Xung đột giữa lòng tin yêu và sự nghi ngờ

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 86 - 90)

Ở sử thiRamayana (Ấn Độ), sự nghi ngờ của Rama đối với Sita bị dập tắt nhờ thần lửa Anhi (niềm tin lấy từ các vị thần). Nghĩa là danh dự, phẩm tiết của hai được bảo toàn. Họ xứng đáng thuộc về nhau và có một cuộc sống hạnh phúc. Còn trong

Nàng Sita, sự nghi ngờ không chỉ đến một lần mà nó luôn giày vò trái tim Pơliêm để cho bi kịch cuộc đời chàng kéo dài mãi với cái giá quá đắt. Ngay từ cảnh 1 của vở

kịch, khi vua cha mất, nỗi đau cực điểm ngự trị trong lòng Pơliêm. Cộng thêm với sự tiếm quyền của hoàng hậu, Pơliêm bị đuổi đi và chàng không còn tin vào lòng tốt, sự tử tế của ai. Đến cả Sita, người vợ của chàng cũng bị nghi ngờ: "Nàng nói sao? Sita… không, giả dối. Tất cả là giả dối"[59; tr.318]. Thực ra rất dễ hiểu cho tâm trạng bấn loạn đang mất thăng bằng của Pơliêm trong hoàn cảnh bất hạnh này. Chàng thấy mình bơ vơ và bị bỏ rơi không thương xót nên đã đánh đồng tất cả mọi lời nói, mọi con người, mọi giá trị dù đó là tình yêu trong sáng của Sita. Nhưng bằng tấm lòng và sự nhẫn nhịn cao thượng, Sita đã làm cho Pơliêm gần mình hơn, lấy lại được niềm tin, sức mạnh để hi vọng, chiến đấu. Nàng ân cần, tha thiết bày tỏ: “Em vẫn ở bên chàng, chàng là hơi thở và cuộc đời của em… Pơ liêm ơi, chỉ có cái chết mới chia rẽ được đôi ta!”, “Anh là nguồn hạnh phúc của em”, “Em nguyện ở bên anh, xin đón chờ cái chết…” [58; tr319]. Thực tế là Sita đã đồng hành cùng Pơ liêm trong những tháng ngày gian khó nơi “rừng hoang, vực thẳm sông sâu. Nơi hùm beo ẩn nấp, rắn độc rình mò, cái chết vây quanh” [58: tr.318]. Nhân cách và linh hồn được bảo vệ chính là bởi lòng tin yêu. Song cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tốt lành để lòng tin yêu được lên ngôi. Để có được vị trí đích thực của mình, lòng tin yêu phải không ngừng đấu tranh với sự nghi ngờ để vượt thoát, tồn tại. Đây chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình lắm chông gai của Sita.

Thế nên, Lưu Quang Vũ liên tiếp đặt ra những tình huống dẫn đến xung đột kịch căng thẳng nhằm khắc họa rõ nét tính cách, phẩm chất thủy chung của Sita. Ngay ở cảnh 4 của vở kịch, khi Hanuman và Pơliêm cứu được Sita khỏi tay quỷ Riếp thì đồng thời một mầm hoạ lại được gieo rắc như cái án tử hình treo trên đầu Sita bởi quỷ Riếp xảo quyệt đã lừa Pơliêm rằng: "Bây giờ mới là lúc khốn khổ nhất của đời mày đấy. Nàng Sita sẽ không bao giờ sống hạnh phúc với mày. Nàng Sita đã yêu ta, đã thuộc về ta"[59; tr.333]. Quỷ Riếp hiểu tâm lí Pơliêm, biết được tình yêu của chàng nên nó đã gieo quỷ kế làm vẩn đục tình yêu ấy bằng sự nghi ngờ, ghen tuông. Đúng như lời Riếp nói: “Quyền uy của ta là vô địch. Ta có mặt khắp nơi ở trong mỗi con người. Sự cuồng nộ của ta còn lớn hơn dục vọng của ta” [59; tr.327]. Sự cuồng nộ do những mối nghi ngờ gây ra chính là ác quỷ trong mỗi người. Nếu không cảnh giác và tỉnh táo thì nó sẽ chi phối, làm cho lời nói, suy nghĩ, hành động của ta bị chệch hướng khỏi sự đúng đắn và chuẩn mực đạo lí. Thế nên một trái tim thuần khiết, giàu yêu thương như Sita làm sao có thể hiểu được lời nói đầy ẩn của ý, thấm đẫm sự đe doạ khủng khiếp của Pơliêm: “Riếp khoe rằng, nàng đã thuộc về nó à…Về tới kinh thành Aốtđia ta sẽ nói chuyện với nàng”[59; tr.333].

Xung đột ngày càng căng thẳng, gay gắt khi Pơliêm tra hỏi Sita tại kinh thành. Chàng lên ngôi và cùng Sita đã trải qua bao hiểm nguy, khó khăn. Nhưng trong trường hợp này, Pơliêm đã không làm chủ được tình cảm của mình. Chàng yêu tin ở sự chung thuỷ của Sita bao nhiêu thì càng sợ bị xúc phạm bởi sự phản bội nếu nó là sự thật bấy nhiêu. Sita là giá trị của chàng nên Pơliêm giữ gìn cả thể xác và linh hồn nàng, không cho phép có tì vết. Động cơ, ý muốn của chàng có thể hiểu được. Song Pơliêm đã đi quá xa khi không còn tin vào tình yêu của chính mình và bản chất thực sự của Sita. Chàng không phân biệt được yếu tố làm nên giá trị cao đẹp của vợ là sự chung thuỷ, là vẻ trong trắng trong tâm hồn nàng chứ không phải vì nàng bị Riếp bắt, bị phụ thuộc vào nó, bị những lời dối trá che mắt mà coi đó như yếu tố làm nên bản chất nàng. Pơliêm đã nhầm và bị lời của quỷ ám ảnh thành bệnh hoạn. Pơliêm xúc phạm và coi thường Sita qua những câu nói như mũi nhọn gươm dao: "Những ngày ở trong cung của quỷ, nàng có còn là vợ ta nữa không?", “Có đúng nàng vẫn còn là vợ ta không?”, “Ta không còn dễ tin như trước đâu”, “Được! Nàng sẽ bị thiêu trên giàn lửa…” [59; tr.337-338]. Sita tội nghiệp ra sức thanh minh nhưng càng nói càng bất lực vì sự nghi ngờ quá lớn của chồng. Nàng tin vào mình, không sợ sự thật, bởi nàng chính là sự thật nên đã không ngần ngại bước vào giàn thiêu và được thần lửa cứu. Nỗi oan khuất của Sita được giải như một minh chứng cho sự chiến thắng của lòng chung thuỷ. Xung đột tưởng như được giải quyết triệt để, nhưng chính từ đây, Lưu Quang Vũ bằng sự sáng tạo và thấu hiểu tâm lý con người đã nâng xung đột vốn có lên cao trào, đỉnh điểm. Tác giả hiểu, hạnh phúc có được không hề đơn giản và bản chất con người rất khó thay đổi, đặc biệt là những điểm xấu, nhất là khi môi trường có sự tác động không nhỏ tới tính cách. Sự thanh thản trong tâm hồn là điều xa xỉ, vô cùng khó khăn với những người hay nghi ngờ như Pơliêm.

Con quỷ của sự đa nghi vẫn không buông tha cho hạnh phúc lứa đôi. Giữa lúc vui vẻ, sum vầy, khi Sita chuẩn bị báo tin được làm cha cho Pơliêm thì chiếc vòng oan nghiệt mà Sita đeo ở tay đã làm bằng chứng cho sự phản bội của nàng trong mắt Pơliêm. Bởi đó chính là chiếc vòng mà Pơliêm đã thấy quỷ Riếp đeo. Những lời nói của Pơliêm, của những kẻ độc ác trong triều dồn dập đổ lên đầu Sita, cơ hội thanh minh của nàng không có. Quyền lực đã chứng tỏ sức mạnh và bất công của nó. Pơliêm cho rằng, lần này chàng đã bắt được bằng cớ phạm tội của Sita. Sita lâm vào cảnh “tình ngay lý gian”, không nói lên được tiếng nói của mình. “Sita… Hãy nghe ta nói đây! Từ nay đừng bao giờ nhìn mặt ta nữa” – Pơliêm dù không ra lệnh giết Sita nhưng chính câu nói ấy đã cắt đứt tất cả. Nhân cơ hội ngàn năm có một Supakha (hóa thân của quỷ Riếp) đã ra lệnh cho Hanuman: “Hãy mang con người

này đi xử tội. Mang trái tim của nó về đây cho ta. Để ta xem trái tim của nàng Sita thắm đỏ đến mức nào. Tình yêu của nàng Sita nông nhiệt đến mức nào” [59; tr.343]. Nỗi đau khổ dồn dập, giây phút hạnh phúc mới thật mong manh và lúc này sự giải thoát duy nhất là xa nhau và cái chết. Đúng là con quỷ của sự nghi ngờ len lỏi mọi nơi mọi lúc trong mỗi người. Khi không đủ cảnh giác, bản lĩnh, niềm tin thì con người sẽ thành đồng minh của quỷ. Cay đắng, thất vọng tràn đầy, Sita cam tâm chịu chết. Nhưng nếu Sita chết đi thì sự công bằng ở đời này không còn bởi không ai đáng được sống hạnh phúc, đáng được trân trọng hơn nàng. Vì nàng mà người thị nữ đã hi sinh mạng sống bởi dù ở trong thân phận người hầu nhưng người thị nữ đã hiểu được bản chất, sự thật ở đời. Cái giá phải trả cho sự sống không nhỏ chút nào.

Khi xa Sita rồi, xa được sự phản bội trong suy nghĩ, liệu Pơliêm có thanh thản được không? Quyền lực giúp chàng thực thi ý muốn nhanh chóng cũng như giúp cho kẻ lợi dụng chàng như Supakha có cơ hội để thực hiện âm mưu xảo quyệt. Nỗi ân hận, nhớ nhung và linh cảm Sita bị oan đã giày vò trái tim Pơliêm. Chàng thấy cô đơn, cuộc sống vô nghĩa ngay trong cung điện và ngai vàng. Tình yêu, lòng tin của chàng không gắn liền với nhau. Cho nên chàng không thể có hạnh phúc vững bền và cũng không thể biết được sự thật về cuộc sống của Sita và con trai Sila. Quy luật của cuộc sống không cho phép sự tồn tại mãi mãi của nỗi nghi ngờ kéo theo bao nhiêu hành động độc ác, cuồng nộ. Khỉ Hanuman trên hành trình trở thành người, đã đưa sự thật ra ánh sáng và giúp Sita lấy lại vị trí, sự trong trắng của mình. Niềm tin vẫn còn thì điều tốt đẹp vẫn luôn vững vàng trong cuộc sống. Supakha - quỷ Riếp hiện hình đã không giấu nổi mình qua ánh mắt trong trẻo và tấm lòng chất phác, hồn nhiên của Hanuman. Sita cùng con trai trở về trong vòng tay Pơliêm. Nhưng sự khôn ngoan của Pơliêm trong kế hoạch đưa Sita về đã không giữ được nàng ở bên mãi mãi. Lời nguyền của Sita đã linh ứng: "Pơliêm ơi! Đã muộn rồi… Ta chỉ gặp nhau khi một người đã chết mà thôi… Sila… Pơliêm ơi! Em… em… tha thứ cho chàng" [59; tr.358]. Nàng Sita tội nghiệp đến chết mà vẫn thuỷ chung hết mình. Nàng tưởng Pơliêm đã chết nên cũng chuẩn bị cái chết cho mình để được gặp chồng. Song sự oan nghiệt vẫn bám riết lấy cuộc đời nàng. Sita chết đi để lại tấm lòng vị tha, chung thuỷ và cả sự tha thứ cao thượng, vĩ đại cho PơLiêm. Sita đã được giải thoát. Nàng trở về với đất mẹ và sống mãi trong lòng người dân với gương mặt, nụ cười thánh thiện. Dẫu đã được Sita tha thứ nhưng Pơliêm có tự tha thứ cho mình được không? Chàng sẽ sống mà khổ sở hơn chết, sẽ chịu đựng nỗi đau của sự giày vò, mặc cảm tội lỗi: “Sita… ta đã giết nàng. Hôm nay ta lại giết nàng. Trời đã trừng phạt ta. Ta để mất niềm vui và ánh sáng. Ta đã hoài nghi cả tình yêu của nàng Sita” [59; tr.358]. Cái chết

của Sita mới đủ sức mạnh để thức tỉnh hoàn toàn tình yêu của Pơliêm đã bị sự nghi ngờ làm cho biến dạng: "Mạnh hơn cả quỷ dữ, cao hơn mọi quyền lực chỉ có tình yêu và lòng tin vào con người là cứu được con người"[58; tr.359]. Làm sao để thoát khỏi con quỷ ghen tuông mà con người nào cũng có trong mình? Câu trả lời tuỳ thuộc bản thân mỗi cá nhân. Những nhận thức sâu sắc mà vở kịch Nàng Sita mang lại xứng đáng để chúng ta ghi nhớ và suy ngẫm.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 86 - 90)