4.4.1. Hoàn thiện hệ thống đánh giá chương trình, dự án đầu tư công, nhà thầu, cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng vốn đầu tư công
Thứ nhất, xây dựng hệ thống đánh giá kết quả, hiệu quả chương trình, dự án sau khi hoàn thành. Theo đó, tất cả các chương trình, dự án ĐTC sau khi hoàn thành đều phải lập báo cáo kết quả đầu tư và HQĐT; thời gian lập báo cáo tùy thuộc vào quy mô, cấp, nhóm dự án. Nội dung tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả chương trình, dự án sau khi hoàn thành so với nội dung, tiêu chí đã được phê duyệt, gồm: mục tiêu và lợi ích của dự án sau khi hoàn thành (lợi ích kinh tế - xã hội, lợi ích tài chính); năng lực, tiện ích khai thác phục vụ của dự án; quy mô sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên khác; tác động môi trường, sinh thái của dự án; công nghệ, thiết bị của dự án; thời gian xây dựng công
trình; đánh giá chi phí xây dựng công trình; đánh giá về tác động môi trường và hiệu quả xã hội; đánh giá về khả năng thu hồi vốn đầu tư (nếu có); đánh giá về tiếu kiệm trong đầu tư xây dựng công trình. Tùy theo yêu cầu của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có thể bổ sung hoặc giảm bớt các nội dung và tiêu chí đánh giá về kết quả, HQĐT.
Thứ hai, xây dựng hệ thống đánh giá, xếp hạng nhà thầu (tư vấn, thiết kế, xây dựng). Hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực của nhà thầu bao gồm: năng lực tài chính, năng lực quản lý, năng lực kỹ thuật, chỉ tiêu đánh giá kinh nghiệm, kết quả hoạt động (số lượng dự án, công trình đã thực hiện, doanh thu, lỗ, lãi, vốn chủ sở hữu. nợ phải trả); tiêu chí, chấm điểm về vi phạm chủ trương đầu tư, đấu thầu, chất lượng công trình. Thực hiện xác định các tổ chức đánh giá, xếp hạng, công bố công khai hàng năm các nhà thầu hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và kết quả đánh giá, xếp hạng là một trong tiêu chí xem xét khi nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án ĐTC khác cũng như kết quả chấm thầu. Việc đánh giá, xếp hạng nhà thầu nên giao cho các tổ chức độc lập có uy tín hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện.
Thứ ba, xây dựng hệ thống đánh giá mức độ tín nhiệm về tài chính của các tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương sử dụng vốn ĐTC hàng năm nhằm đánh giá đúng, xếp hạng, công khai năng lực huy động, quản lý, sử dụng vốn ĐTC. Bên cạnh đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về ĐTC, cần khuyến khích, phát triển các tổ chức tư vấn đánh giá tín nhiệm độc lập và sử dụng tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công tác quản lý.