Hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn đi liền với rủi ro, chính vì vậy BIDV chi nhánh Hạ Long cần tuần thủ chặt chẽ hơn biện pháp đảm bảo tín dụng để đạt được mức rủi ro thấp nhất cho các khoản vốn vay khi cung cấp cho khách hàng. Để có thể phòng ngừa và hạn chế rủi ro, ngân hàng cần thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro và quản lý nợ. Đây là 2 biện pháp đảm bảo tín dụng cho hiệu quả cao và đã được lãnh đạo chi nhánh áp dụng từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng, BIDV Hạ Long cần tăng cường thực hiện các công việc sau:
Cải tiến quy trình và thủ tục tín dụng:
Quy trình tín dụng chính là hệ thống trình tự các bước được tổng hợp từ khi nhận hồ sơ xin vay vốn của khách hàng, tiến hành thẩm định, đánh giá và ra quyết định cho vay, giải ngân, giám sát, thu nợ cho tới khi thanh lý, chấm dứt hợp đồng tín dụng. Quy trình tín dụng có ý nghĩa to lớn đối với cả khách hàng và ngân hàng, là kim chỉ nam trong mọi hành động. Một quy trình chẳ chẽ, rõ ràng sẽ giúp hạn chế rủi ro, tiết kiệm thời gian, công sức của cả người vay vốn và ngân hàng. Chính vì
vậy mọi nhân viên trong chi nhánh cần tuần thủ quy trình tín dụng đã được đưa ra. Bên cạnh đó cần thường xuyên đánh giá lại và cải tiến (nếu cần) theo hướng nhanh gọn, thuận tiện. Quy trình tín dụng đạt chất lượng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Bám sát các quy định của nhà nước, các văn bản pháp luật và cơ chế cho vay do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Liên tục cập nhật để nắm được những thay đổi mới nhất để điều chỉnh, đảm bảo chính xác, phù hợp.
- Khi ban hành quy trình tín dụng phải quy định rõ ràng nội dung công việc, trình tự thực hiện, các giấy tờ, văn bản cần có trong từng khâu, từng bước. Đồng thời cũng cần phân rõ trách nhiệm của các phòng ban cụ thể, cán bộ thực hiện và cán bộ có liên quan.
Nâng cao khả năng phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro trong hoạt động kinh doanh
- Lập quỹ dự phòng rủi ro:
Lập quỹ dự phòng là một trong những biện pháp bảo đảm tín dụng bắt buộc phải thực hiện. Số dự phòng rủi ro được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng thu nhập và vốn tự có của ngân hàng. Việc trích lập được tiến hành theo tháng, quý hoặc năm tuỳ theo quyết định của ban lãnh đạo và dựa trên số dư nợ quá hạn của kỳ trước.
- Chủ động nhận biết và đưa ra các biện pháp giải quyết các khoản vay có vấn đề xấu:
Việc phát hiện các khoản vay đang gặp vấn đề càng sớm càng giúp Ngân hàng chủ động xử lý sớm để tăng khả năng thu hồi nợ, giảm thiểu rủi ro xuống thấp nhất. Các dấu hiệu nhận biết khoản vay đang diễn biến xấu đi là:
+ Khách hàng chậm trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, trả thiếu số tiền theo quy định
+ Doanh nghiệp gia tăng các khoản phải thu chứng tỏ doanh thu của doanh nghiệp đang có vấn đề.
+ Doanh nghiệp chậm hoặc không nộp báo cáo tài chính định kỳ
Khi phát hiện những dấu hiệu trên, Ngân hàng BIDV Hạ Long có thể áp dụng các biện pháp xử lý tiếp theo như:
- Trực tiếp nói chuyện với doanh nghiệp để hiểu rõ vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, có thể mời các chuyên gia tư vấn giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
- Đối với các khoản nợ, các biện pháp xử lý được đưa ra bao gồm:
+ Khai thác nợ: là biện pháp xử lý nợ đầu tiên mà BIDV Hạ Long áp dụng, mang tính chất nhẹ nhàng, không cần sử dụng đến các công cụ pháp lý để ép buộc. Ngân hàng sẽ chủ động làm việc với doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả một phần hoặc toàn bộ vốn vay cùng lãi suất theo thoả thuận.
+ Thanh lý nợ: Việc sử dụng các công cụ pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp vay vốn trả nợ đúng như hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Thông thường biện pháp thanh lý nợ được thực hiện sau khi khai thác nợ không đạt kết quả. Trong mọi trường hợp Ngân hàng BIDV chi nhánh Hạ Long phải tận dụng mọi cơ hội để khôi phục toàn bộ số vốn cho vay, tiếp đến là số lãi tương ứng.