Khi vốn đầu tư toàn xã hội được phân bổ và sử dụng hợp lý sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ của chiến lược phát triển KT-XH, tạo ra tăng trưởng nhanh, bền vững. Cơ chế hoạt động của thị trường trở thành các công cụ chính trong định hướng phân bổ và sử dụng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ chế thị trường cũng làm tốt chức năng này và đòi hỏi cần phải có sự can thiệp của Nhà nước. Trong nền kinh tế hỗn hợp, để đạt
được hiệu quả phân bố nguồn lực nói chung và HQĐT nói riêng, cần phải tuân thủ nguyên tắc Nhà nước đầu tư chỉ vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể thực hiện, chưa đủ khả năng thực hiện hoặc không muốn thực hiện do không đạt được hiệu quả tài chính; khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực đạt được hiệu quả tài chính, trong đó bao gồm cả dự án tham gia, phối hợp với Nhà nước theo cơ chế PPP. ĐTC không thể đạt được hiệu quả tài chính cao hơn đầu tư tư nhân nhưng lại có hiệu quả về kinh tế - xã hội – môi trường. Việc xác định tỷ trọng ĐTC trong tổng đầu tư toàn xã hội hợp lý, phù hợp phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội cụ thể tương ứng với từng giai đoạn phát triển.
Thực tế thời gian qua, Nhà nước đầu tư khá lớn vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm được, các dự án kinh doanh thuần túy nhưng không hiệu quả và đầu tư cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công hoàn toàn có thể thu hút được khu vực tư nhân tham gia nhưng chưa thực hiện được do thiếu cơ chế phù hợp. ĐTC vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, ĐTC, nhất là đầu tư cho CSHT, đòi hỏi vốn lớn; khi vốn đầu tư được bố trí đầy đủ, kịp thời theo tiến độ, phân kỳ dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vận hành, đi vào hoạt động, bổ sung năng lực sản xuất cho nền kinh tế, từ đó làm nâng cao hiệu quả của ĐTC nhưngcho đến nay tình trạng công trình chờ vốn, bố trí vốn không đầy đủ, kịp thời vẫn chưa được khắc phục.
Mặc dù tỷ trọng vốn ĐTC trong tổng mức đầu tư toàn xã hội ở Việt Nam đã có xu hướng giảm xuống nhưng hiện vẫn còn ở mức cao so với đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và cao hơn mức tối ưu là 36,3% (Tô Trung Thành, Vũ Sỹ Cường, 2015). Điều này một mặt xuất phát từ nhu cầu đầu tư của Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường; mặt khác cũng là do Nhà nước vẫn đang có xu hướng đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn
toàn có thể đảm nhiệm, thực hiện được. Trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước luôn bị giới hạn và không đáp ứng đủ các nhu cầu đầu tư dàn trải ở tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng ĐTC ngày càng kém hiệu quả, trong khi đó ở một số lĩnh vực nếu để khu vực tư nhân đảm nhiệm sẽ đạt được HQĐT cao hơn, nhất là hiệu quả tài chính. Khi thu hút được nguồn lực xã hội vào đầu tư cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công, phát triển CSHT sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung nguồn lực lớn hơn, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện chương trình, dự án chiến lược, quan trọng, có tính lan tỏa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện phúc lợi xã hội từ đó nâng cao được HQĐT công. Đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng cho các nguồn vốn khác tham gia đầu tư.
Theo đó, cần phải thực hiện các giải pháp sau:
- Thứ nhất, dần hạn chế, tiến tới không đầu tư vào các ngành, nghề lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm được như: khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… Thay vào đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nuôi trồng thủy sản; an ninh quốc phòng; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường; các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng.
- Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc và tăng cường hỗ trợ hơn nữa về tài chính, đẩy mạnh thực hiện cơ chế đối tác Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các dự án PPP.
Một mặt giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước, mặt khác với năng lực, trình độ, kỹ thuật, kinh nghiệm của khu vực tư nhân sẽ góp phần nâng cao HQĐT công cả về tài chính và kinh tế xã hội. Nguồn vốn đầu tư từ NSNN phải thể hiện cho được vai trò là “vốn mồi”, kích thích, tạo “cú hích” để thúc đẩy và
thu hút các nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế khác. Việc giải phóng giá trị đất để tạo nguồn lực tài chính cần được coi là cơ hội lớn nhất để thực hiện PPP trong lĩnh vực đầu tư vào CSHT, nhất là hạ tầng đô thị. Nhà nước cần phải tăng cường hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư; hỗ trợ trực tiếp về tài chính giúp cho các dự án trở lên khả thi về tài chính; hỗ trợ Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp cận các nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi; sử dụng ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng dự án BTL, BLT; nghiên cứu áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu trong một số trường hợp đặc biệt; chuyển dần cơ chế thu phí sang giá hàng hóa, dịch vụ công kết hợp với sử dụng các công cụ về thuế để các dự án PPP trở lên khả thi hơn về tài chính.
- Thứ ba, đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tầng lớp dân cư đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các thành phần kinh tế sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư.
Các cơ chế, chính sách phải định hướng tốt hơn cho việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư gắn với lộ trình hội nhập quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, giá cả... nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thống nhất chính sách ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành quan trong việc lập các quy hoạch đầu tư phát triển ngành, vùng lãnh thổ. Thực hiện công khai hóa các danh mục công trình, dự án, quy trình và cơ chế khuyến khích đầu tư của Nhà nước để định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn tham gia thực hiện.
- Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng những vùng kinh tế đặc biệt có tác dụng lôi kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước để định hướng nguồn lực tài chính của xã hội tập trung đầu tư cho các vùng trọng điểm, có thế mạnh xuất khẩu, có tốc độ tăng trưởng cao, làm động lực hỗ trợ cả nước cùng phát triển. Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư tín dụng nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ nguồn vốn vay. Chỉ áp dụng tín dụng ưu đãi đối với
dự án thuộc diện ưu tiên cao của nhà nước nhưng có nhu cầu vốn lớn và khả năng sinh lời thấp.
- Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, môi trường, thể dục thể thao. Đây là các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện phúc lợi xã hội.
Đây là các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện phúc lợi xã hội. Nhu cầu đầu tư là rất lớn nhưng thực tế nguồn lực của Nhà nước chi cho các lĩnh vực này thời gian qua là rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu, dàn trải, không hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với các lĩnh vực xã hội hóa đã có nhưng thiếu tập trung, dàn trải, cào bằng, không có sự phân biệt theo điều kiện kinh tế xã hội cụ thể ở các khu vực, vùng miền, địa phương. Để có thể tăng cường huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội cho các lĩnh vực xã hội hóa nêu trên, cần phải có chính sách ưu tiên đặc biệt ở những địa bàn, khu vực, vùng miền có điều kiện thuận lợi để thu hút và đảm bảo hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là ở các đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực này tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, địa phương và nâng cao hiệu quả của ĐTC.
- Thứ sáu, đổi mới một cách căn bản, toàn diện cơ chế hoạt động, tăng cường tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó cần phải đặc biệt quan tâm đến cơ chế giá, phí dịch vụ và tự chủ tài chính, đầu tư từ NSNN.
Giá, phí là vấn đề hết sức quan trọng để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công một cách bền vững. Đồng thời, đây cũng là điểm quan trọng thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thu
hút thêm các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Việc tăng cường tự chủ về tài chính, đầu tư cũng như quyền của đơn vị sự nghiệp trong việc sử dụng tài sản, đất đai để liên doanh, liên kết một mặt nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công với chất lượng tốt hơn, mặt khác từng bước giảm nhẹ gánh nặng cho NSNN. Nhà nước sẽ có điều kiện về nguồn lực tài chính tốt hơn để đầu tư tập trung cho các lĩnh vực, chương trình, dự án có tính chất chiến lược, dài hạn, quyết định đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước và đạt được HQĐT.
- Thứ bảy, tiếp tục rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ và cắt giảm chương trình, dự án ĐTC không hiệu quả.
Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu cần được thu gọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở mức độ quan trọng, cấp bách, mang lại HQĐT cao. Đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện hoặc chuyển đổi chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp chưa thực sự cấp bách hoặc có khả năng huy động các nguồn vốn khác nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kéo dài thời gian thực hiện như hiện nay. Đồng thời, rà soát lại danh mục các dự án để phân kỳ đầu tư hợp lý hơn và loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Dự án chỉ được phê duyệt khi đã xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, kéo dài. Tuy nhiên, việc cắt giảm ĐTC còn phụ thuộc vào chuyển biến nhận thức của các ngành, các địa phương về sự cần thiết phải hy sinh lợi ích riêng trước mắt vì mục tiêu chung. Đồng thời cũng cần có tiêu chí cụ thể và thời gian để rà soát lại các dự án ĐTC, tránh quyết định vội vã, lợi bất cập hại. Cần đặc biệt chú ý tiếp tục triển khai các dự án giải quyết vấn đề an sinh xã hội thuộc chương trình mục tiêu, dự án tại vùng khó khăn, khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như các dự án có hiệu quả kinh tế liên ngành, liên vùng cao.