Nâng cao chất lượng quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả đầu tư công ở một số nước đông á và bài học cho việt nam (Trang 137 - 140)

Nâng cao chất lượng quy hoạch và siết chặt kỷ luật quy hoạch, thực hiện kế hoạch ĐTC là giải pháp cơ bản, có tính lâu dài để nâng cao hiệu quả ĐTC tại Việt Nam. Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập kế hoạch ĐTC

cần phải thực hiện các giải pháp sau:

- Thứ nhất, thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng và kết quả cụ thể của công tác thực hiện quy hoạch một số ngành then chốt, các vùng kinh tế để có quy hoạch tổng thể, đồng bộ về ngành, lĩnh vực và vùng miền. Trên cơ sở đó, đưa ra một số danh mục dự án đầu tư quan trọng trên phạm vi cả nước để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn và đảm bảo việc thực hiện trên thực tế được gắn với kế hoạch này.

- Thứ hai, khi lập quy hoạch, kế hoạch cần phải xác định rất rõ ràng các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của ĐTC, để từ đó có cơ sở loại bỏ những đề xuất đầu tư không thích hợp ngay từ đầu. Đồng thời, những đề xuất đầu tư nhưng không có cơ sở rõ ràng và thuyết phục về nguồn lực sẽ không được đưa vào quy hoạch. Tất cả các dự án ĐTC đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được đưa vào kế hoạch và làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

- Thứ ba, việc xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn phải gắn với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn đảm bảo cho chi tiêu ĐTC được kiểm soát trong giới hạn nguồn lực cho phép, chấm dứt tình trạng phê duyệt, cho phép triển khai các dự án vượt quá khả năng cân đối nguồn lực.

- Thứ tư, việc xây dựng kế hoạch ĐTC hàng năm phải phù hợp với kế hoạch ĐTC trung hạn và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư; phải phù hợp với khả năng thực hiện và tiến độ giải ngân của từng dự án. Đối với các dự án khởi công mới chỉ bố trí vốn cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện: nằm trong quy hoạch được duyệt; đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; có quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật ĐTC; không bố trí vốn kế hoạch ĐTC cho các dự án không thực hiện trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật ĐTC.

- Thứ năm, thực hiện công khai, công bố rộng rãi các quy hoạch, kế hoạch ĐTC theo các phương thức phù hợp đảm bảo thông tin đến được những đối

tượng chịu tác động và có chế tài đảm bảo tuân thủ kỷ luật, không cho phép điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch nếu như không có luận chứng thực sự xác đáng.

Ngoài ra, cùng với việc thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập kế hoạch ĐTC tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu liên quan đến giảm nghèo góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả ĐTC. Theo đó:

- Thực hiện rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác liên quan đến xóa đói, giảm nghèo để tổng hợp một Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trong đó, xác định thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư và các mục tiêu khả thi, đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt để tập trung bố trí nguồn lực thực hiện dứt điểm; tránh đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, đầu tư manh mún, không hiệu quả như thời gian qua. Một số chương trình có mục tiêu không rõ ràng, có hiệu quả không cao, còn chồng chéo, trùng lặp về nội dung thì cần lựa chọn để lồng ghép với các chương trình khác.

- Tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo khả năng thuận lợi cho phát triển KT-XH: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, vệ sinh môi trường và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh như: cảng, kho tàng, bến bãi, chợ,... thông tin thị trường nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản. Hỗ trợ đầu tư xây dựng CSHT các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.

- Tăng cường đầu tư giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo. Hoàn thiện thể chế chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục,

đặc biệt trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho con em các hộ gia đình sinh sống trong các vùng nông thôn, các vùng nghèo, đồng bào các dân tộc ít người.

- Kiểm soát chặt chẽ và quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa các cấp ngân sách trong quy trình phân bổ và sử dụng NSNN thực hiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện và phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu, kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn phải được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ĐTC. Quy định rõ trách nhiệm và cam kết của các địa phương trong việc huy động và bố trí vốn thực hiện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của chương trình. Xác định rõ vốn hỗ trợ từ NSTW của chương trình chỉ hỗ trợ thực hiện những nhiệm vụ, công việc then chốt, cấp bách nhất của toàn ngành tạo điều kiện ban đầu để địa phương có cơ sở thực hiện.

- Tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình. Cần có cơ chế đảm bảo để người dân được tham gia vào bàn bạc, quyết định một số nội dung như: quyết định các vấn đề đầu tư; cách thức triển khai; giám sát việc đóng góp, huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình. Qua đó, tạo động lực và coi người dân là chủ thể chính để thực hiện mục tiêu về giảm nghèo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả đầu tư công ở một số nước đông á và bài học cho việt nam (Trang 137 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)