997 của UBND tỉnh Lạng Sơn, việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của Trung tâm đã góp phần không nhỏ đến công tác giải quyết và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.Đến năm 2015 căn cứ Nghị đinh 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định về Nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 1827/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 10 năm 2015 để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đánh giá giai đoạn năm 1997-2005 toàn tỉnh Lạng Sơn có 03 đơn vị được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, đó là Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh và xã hội Lạng Sơn; Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 2011 do tính chất nhiệm vụ và tình hình thực tế, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Liên đoàn lao động tỉnh đã chuyển đổi tên thành Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm theoQuyết định 1578/QĐ/TLĐ, ngày 31/12/2009 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này đã có 02 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, song do khó khăn trong hoạt động đến năm 2013 các doanh nghiệp này đã xin ngừng hoạt động.
Hiện nay, cụ thể là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tồn tại 02 đơn vị thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm, đó là Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội và Trung tâm dạy nghề - tư vấn giới thiệu việc làm trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn, còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm theo Luật doanh nghiệp thì tại thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép hoạt động.