Cơ chế phân cấp chi Ngân sách nhà nước về Giáo dục và đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước về giáo dục và đào tạo tại thành phố mỹ tho, tỉnh tiền giang (Trang 25 - 28)

5. Nội dung nghiên cứu

1.2.3. Cơ chế phân cấp chi Ngân sách nhà nước về Giáo dục và đào tạo

1.2.3.1 Tổ chức Bộ máy quản lý chi Ngân sách nhà nước về Giáo dục & Đào tạo

Đối với GD&ĐT, theo quy định chung Sở GD&ĐT các tỉnh quản lý chung và trực tiếp quản lý các Trường THPT. Đối với Thành phố trực thuộc (huyện) thì quản lý các trường THCS, Tiểu học và mầm non.

Bộ máy quản lý tài chính về GD&ĐT được thực hiện từ cấp Trung ương đến cơ sở (địa phương). Để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả về công tác quản lý nhà nước về chi NSNN cho GD&ĐT đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và thực hiện một cách đồng bộ. Hệ thống quản lsy Tài chính cho sự nghiệp GD&ĐT:

- Các cơ quan Trung ương: Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT và Kho bạc Nhà nước Trung ương.

- Các cơ quan quản lý địa phương:

+ Cấp tỉnh: HĐND và UBND tỉnh, do Sở Tài chính, Sở GD&ĐT, KBNN tỉnh + Cấp huyện (thành phố trực thuộc): HĐND và UBND; Phòng KHTC, Phòng GD&ĐT, Kho Bạc huyện hay thành phố, nhưng với sự kiểm soát của Sở Tài chính và Sở GD&ĐT.

1.2.3.2 Cơ chế phân cấp chi

Trong cơ chế quản lý ngân sách, cơ chế phân cấp ngân sách có vị trí rất quan trọng, thể hiện mối quan hệ phân cấp, phân quyền, phối hợp hoạt động giữa các cấp chính quyền trong việc quản lý, điều hành ngân sách. Yêu cầu đối với cơ chế phân cấp ngân sách là Ngân sách Trung ương phải giữ vai trò chủ đạo tập trung các nguồn thu có tính chất quốc gia và giải quyết các nhu cầu chi tiêu có tính chất trọng điểm trên phạm vi cả nước.

Ngân sách địa phương phải được phân cấp một số nguồn thu và nhiệm vụ chi nhất định để đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trên địa bàn. Mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phải được giải quyết hài hòa thông qua cơ chế điều tiết và trợ cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương. Việc địa phương quản lý ngân sách có thể giúp huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và làm cho cung cấp dịch vụ phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương với hiệu quả cao hơn, phù hợp hơn với điều kiện và tình hình cụ thể tại địa phương. Tuy nhiên nếu phân cấp không tốt sẽ dẫn đến những rủi ro như sự chồng chéo, làm suy yếu sự điều phối trung ương và địa phương.

Việt Nam có 4 cấp chính quyền. Ở cấp Trung ương, quyền lập pháp thuộc về Quốc hội và là cơ quan có trách nhiệm quyết định ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước gồm không chỉ ngân sách của chính quyền trung ương mà còn có cả ngân sách tổng hợp của các cấp tỉnh - huyện - xã. Cơ cấu của ngân sách mang tính thứ bậc. Ngân sách của mỗi cấp không chỉ được Hội đồng nhân dân cấp đó quyết định mà còn phải được chính quyền cấp trên phê chuẩn. Chính quyền ở mọi cấp hoạt động theo một hệ thống song trùng lãnh đạo. Từng cấp ngân sách phải chịu trách nhiệm lập dự toán ngân sách hàng năm (bao gồm các khoản thu chi trên địa bàn), chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện ngân sách cấp dưới. Cấp huyện tổng hợp dự toán ngân sách xã, báo lên tỉnh. Tỉnh tổng hợp dự toán ngân sách các huyện báo cáo lên Bộ Tài chính.

Dự toán ngân sách cấp xã do Ban tài chính xã lập, Dự toán ngân sách cấp huyện do Phòng Tài chính huyện lập và dự toán ngân sách tỉnh do Sở Tài chính lập.

Mục đích của việc phân cấp ngân sách giữa các cấp chính quyền là nhằm giảm bớt sự ỷ lại của cơ quan cấp dưới, đồng thời xoá bỏ sự bao biện, làm thay của chính quyền cấp trên. Nhờ đó mà sự phân định trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý ngân sách nhà nước một cách rõ ràng hơn và tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả quản lý ở lĩnh vực này.

Căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương;

b) Ngân sách xã, thị trấn được phân chia nguồn thu từ các khoản: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất;

c) Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ;

d) Trong phân cấp nhiệm vụ chi đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông công lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác.

Căn cứ vào tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia do Chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp ở địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước về giáo dục và đào tạo tại thành phố mỹ tho, tỉnh tiền giang (Trang 25 - 28)