4.2.2.1. Hiệu quả đầu tư công cần gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội
Đầu tư công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Nhà nước thực hiện chức năng này thông qua ĐTC. Thời gian qua, ĐTC đã thể hiện vai trò tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từng bước hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giảm nghèo. Tuy nhiên, thành tích về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam mới chỉ thể hiện rõ nét sự thay đổi về mặt lượng, chưa có sự đột phá, thay đổi căn bản về chất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế khu vực, thế giới. Tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, vấn đề nghèo đa chiều chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện.
4.2.2.2. Mức độ lan tỏa, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển là thước đo quan trọng của hiệu quả đầu tư công
Nhà nước cần phải tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước hạn hẹp cần tăng cường huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. ĐTC chỉ tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, có tính lan tỏa, khó huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, giảm thiểu đầu tư trực tiếp vào các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh thuần túy. Việc mở rộng huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế để có cơ hội tập trung hơn vào đầu tư hạ tầng xã hội.
Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư vào lĩnh vực mới, có triển vọng phát huy tác động lan tỏa đối với nền kinh tế (các ngành mang tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến như chế tạo vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, v.v.), chịu rủi ro trong thời kỳ mở đường. Khi kinh doanh ở những lĩnh vực này đi ổn định, Nhà nước cần cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân và dùng số vốn mới thu lại để đầu tư vào những lĩnh vực mới và quan trọng khác. Đó chính là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước -mở ra những con đường mới, làm “bà đỡ” cho những sáng kiến mới để từ đó lôi kéo toàn nền kinh tế phát triển theo kịp tiến bộ của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới.
4.2.2.3. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công là trọng tâm của chính sách đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công
Hệ thống chính sách, phát luật về ĐTC của Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, công tác quản lý ĐTC bị phân tán, không chặt chẽ, dàn trải và chạy theo số lượng, phong trào dẫn đến hậu quả tất yếu là hiệu quả, chất lượng ĐTC rất thấp, tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực ĐTC tương đối phổ biến. Hiệu quả ĐTC xét trên các khía cạnh kinh tế, xã hội chưa được quan tâm đúng mức, không được tính toán một cách đầy đủ trên cơ sở khoa học và thực tiễn, mang nặng tính hình thức, chiếu lệ khi phê duyệt dự án ĐTC. Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và mong muốn chính trị cá nhân lấn át các tiêu chí về đánh giá hiệu quả khi phê duyệt, thông qua chương trình, kế hoạch, dự án ĐTC là vấn đề thực tế đang diễn ra nhưng chậm được khắc phục. Vì vậy, trọng tâm trong chính sách ĐTC trong giai đoạn tới cần phải nhất quán quan điểm tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả, chất lượng ĐTC.
4.2.2.4. Tuân thủ triệt để quy hoạch, quyết định đầu tư công đồng bộ với khả năng bố trí nguồn lực trên cơ sở bộ tiêu chí ưu tiên, thực hiện nghiêm túc
kỷ luật tài khóa đảm bảo đầu tư công đạt hiệu quả cao
Bố trí vốn ĐTC trên cơ sở quy hoạch ĐTC, bộ tiêu chí ưu tiên, phối hợp hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường và tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc kỷ luật quy hoạch, kỷ luật tài khóa là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả ĐTC ở Việt Nam. Cần coi trọng nâng cao chất lượng và giữ ổn định các quy hoạch đầu tư phát triển các loại được lập cả ở cấp quốc gia, ngành, cũng như địa phương, coi đây như một căn cứ chủ yếu định hướng ĐTC, hạn chế và tiến tới không ĐTC ngoài quy hoạch, phá vỡ quy hoạch hay bất chấp quy hoạch. Bảo đảm tuân thủ nghiêm túc Luật Quy hoach. Mặt khác, sự điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch đầu tư đã lập cũng là cần thiết, cần được tiến hành nghiêm túc, có căn cứ xác đáng, có quy trình và thời gian nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho các bên liên quan vì nếu quy hoạch sai, lộ trình đầu tư không hợp lý và không được thẩm tra đầy đủ quá trình đầu tư không có hiệu quả trong dài hạn.
4.2.2.5. Tôn trọng nguyên tắc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát, phản biện độc lập
Công khai, minh bạch và kiểm tra, giám sát là yêu cầu bắt buộc đối với mọi hoạt động của Nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí. Điều này càng phải được đặt lên hàng đầu đối với những hoạt động liên quan đến sử dụng nguồn lực công. Đồng thời, cần coi trọng phản biện độc lập để đảm bảo tính chất khách quan, khoa học của các quyết định ĐTC, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ lợi ích nhóm trong quyết định ĐTC, làm cho ĐTC vận động đúng bản chất và mục đích của nó.
4.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước Đông Á