Phân tích tài chính là một khâu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thẩm định tín dụng, giúp ngân hàng đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Hoạt động tín dụng là hoạt động mang lại phần lớn thu nhập cho các ngân hàng nhưng đồng thời đây cũng là hoạt động ẩn chứa nhiều rủi ro. Một trong các rủi ro phổ biến nhất đó chính là khách hàng vay vốn không trả nợ đúng hạn, thậm chí mất khả năng trả nợ. Chính vì vậy công tác phân tích tài chính khách hàng cần được chú
trọng và quan tâm hàng đầu, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại, khả năng sinh lời của các món cho vay (Nguyễn Ngọc Lê Ca, 2015).
Nâng cao năng lực phân tích tài chính khách hàng là một giải pháp hữu hiệu, chủ động đưa ra các quyết định cho vay hợp lý. Việc phân tích có đúng, chính xác, nhanh chóng giúp ngân hàng đánh giá được độ an toàn của khách hàng vay vốn. Nếu khách hàng có tình hình tài chính ổn định, các lần vay vốn trước (nếu có) hoàn trả đúng hạn thì độ an toàn sẽ cao hơn, ngân hàng có thể yên tâm khi cấp tín dụng. Bên cạnh đó, phân tích tài chính cũng giúp ngân hàng đưa ra được mức vốn an toàn, phù hợp với khả năng của khách hàng, tránh rủi ro thanh toán vượt mức thu nhập của người vay. Và mục tiêu cuối cùng hướng tới đó chính là phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu nợ quá hạn xuống tối đa, đảm bảo an toàn kinh doanh.
Phân tích tài chính khách hàng là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ tín dụng không chỉ có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt mà cần có sự nhạy bén trong tư duy và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao. Một nhà phân tích giỏi phải có kỹ năng phân tích, am hiểu nhiều lĩnh vực, am hiểu luật pháp và nhanh nhạy khi đưa ra những đánh giá, nhận định dựa trên sự quan sát, kết hợp nhiều yếu tố. Do đó để nâng cao năng lực phân tích tài chính, Ngân hàng BIDV Hạ Long cần xác định chiến lược con người là chiến lược lâu dài, việc xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phân tích tài chính có năng lực, trình độ cao là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng tín dụng. Để thực hiện được điều này, chi nhánh cần tập trung vào một số giải pháp sau:
- Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cán bộ phân tích tài chính khách hàng. Bên cạnh đó khi tuyển dụng mới phải đảm bảo đúng quy trình, yêu cầu công việc. Cần tuyển người giỏi, người có đủ khả năng và năng lực để đảm nhận công việc.
- Có chính sách sàng lọc, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phân tích tài chính. Tiến hành đánh giá định kỳ hàng năm để có hướng đào tạo, bổ sung kịp thời đồng thời phân loại để thực hiện việc tiêu chuẩn hoá cán bộ trên cả 2 mặt định tính và định lượng, tạo ra đội ngũ chuyên viên phân tích mạnh toàn diện, có sức cống hiến cao.
- Song song với đánh giá, kiểm tra và lựa chọn năng lực của nhân viên, BIDV Hạ Long cần đổi mới chính sách đãi ngộ. Trong thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp cũng như ngân hàng phải xây dựng cho mình cơ chế đãi ngộ hợp lý về tiền lương, tiền thưởng, hệ số tiền lương,… Đây là yếu tố cần phải có để tìm và giữ được người tài, tạo điều kiện để nhân viên, cán bộ phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời thực hiện cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, tạo ra môi trường thi đua, khuyến khích sáng tạo, làm việc hiệu quả.
- Hoàn thiện phương pháp và nội dung phân tích trong từng giai đoạn để phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, BIDV Hạ Long mới chỉ sử dụng phương pháp phân tích tỷ số và phương pháp so sánh để phân tích tài chính khách hàng. Vì thế, để đẩy mạnh sự chính xác và hiệu quả khi phân tích, chi nhánh có thể xem xét sử dụng thêm phương pháp Dupont. Đây là một phương pháp mới đưa ra kết quả phân tích dựa trên một hệ thống các số liệu tài chính chứ không phải chỉ riêng một hệ số. Do đó kết quả thu được có sự bao quát, tổng hợp và chính xác hơn.