- Thứ nhất, đối với tăng trưởng kinh tế
Các nghiên cứu thực nghiệm về đầu tư nói chung và ĐTC nói riêng có vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trên thế giới được thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, khi tranh luận có hai quan điểm: quan điểm thứ nhất cho ĐTC tác động tích cực tới tăng trưởng, quan điểm thứ hai cho ĐTC không có nhiều tác động tới tăng trưởng.
Trong một số nghiên cứu của các tác giả cho thấy ĐTC có tác động dương đối với tăng trưởng như Clive Harris (2003), Satish & Pragya Shah (2009), David Osborne, Ted Gaebler (1997).
Để xem xét mối quan hệ của ĐTC đến tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển, với giả định vốn ĐTC và tư nhân được bổ sung cho nhau, Edward Anderson, Paolo de Renzio và Stephanie Levy (2006) xây dựng hàm sản xuất: Y = A* f(K,G,N, L). Trong đó:
Y: Đầu ra của nền kinh tế; A: Năng suất tổng hợp (TFP); K: Vốn tư nhân; G: Vốn ĐTC; N: Tài nguyên thiên nhiên; L: Lao động.
Khi sử dụng mô hình này, việc tăng vốn ĐTC làm tăng đầu ra của nền kinh tế, tăng năng suất của các nhân tố trong hàm sản xuất, trong đó bao gồm cả lao động.
Các nghiên cứu khác chỉ ra ở các nước đang phát triển thường có trình trạng nền kinh tế để thị trường tự thân vận động thì không thể phát triển mạnh được. Một số nghiên cứu khác cho thấy ĐTC tác động âm đến tăng trưởng như nghiên cứu của Tewoda Mogues, Marc J. Cohen, Regina Birnern và cộng sự (2009): hay nghiên cứu Mona Hammami, Jean-Francois Ruhashyankiko & Etienne B. Yehoue (2006), nhưng có một số nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy mối quan hệ giữa ĐTC và tăng trưởng kinh tế như Mona Hammami, Jean-Francois
Ruhashyankiko & Etienne B. Yehoue (2006).
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Gareth D. Myles (1995) cho kết quả ĐTC tác động âm đến tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng có tác động dương trong dài hạn.
Ngoài ra, Falconer P.K (1998) chỉ ra ĐTC chỉ có tác động dương đến tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng lại không có tác động trong dài hạn; kết luận ngược lại được tìm thấy trong nghiên cứu của James Edwin Kee và John Forrer (2002) khẳng định ĐTC không có tác động đến tăng trưởng ngắn hạn nhưng có tác động dương trong dài hạn.
Trong khi đó, các nhà kinh tế ủng hộ thị trường tự do cho rằng Nhà nước không nên can thiệp vào nền kinh tế trong quá trình phân bổ nguồn lực như vốn và lao động… mà sự vận động của thị trường thực hiện tốt hơn vai trò này. Quan điểm này khẳng định một trong những ưu điểm của nền kinh tế thị trường là sự phân bổ nguồn lực một cách tự động hay qua bàn tay vô hình của thị trường. Vai trò của Nhà nước trong trường hợp này là chỉ cần cung cấp các hàng hoá công cần thiết cho nền kinh tế phát triển như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội mà nếu để thị trường tự thân vận động thì không thể đáp ứng được [16, tr13-21].
Tại Việt Nam, có một số nghiên cứu định tính về ĐTC và hiệu quả của ĐTC. Tuy nhiên, nghiên cứu định lượng về tác động của ĐTC đối với tăng trưởng kinh tế rất hạn chế. Nghiên cứu của Sử Đình Thành (2011), cho kết quả ĐTC có mối quan hệ dương với tăng trưởng kinh tế Việt Nam; nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành (2008), nghiên cứu trường hợp thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả ĐTC không có quan hệ với tăng trưởng kinh tế.
Dù là các quan điểm khác nhau về ĐTC và tăng trưởng kinh tế nhưng đa số các quan điểm lại cho vai trò của Nhà nước cung cấp các hàng hoá công là cần thiết cho nền kinh tế. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin
liên lạc, giáo dục, y tế, môi trường… có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tạo sự đột phá giữa các ngành kinh tế, công nghiệp phát triển kéo theo nông nghiệp phát triển theo.
Về tổng thể, ĐTC đã, đang và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra tác động lan tỏa lớn, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Thông qua ĐTC, vốn từ ngân sách nhà nước được phân bổ hợp lý, tập trung đầu tư phát triển dự án kết cấu hạ tầng, giao thông quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển, từ đó hệ thống kết cấu hạ tầng nền kinh tế được phát triển, tạo ra tác động lan tỏa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thiết yếu cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư và phát triển. Ngoài ra, ĐTC giúp tập trung nguồn lực cao, nhà nước có thể điều tiết hợp lý các nguồn đầu tư, tránh tình trạng cục bộ, địa phương.
- Thứ hai, góp phần ổn định kinh tế, xã hội
Đầu tư công góp phần duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, các chính sách kích cầu từ ĐTC có vai trò quan trọng hạn chế tác động tiêu cực kinh tế - xã hội, cải thiện lòng tin kinh tế, hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài không tham gia hoặc suy giảm.
Trong điều kiện hiện nay, ĐTC có vai trò tạo tiếp cận công bằng cơ hội và nguồn lực phát triển, cơ hội kinh doanh và dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin, giáo dục, y tế, việc làm… cũng như hình thành cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý hợp lý; góp phần cải thiện sự công bằng trong lĩnh vực kinh tế đến công bằng trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội.
Đầu tư công trở thành một công cụ hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng và kinh tế trong nước
suy thoái, khó khăn. ĐTC hạn chế tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài bị suy giảm, đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận của người dân, nhất là người nghèo đối với dịch vụ công, phúc lợi xã hội được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là trong giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa xã hội. ĐTC cho xóa đói, giảm nghèo góp phần quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người nghèo thông qua tăng cường khả năng tiếp cận và hưởng dịch vụ phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, vệ sinh môi trường....); cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn nghèo, khó khăn; nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng đối với người nghèo và thay đổi nhận thức người nghèo, giúp người nghèo thích nghi với kinh tế thị trường.
- Thứ ba, góp phần quan trọng đảm bảo và không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh
Đầu tư công tạo nền tảng vững chắc về vật chất và kỹ thuật cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. ĐTC là động lực quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, thông qua đảm bảo triển khai các công trình, dự án về quốc phòng an ninh mà khu vực kinh tế tư nhân không thể và cũng không muốn đầu tư vì không mang lợi nhuận.
Nói tóm lại, ĐTC đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục… đảm bảo công bằng và phân phối hợp lý nguồn lực xã hội.