Viết lại hạ bản – các câu chuyện cổ tích

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 38 - 47)

Vở kịch Hồn Trương ba, da hàng thịtđược Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích cùng tên. Trong cốt truyện dân gian [3; tập 2], nhân vật Trương Ba là một người còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất giỏi. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Giang Nam. Buổi ấy, ở Trung Quốc, có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền khăn gói sang Nam tìm đến nhà địch thủ. Hai người đọ tài nhau trong mấy ván vẫn không phân thắng bại. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo: “Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng gỡ nổi” [3; tập 2; tr.65].Nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba, Đế Thích - thần cờ ở thiên đình, liền cưỡi mây xuống mách nước cho Kỵ Như. Quả nhiên, Kỵ Như chuyển bại thành thắng. Thoạt tiên, Trương Ba tức giận nhưng sau đó cảm thấy vô cùng kính phục vì biết cụ già chính là Đế Thích. Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà, khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Nên trước khi bay lên trời, ông đã tặng cho trương Ba một bó hương rồi dặn dò “mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống” [3; tập 2; tr.66]. Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cờ mời thần Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm, Trương Ba đột ngột qua đời. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa, thấy có nén hương giắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương liền xuống ngay. Hỏi han sự tình mới hay cớ sự… Vì muốn cứu giúp Trương Ba, Đế Thích quyết định cho hồn ông nhập vào xác anh hàng thịt (mới chết tối hôm qua). Lúc này, tại nhà người hàng thịt mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc, kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vứt tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người hàng thịt, biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, liền mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó, thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng nhưng không những bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng mình cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau, cuối cùng biến thành cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan. Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung, rồi sai đem một con lợn vào công đường cho anh hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỉ thí với người hàng thịt

thì không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba. Vì thế mới có câu “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Trong khi đó cốt truyện của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã có những biến đổi. Câu chuyện mở ra với bối cảnh tại thiên đình – nơi Nam Tào, Bắc Đẩu đang ngồi chấm người phải chết trong ngày. Đế Thích đến tỏ ý muốn xuống hạ giới để tìm người cao cờ đánh cho vui. Vì vội đi dự tiệc ở dinh Thái Thượng nên Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba. Lúc này, ở hạ giới, Trương Ba đang làm vườn và trò chuyện cùng vợ, cháu gái, con trai, con dâu thì Trưởng Hoạt đến chơi cờ. Đế Thích xuất hiện, giúp Trưởng Hoạt gỡ thế bí. Trương Ba rất vui vì được kết giao với Đế Thích. Cảm mến Trương Ba nên trước khi về trời Đế Thích đã tặng ông mấy nén hương thần diệu. Sau đó, Trương Ba thấy trong người khó chịu và chết.Hai tuần sau ngày Trương Ba mất, khi thắp hương cho chồng bà vợ vô tình thắp đúng ba nén hương của Đế Thích cho nên đã bay thẳng lên trời. Gặp ngay Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích bà liền đòi trả mạng sống cho chồng. Nhân có anh hàng thịt mới chết, Đế Thích cho Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt. Gia đình người hàng thịt đang ngồi bên quan tài thì anh ta sống lại và đòi về nhà Trương Ba.Sau khi kiểm chứng, vợ Trương Ba nhận chồng, Trưởng Hoạt nhận bạn. Hồn Trương Ba (trong xác anh hàng thịt) về nhà Trương Ba. Tuy nhiên, từ đây biết bao bi kịch đã liên tiếp xảy đến với Hồn Trương Ba và những người xung quanh: gia đình, bạn bè, vợ anh hàng thịt.Cuối cùng, Hồn Trương Ba đốt một nén hương gọi Đế Thích xuống giải thoát cho mình. Lúc đó, cu Tỵ nhà hàng xóm bị ốm nặng, sắp chết. Đế Thích bảo Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ hoặc nhập vào Đế Thích để cùng sống. Nhưng Trương Ba kiên quyết xin cho cu Tỵ sống, trả lại xác cho người hàng thịt và chấp nhận cái chết. Hồn Trương Ba nhập vào màu xanh cây vườn trò chuyện với vợ.

Trước hết, ta thấy tác giả kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian. Ông cũng nhấn mạnh vai trò cao hơn của linh hồn so với thể xác. Trương Ba khi sống lại trong thân xác anh hàng thịt thì nhận biết mình là Trương Ba (dựa vào ký ức, tình cảm và ý thức của Hồn Trương Ba), lập tức cảm thấy xa lạ, ngỡ ngàng khi ở nhà người hàng thịt. Khi bà Trương Ba cùng Trưởng Hoạt đến nhà anh hàng thịt, Trương Ba liền mừng rỡ nhận vợ. Sau khi kiểm tra ký ức của Trương Ba (mới) về tình cảm gia đình, về tình bạn, về những thăng trầm trong cuộc sống, bà Trương Ba liền khóc sụt sùi và nhận là chồng mình; Trưởng Hoạt cũng xúc động ôm chầm lấy bạn, mặc dù ông lúc này đã mang một thân xác xa lạ. Cô con dâu càng thương cha chồng hơn vì điều chị ta tìm thấy ở ông là đức tính nhân hậu hệt như cha chồng khi xưa. Như vậy, ban đầu, vợ, con dâu và cả ông hàng xóm Trưởng Hoạt đều chấp nhận Trương Ba.

Nhưng điều làm nên sự khác biệt sâu sắc về mặt tư tưởng của vở kịch là ở chỗ phần kết thúc tưởng chừng như viên mãn trong câu chuyện cổ tích dân gian đã được Lưu Quang Vũ cải biến bằng cách mở ra một chuỗi bi kịch đau đớn khi linh hồn người này phải trú ngụ trong thân xác của người kia. Đầu tiên, Hồn Trương Ba tỏ ra lạ lẫm, khó chịu với chính thân xác mình. Tiếp đến, ông cảm thấy thân xác đó bắt đầu chi phối mọi sinh hoạt thường ngày: thèm ăn ngon, thích uống rượu, giọng nói to (ồm ồm như sấm dậy); sức khỏe thay đổi rõ rệt (không đau lưng, không hen nữa, tát con trai chảy máu mồm - khi nóng giận). Khi Lý trưởng xử ông ban ngày phải sang ở nhà vợ anh hàng thịt để giúp vợ anh ta mở lại cửa hàng bán thịt lợn chỉ khi nào đến nửa đêm mới được về nhà mình thì ông cũng dần dần thạo nghề “mổ lợn”, cũng tấm tắc khen ngon mấy món ăn của chị ta (tiết canh, cổ hủ, khấu đuôi). Chị hàng thịt dù biết linh Hồn Trương Ba đang trú ngụ trong thể xác chồng mình nhưng vẫn ra sức vuốt ve, yêu chiều và quyến rũ Hồn Trương Ba. Có lẽ chị ta tìm thấy ở thân xác ấy nhiều nét tốt đẹp, dịu dàngkhác xa vớingười chồng thô bạo đã khuất. Chính sự cô đơn về thân xác và linh hồn khiến chị càng khao khát Hồn Trương Ba. Đặc biệt, Hồn Trương Ba cũng bị rung động trước sự gần gũi với vợ người hàng thịt và phải tự đấu tranh để thoát ra khỏi vòng tay âu yếm của chị. Hơn thế nữa, Hồn Trương Ba ngày càng tỏ ra vô cùng vụng về với những việc tưởng chừng rất đơn giản: chăm sóc hoa lan, chiết cành cây cam, sửa một con diều; ngày càng đánh mất đi sự tinh tế, thuần hậu, cao khiết: những nước cờ bây giờ không còn khoáng hoạt mà đẫm màu sắc thắng thua, không biết cu Tỵ - bạn cái Gái đau thập tử nhất sinh… Hồi sinh trong thân xác mới để ông còn phải chứng kiến cảnh đứa con trai duy nhất say mê buôn bán bất chính, tính toán mọi giá trị dựa vào đồng tiền và sự hưởng thụ. Truyền thống tốt đẹp của gia đình đang đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ.

Gia đình, nơi trú ngụ gần gũi, thiêng liêng, bền vững, tin tưởng nhất của mỗi con ngườigiờ đây đang phải chịu đựng những đau khổ, mất mát do hoàn cảnh trớ trêu gây ra. Tất cả đều rơi vào khủng hoảng tinh thần. Các mối quan hệ gia đình bị rạn nứt, đổ vỡ. Ở giữa gia đình mà Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa cách, ngày càng bị khước từ. Những tưởng tiếp tục duy trì sự sống cho Hồn Trương Ba sẽ mang đến hạnh phúc, bình yên thế nhưng thực tế phũ phàng, cay đắng biết bao khi sự sống ấy chẳng những không mang lại cảm giác thanh thản, yên vui cho người trong cuộc - Trương Ba mà chính những người Hồn Trương Ba thương yêu nhất (vợ, con, cháu…) cũng rơi vào bi kịch. Cái giá mà hồn Trương Ba trú ngụ trong xác anh hàng thịt phải trả quá đắt! Rõ ràng, ở cốt truyện dân gian, Trương Ba được yên

ổn sống trong xác anh hàng thịt. Điều này phản ánh ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc của con người khi được tái sinh và uy quyền tuyệt đối của phần hồn được khẳng định. Nhưng khi viết lại thành kịch, Lưu Quang Vũ đã bắt nhân vật của mình sống trong cảnh “dở khóc dở cười” khi mở ra muôn vàn những rắc rối trong nghịch cảnh hồn ta/nọ xác người/kia.

Mặt khác, ở cốt truyện dân gianHồn Trương Ba, da hàng thịt, Trương Ba đột ngột qua đời bởi vắn số. Đế Thích vì yêu quý Trương Ba, vì xót thương vợ Trương Ba nên đã hóa phép giúp Trương Ba được hồi sinh dù là trong xác thân của người khác. Khi đến với vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ không những lý giải nguyên nhân gây ra cái chết của Trương Ba do sự tắc trách của những kẻ bề trên đại diện là Nam Tào - Bắc Đẩu mà còn sáng tạo nên một cái kết mới. Ví như Đế Thíchvì tiếc thương cho một tài năng chơi cờ, tiếc thương cho ông bạn hợp ý mà gượng ép muốn cho Trương Ba được sống lại. Có thể mục đích ban đầu của Đế Thích là nhân đạo là vì lòng tốt, thế nhưng cách làm của ông lại sai lầm, dẫn đến sự đau khổ và bi kịch cho cả Trương Ba và những người xung quanh. Trương Ba sống lại trong xác hàng thịt là cú sốc đối với cả hai gia đình (nhà Trương Ba và nhà anh hàng thịt). Hạnh phúc chưa thấy đâu nhưng bản thân Hồn Trương Ba đã phải khổ sở tranh đấu với cái thân xác thô lỗ, cộc cằn của anh hàng thịt từng ngày, từng giờ. Tính có hậu của câu chuyện dân gian hoàn toàn bị phá vỡ thay vào đó là dụng ý phê phán, lên án một số hiện tượng trong xã hội đương thời. Đó chính là sự tắc trách của một bộ phận những con người bề trên đã trực tiếp gây ra bất hạnh cho những người vô tội và gián tiếp gây ra đau khổ cho những người khác (Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích). Hay bà Tây Vương Mẫu vì không thích trẻ con, nên cu Tị - một đứa trẻ ngoan hiền cũng bị “xoá sổ” một cách lạnh lùng). Kể cả sự cố chấp đến u mê của những con người tự cho mình cái quyền được định đoạt số phận của kẻ khác (Đế Thích còn muốn lần nữa phạm phải sai lầm khi định để cho Trương Ba tiếp tục duy trì sự sống trong thân xác của một đứa trẻ - cu Tỵ hay trong thân xác của chính ông). Chính cách giải quyết công việc tùy theo “cảm hứng” và sở thích cá nhân của một bộ phận quan chức trong bộ máy “nhà trời” đã biến những con người vô tội trở thành nạn nhân trong phút chốc. Ấy vậy mà, khi vạch rõ nguồn cơn, cái xấu bị vạch mặt chỉ tên thì họ đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.

Thậm chí, sự bát nháo ấy diễn ra không chỉ ở thiên đình mà còn lan tràn nơi hạ giới. Lý trưởng và bọn cường hào lợi dụng nghịch cảnh của Trương Ba để kiếm chác. Cách giải quyết của họ có vẻ “công tâm” nhưng thực chất lại đẩy con người

vào chỗ tha hoá khi lý trưởng buộc Hồn Trương Ba phải sống hai thân phận: “Ở bên nhà hàng thịt, anh phải là Hợi hàng thịt, ở bên nhà Trương Ba, anh lại là Trương Ba.” [59; tr.69]. Ở cõi trời, vì muốn sửa sai lỗi lầm của Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích làm cho Hồn Trương Ba sống lại. Nơi cõi trần, lý trưởng hợp pháp hóa Hồn Trương Ba vào thân xác anh đồ tể. Hai việc làm trên có vẻ tử tế nhưng tất cả đều xuất phát từ tư lợi cá nhân, người vì danh tiếng, kẻ do lợi lộc, mọi bất hạnh cứ thế đổ lên đầu dân đen. Phải chăng đó cũng là lối sống, cách giải quyết việc công tắc trách của những người có chức quyền trong bộ máy quan liêu? Vở kịch đã điểm trúng những vấn đề rất nhức nhối đang tồn tại trong thực tế xã hội.

Cái kết của vở kịch Hồn Trương ba, da hàng thịt tuy là bi kịch nhưng lại cũng là cái kết có hậu nhất, hợp lý nhất và mang ý nghĩa thức tỉnh sâu sắc nhất bởi lẽ “mọi thứ nên tuân theo quy luật của tự nhiên, mọi sự kháng cự với quy luật đều trở nên kệch cỡm". Sự thức tỉnh ấy có tác dụng trước hết với nhân vật trong tác phẩm: anh con trai Trương Ba và sau đó là độc giả/khán giả. Bằng thủ pháp chuyển vị ngữ dụng liên quan đến việc cải biến cốt truyện, Lưu Quang Vũ đã biến câu chuyện xưa vốn quen thuộc với độc giả bao đời trở thành một vở kịch giàu tính triết lý và mang đậm hơi thở của thời đại.

Vở kịch Lời nói dối cuối cùng là một biến tấu đầy ngoạn mục của Lưu Quang Vũ từ câu chuyện cổ tích Nói dối như Cuội[3; tập 2]. Chuyện kể rằng:Có một chàng trẻ tuổi tên là Cuội. Từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Lớn lên, hắn rất láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì rất thạo. Một lão trọc phú ở trong vùng cho người gọi Cuội đến để thử xem thực hư thì bị lừa một vố đau đành phải y ước đem tiền cho Cuội. Nhà chú thím Cuội có nuôi một con lợn béo. Một hôm nhân lúc mọi người đi vắng cả, Cuội bán rẻ con lợn lấy tiền tiêu. Rồi bày trò lừa gạt người thím (lợn bị lôi xuống âm phủ). Hôm khác, Cuội cùng chú đi chợ. Người chú lại bị Cuội đánh lừa. Giận quá, người chú bèn dắt Cuội về đánh cho một trận. Lần nọ, Cuội lại lừa thím là chú bị trâu húc chết, lừa chú là thím bị ngã từ trên gác xuống chết. Khi chuyện vỡ lẽ, hai vợ chồng bèn đan một cái rọ bỏ Cuội vào rồi một mình chồng vác ra sông định vứt xuống nước. Đến bờ sông, Cuội ta lại lừa chú và thằng hủi để được thoát thân. Cuội theo dọc sông đến một cái cầu, lừa được một tên quan tham lam và biến hắn thành trò cười trong mắt mọi người. Cuội phi ngựa về nhà chú thím lừa cả hai chui vào rọ và đẩy xuống sông cho chết. Từ đó, Cuội thừa hưởng cơ nghiệp của chú thím để lại.Nhưng Cuội quá ăn chơi nên chả mấy chốc đã bán hết gia tư điền sản. Hắn bèn sắm sửa lương thực rồi bỏ nhà ra đi. Đến vùng nọ,

Cuội bèn nghĩ kế bắt một con voi. Dùng kế làm cho voi biết bay và đi chu du khắp thiên hạ rồi đáp xuống một hoàng cung. Nhà vua cùng tất cả triều thần chào đón và tiếp đãi Cuội như một vị thần vừa giáng hạ. Nhà vua bày tỏ với Cuội mong muốn được thử cảm giác bay giữa không trung.Không một ai ngăn cản được nhàvua nên cuối cùng ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình - bị rơi xuống biển.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 38 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w