7. Kết cấu của luận văn
1.1.2.3 Khái niệm ngân sách Nhà nước
Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội quy định: “Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và vốn khác do Nhà nước quản lý”. Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 Điều 4, Khoản 44 quy định: Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất”. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định: “Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý” (Khoản 3, Điều 3).
Như vậy, có thể khái quát chung nhất về vốn Nhà nước là phần thu nhập quốc dân dưới dạng tài sản vật chất và tài chính được Nhà nước đầu tư. Ngân sách Nhà nước (NSNN) là bộ phận chủ đạo của vốn Nhà nước, là điều kiện vật chất quan trọng để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của mình. Mặt khác nó còn là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội. NSNN bao gồm những nguồn thu và những khoản chi cụ thể, được định hướng nộp vào và xuất ra từ một quỹ tiền tệ được gọi là quỹ NSNN. Những khoản thu nộp và cấp phát qua quỹ NSNN là các quan hệ được xác định trước, được định lượng và Nhà nước sử dụng chúng để điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Trên thực tế, có nhiều định nghĩa khác nhau về NSNN:
Trên phương diện kinh tế, NSNN có thể hiểu là một bản dự toán thu và chi tài chính hàng năm của nhà nước do Chính phủ lập ra, đệ trình Quốc hội quyết định và giao cho Chính phủ thực hiện. Hay nói cách khác, NSNN bao gồm các nguồn thu và những khoản chi cụ thể, được định lượng và được nộp vào - xuất ra từ một quỹ tiền tệ được gọi là cân đối ngân sách trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, NSNN phản
ánh các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ chung của Nhà nước khi Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính quốc gia nhằm thực hiện các chức năng của mình trên cơ sở luật định.
Trên phương diện pháp lý, NSNN được định nghĩa khác nhau trong pháp luật thực định và trong khoa học pháp lý.
Trong pháp luật thực định, tại Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 có định nghĩa: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.
Với định nghĩa này, các nhà làm luật đã bám sát quy định tại Điều 55 của Hiến pháp năm 2013, đó là: “Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định”. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại Điều 70, đó là: “Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước”. Điều này bảo đảm tính thống nhất của hệ thống NSNN và của nền tài chính quốc gia. Mọi khoản thu ngân sách được tập trung vào Kho bạc Nhà nước và do cơ quan có nhiệm vụ thu NSNN thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Mọi khoản chi NSNN chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Các khoản thu, chi này chỉ được thực hiện trong thời hạn 1 năm, tính từ ngày 01 tháng 01 cho đến ngày 31 tháng 12 năm dương lịch hoặc trong khoảng một thời gian nhất định do cơ quan N hà nước có thẩm quyền
quyết định và được xây dựng và thực hiện nhằm mục tiêu bảo đảm về mặt tài chính cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Định nghĩa này, tuy có rõ ràng và cụ thể hơn so với định nghĩa NSNN về phương diện kinh tế nhưng vẫn chưa làm nổi bật được khía cạnh pháp lý của thuật ngữ “Ngân sách Nhà nước”.
Trong khoa học pháp lý, NSNN được định nghĩa là “một đạo luật đặc biệt” - Đạo luật ngân sách thường niên. Đạo luật ngân sách thường niên là văn kiện của Nhà nước do Quốc hội quyết định bằng một Nghị quyết có hình thức pháp lý như một văn bản luật dự tính và cho phép thực hiện các khoản thu chi của quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Khác với các văn bản luật khác là Đạo luật ngân sách thường niên có hiệu lực trong một năm ngân sách và là một đạo luật đặc biệt, chứ không phải là một bản dự toán các khoản thu và chi tiền tệ của Nhà nước; do cơ quan lập pháp làm ra theo một trình tự riêng, không hoàn toàn giống với trình tự lập pháp thông thường.
Qua các khái niệm trên ta có thể thấy: NSNN phản ánh các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các chủ thể trong xã hội, phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng quản lý và điều hành nền kinh tế, xã hội của Nhà nước trên cơ sở luật định và phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.