LĐNT hiện nay có nhu cầu học nghề ở các cơ sở, trung tâm dạy nghề với mục đích là sau khi học nghề xong họ sẽ có trong tay một nghề với trình độ tay nghề, chuyên môn vững vàng để có thể tự lập nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm ở thị trường lao động. Do đó, chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở, trung tâm dạy nghề cũng được bộ phận lao động quan tâm trước khi lựa chọn ngành nghề và cơ sở học nghề.
Một bộ phận không nhỏ người lao động không muốn đi học nghề vì họ cho rằng đào tạo nghề vẫn chưa gắn với việc làm hoặc nếu có thì thu nhập của họ sau khi được đào tạo vẫn chưa cao như họ mong muốn. Mục đích của người lao động là sau khi tham gia vào lớp học nghề thì họ phải có việc làm với thu nhập cao và ổn định, đồng thời được nâng cao được trình độ. Trong điều kiện thu nhập của bản thân hạn hẹp họ sẵn sàng không đi học nghề để sử dụng số tiền đó vào mục đích khác có lợi hơn.
Một nguyên nhân chính khiến cho LĐNT không muốn đi học nghề đó là do chất lượng đào tạo nghề. Rất nhiều lao động cho rằng chất lượng đào tạo nghề ở trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề của các địa phương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của họ, trong đó hai yếu tố được đánh giá ảnh hưởng nhất đến chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian nay đó là cơ sở vật chất của nơi học và trang thiết bị dạy học.
Nếu ngành nghề đào tạo đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động thì người lao động sẵn sàng bỏ kinh phí để học, để kiếm cho mình một ngành nghề có thu nhập. Ngược lại, nếu ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, không gắn với việc làm, chất lượng đào tạo nghề không đảm bảo thì sẽ không thu hút được
người lao động muốn tham gia học nghề. Do đó, muốn cho người lao động nhận thức được vai trò của việc học nghề cải thiện cuộc sống của chính họ và giá trị nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường; song song với việc phát triển các hình thức dạy nghề thì việc cải thiện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề là việc làm hết sức cần thiết. Phần lớn các ý kiến đề xuất đều mong muốn đào tạo nghề cần phải gắn với việc làm, phát triển các hình thức, chương trình đào tạo phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo có như vậy mới thu hút được bộ phận LĐNT theo học nghề. Đồng thời nhiều ý kiến của người lao động cho rằng hình thức và nội dung chương trình đào tạo nghề hiện nay được triển khai là chưa phù hợp và cần bổ sung thêm để phù hợp với tình hình phát triển chung của toàn tỉnh và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng như địa bàn các tỉnh xung quanh.