Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long cần lập ra cho mình một chiến lược marketing cụ thể để quảng bá và mở rộng hơn nữa hình ảnh của mình tới khách hàng trong thành phố và các vùng lân cận. Trong đó đẩy mạnh tiếp cận khách hàng bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, tìm hiểu nhu cầu và đặc điểm của khách hàng, từ đó có giải pháp thích hợp để tác động và thu hút họ đến với các sản phẩm tín dụng mà ngân hàng đang cung cấp. Hiện nay hoạt động Marketing tại chi nhánh Hạ Long chưa thực sự phát triển và đem lại hiệu quả cao, các chương trình diễn ra rời rạc, lẻ tẻ, chưa có chiến lược cụ thể do đó chưa gây được sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng. Có thể thấy chi nhánh mới chỉ thực hiện việc quảng cáo thông qua các băng rôn, biển hiệu treo trước và trong chi nhánh trong mỗi chương trình khuyến mại do BIDV Việt Nam tổ chức mà chưa có được sự chủ động tự thực hiện. Để khắc phục được điều này, đem tới thành công cho hoạt động marketing, chi nhánh cần đẩy mạnh thông qua các kênh sau:
a. Quảng cáo
Quảng cáo là kênh Marketing phổ biến nhất, quen thuộc đối với hầu hết mọi ngân hàng. Có khá nhiều các phương thức quảng cáo khác nhau được sử dụng nhằm truyền tải thông tin tới khách hàng. Mức phí phải trả đối với mỗi cách quảng cáo khác nhau cũng rất đa dạng, ngân hàng có thể sử dụng đồng thời hoặc lựa chọn một, một vài cách phù hợp với mục đích và khả năng tài chính trong từng đợt quảng cáo. Các phương tiện thông tin đại chúng mà Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long có thể tiếp cận để thực hiện việc quảng cáo đó là:
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Quảng Ninh
- Đài phát thanh thành phố, đài phát thanh các phường và huyện, xã lân cận. - Các đầu báo phát hành trong thành phố như báo Quảng Ninh, báo kinh tế,… - Quảng cáo qua các băng rôn, biển hiệu tại chi nhánh và những nơi tập trung
đông dân cư, ven đường lớn.
- In quảng cáo trên cửa xe taxi, cửa xe bus
- Chạy quảng cáo tại màn hình của các cây ATM BIDV.
Nội dung quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh hoặc chữ viết. Khi thiết kế phải tạo được sự sinh động, hấp dẫn, gây được sự quan tâm, chú ý. Những thông tin thể hiện phải có trọng tâm, nội dung dễ hiểu, cô đọng, xúc tích. Ngoài ra còn cần thể hiện được thương hiệu và hình ảnh riêng của ngân hàng, tạo dấu ấn và định hình trong lòng khách hàng (Khuất vũ Linh Nga, 2012).
b.Quan hệ công chúng (PR)
Hoạt động quan hệ công chúng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long chưa được chú trọng và đẩy mạnh phát triển. Đây là cách marketing đòi hỏi có sự chuẩn bị và không hề đơn giản nhưng kết quả đem lại rất cao bởi khả năng tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng, tính chân thực của thông tin cao hơn, uy tín hơn, sức thuyết phục cũng cao hơn rất nhiều so với phương pháp quảng cáo thông thường.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long có thể thực hiện PR thông qua các hoạt động phối hợp, hợp tác với các giới liên quan như báo chí, đài truyền hình hay tại các diễn đàn về kinh tế để đưa thông tin, hình ảnh ngân hàng và các sản phẩm, dịch
vụ đang cung cấp tới công chúng. Chi nhánh nên mời các chuyên gia và khách hàng cùng tham gia thực hiện và chia sẻ cảm nhận về dịch vụ của ngân hàng sẽ tăng mức độ chân thực và thu hút được nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra ngân hàng có thể tổ chức các buổi họp báo hay tư vấn về sản phẩm để giúp khách hàng hiểu rõ hơn, biết được những ưu điểm trong từng sản phẩm đồng thời thể hiện được tính chuyên nghiệp của một ngân hàng lớn.
c. Xúc tiến hỗn hợp, khuyến mại
Xúc tiến hỗn hợp, khuyến mại thường được tổ chức trong thời gian ngắn nhằm đẩy mạnh nhu cầu về sản phẩm tức thì. Hiệu quả của phương pháp này rất cao, có thể thấy ngay được. Hiện nay Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long thường tổ chức các chương trình xúc tiến vào những ngày lễ lớn của dân tộc hoặc trong dịp kỷ niệm của ngân hàng và chi nhánh. Hình thức khuyến mại có thể là ưu đãi về lãi suất hay tặng kèm các phần thưởng, các dịch vụ khác. Khi thực hiện hoạt động này, chi nhánh cần kết hợp với hoạt động quảng cáo để nhiều khách hàng biết đến, tăng hiệu quả và lợi nhuận.
d. Một số phương pháp marketing, tiếp thị khác
- Truyền thông nội bộ:
Truyền thông nội bộ là hoạt động truyền thông được thực hiện trong nội bộ ngân hàng và đóng vai trò hết sức quan trọng. Truyền thông nội bộ giúp mọi nhân viên hiểu rõ hơn về các sản phẩm và dịch vụ mà ngân hàng đang cung cấp từ đó thực hiện công việc của mình cũng như tư vấn cho khách hàng được chính xác, chủ động. Các kênh nội bộ quen thuộc là: tạp chí nội bộ, bảng tin, giao tiếp bằng lời nói hoặc bằng văn bản,…
- Tham gia vào các tổ chức xã hội
Các tổ chức xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ, hiệp hội doanh nghiệp,… để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Việc tham gia các tổ chức xã hội và các hội nhóm sẽ giúp ngân hàng nắm bắt được tình hình cụ thể của khách hàng tại địa phương một cách nhanh chóng nhất, tổng quát nhất. Hơn thế nữa bằng cách này ngân hàng có thể đưa các chính sách, sản phẩm và dịch vụ của mình đến với khách
hàng một cách dễ dàng, phổ cập và rộng rãi hơn. Đặc biệt, thông qua các tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức xã hội tại địa phương có liên quan trực tiếp đến chính quyền còn tạo được niềm tin và uy tín của ngân hàng, giúp thu hút các nguồn lực và sự tham gia của nhiều khách hàng hơn.
- Lấy ý kiến đóng góp của khách hàng
Việc lấy ý kiến đóng góp của khách hàng thông qua thư góp ý, email điện tử, … để có những thay đổi, điều chỉnh tốt lên. Điều này có thể giúp ngân hàng thấy được những ý kiến phản hồi khách quan, trung thực và chính xác nhất từ chính những khách hàng của mình. Qua đó, có thể đưa ra các chiến lược marketing cụ thể đồng thời cũng đưa ra được các chính sách và phát triển các sản phẩm, dịch vụ một cách tốt nhất, cụ thể nhất.
- Đẩy mạnh các kênh phân phối:
Việc đẩy mạnh các kênh phân phối đồng nghĩa với việc làm sao để có thể mang sản phẩm đến với tay khách hàng. Nó bao gồm vị trí điểm bán sản phẩm dịch vụ có thuận tiện và vị trí sản phẩm có dễ dàng lọt vào tầm mắt của khách hàng hay không. Hiểu rộng ra nó còn bao hàm cả kênh phân phối sản phẩm dịch vụ đến từng khu vực địa lý cũng như từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Khác với những những doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm hữu hình dễ dàng trưng bày mang đến cho các khách hàng một cái nhìn trực quan, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thường là vô hình do vậy việc chọn vị trí xuất hiện và kênh phân phối càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
Các sản phẩm dịch vụ thanh toán hướng tới các đối tượng có nhu cầu thanh toán lớn luôn được xuất hiện trong những khu vực siêu thị, trung tâm mua sắm hoặc các khu vực vui chơi giải trí có nhu cầu thanh toán cao như sân golf, các nhà hàng khách sạn… Các khu vực khu công nghiệp có lượng công nhân đông đảo cũng là nơi để các ngân hàng phát triển sản phẩm thanh toán lương qua tài khoản qua thẻ C24, thẻ ATM đồng thời bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác như gửi tiết kiệm cũng như cho vay tiêu dùng khác. Các dịch vụ chuyển tiền thường được mang đến những khu vực có nhu cầu chuyển tiền cao như các trường đại học, khu buôn bán…
Ngoài vị trí ra thì kênh phân phối cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc mang những sản phẩm dịch vụ cần thiết đến đúng đối tượng. Đối với mỗi sản phẩm dịch vụ khác nhau hướng đến những đối tượng khách hàng khác nhau cần có những kênh phân phối khác nhau. Trong khi những sản phẩm dịch vụ bình dân thường được mang đến khách hàng thông qua kênh siêu thị, khu công nghiệp thì những sản phẩm cao cấp hơn đánh vào tầng lớp có thu nhập cao thường mang đến những khách hàng thường xuyên lui tới các sân golf, khu mua sắm, khu vực sân bay…
Các hình thức marketing cần được kết hợp vận dụng để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau hướng tới đạt mục tiêu, kết quả cao nhất trong hoạt động kinh doanh. Trong quá trình phát triển và ứng dụng các hình thức marketing cần có sự đồng bộ, nhất quán và kịp thời nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất. Hơn thế nữa, sự kết hợp của các hình thức marketing cũng góp phần làm giảm chi phí khi khai thác thông tin cũng như giúp ngân hàng xác định được nhu cầu, tiềm năng và điều kiện kinh tế của đại đa số khách hàng trên địa bàn. Qua đó, ngân hàng có thể đưa ra các giải pháp marketing - truyền thông phát triển hơn dựa trên việc nghiên cứu và phát triển các kênh marketing có sẵn trên tệp khách hàng cũ.