Ngôn ngữ đối thoại trong tuyển kịch Nàng Sita của Lưu Quang Vũ thấm đẫm chất triết lý tạo ra sắc thái, giọng điệu riêng cho lời đối thoại kịch, góp phần vào đặc điểm đa thanh của ngôn ngữ kịch Lưu Quang Vũ. Đó cũng là cách ông gửi gắm quan niệm của mình về con người, cuộc sống dĩ nhiên là nhằm mục đích hướng con người ta tới những điều tốt lành. Do đó, mặc dù tuyển kịch Nàng Sita đượclấy cảm hứng từ các cốt truyện dân gian nhưng Lưu Quang Vũ đã tích cực đưa các nhân vật tham gia vào đối thoại có tính chất triết lí. Triết lí được các nhân vật đưa ra rất đa dạng: về nhân sinh, về sự sống và cái chết, về thiện và ác, về thật và giả, về tin yêu và nghi ngờ, về hạnh phúc và khổ đau… Những triết lí đó đã tạo nên các lượt lời đối thoại hàm súc, bộc lộ rõ nét tính cách nhân vật, gia tăng ý nghĩa sâu sắc cho các vấn đề trong vở kịch.
Trước hết là triết lí về cõi đời trần tục mới thực là cuộc sống có ý nghĩa được gửi gắm thông qua vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Lưu Quang Vũ đã đã xây dựng được hai không gian mang tính đối lập: một không gian thiên đình và một không gian trần thế. Đế Thích một tiên cờ bất tử ở cõi tiên rồi cũng đến lúc ngao ngán tìm cách rẽ mây xuống trần thế để tìm kẻ đọ cờ. Đế Thích phát hiện ra cuộc sống của con người trần gian phong phú, sinh động, hấp dẫn trong từng nước cờ. Đế Thích cũng nhận thấy chỉ có con người ở cõi trần mới dạy bảo nhau điều hay lẽ phải: “Bác Trương Ba, bác đã dạy tôi những điều mà trên Thiên đình tôi không được học bao giờ” [59; tr.96]. Yêu mến cuộc sống của con người, Đế Thích tuyên bố: “Tôi chán cõi giời lắm rồi. Tôi sẽ ở lại đây, làm một con người, sống cuộc sống của con người trần thế…” [59; tr.96]. Cõi Thiên đình và cõi thế gian trong vở kịch đã hàm ẩn biết bao điều sâu sắc, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết gắn mình với nỗi đau, niềm hạnh phúc, những âu lo và khát vọng của con người. Khi con người xa rời cuộc sống, dửng dưng với tất cả sự an bài, hoặc sắp đặt sẵn thì đó là một cuộc sống vô vị, nhàm chán. Tác giả để cho tiên cờ Đế Thích nói, vừa tự nhiên, vừa ngộ ra một điều vô cùng sâu sắc về cuộc sống của con người trong thế gian. Chính điều đó đã nâng vở kịch lên tầm triết lí mới. Triết lí đó rất thống nhất trong tư duy của của Lưu Quang Vũ – một con người luôn có ý thức sống hết mình với cuộc đời.
Tiếp đến là triết lí về thiện và ác được Lưu Quang Vũ thể hiện qua các nhân vật trong vở kịch Ông vua hóa hổ. Thiện và ác là hai phạm trù đạo đức vốn tồn tại trong cuộc sống và dân gian đã khái quát thành câu nói như “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Kế thừa tích truyện xưa và nguyên mẫu của hai nhân vật Minh Không và Từ Đạo Hạnh, nhà văn đã trình bày quan điểm của mình về điều thiện mà con người cần hướng tới. Thiện là không làm việc ác, không gieo hận thù, không chém giết, không giẫm đạp lên kẻ khác để đạt mục đích. Minh Không đã từ bỏ binh đao, oán hận sau khi chứng kiến cảnh tàn sát và tự nhận thức “Tất cả đã làm tôi ghê sợ… Có lẽ tôi sinh ra không phải để làm tướng, không phải để giết chóc hận thù… Tôi không chịu nổi” [59; tr.257]. Minh Không quyết định gác kiếm đi tu hành để giữ mình trong sạch, gột rửa bụi trần, xa rời vòng danh lợi. Minh Không đã tìm đến sự bình yên trong cõi Phật “…cõi Như Lai mà ta tìm kiếm, đâu phải chốn cao xa mà ở chính tâm ta” [59; tr.295]. Minh Không đã hướng thiện trong cõi tu hành, nhưng cái thiện đích thực không phải kiểu lánh đời như chàng từng nghĩ “Ta – kẻ đã lánh xa đời, từ bỏ thế gian để giữ cho mình được thực làm người, được thực làm người, Thảo ạ” [59; tr.299]. Bởi cái thiện chân chính nằm ở lời của Thảo khi thuyết phục
Minh Không: “Có làm người thực sự được hay không, nếu dửng dưng với mọi niềm đau khổ” [59; tr.300]. Cuối cùng Minh Không đã lựa chọn chân lí và ý nghĩa đích thực của cuộc sống “Vĩnh biệt nơi yên ắng của lòng ta, vĩnh biệt cõi Như Lai ta chẳng bao giờ được tới, Nguyễn Minh Không đi cứu bạn, cứu đời” [59; tr.302]. Như vậy một con người trọn vẹn, đích thực không phải trốn đời khi đời đen bạc mà phải trở lại với đời để thực hiện lẽ sống cao quý. Trở lại với đời cũng là một cách để rèn giũa và khẳng định nhân cách của con người làm việc thiện. Triết lí về điều thiện được mở rộng và nâng cao hơn trong lời nói cuối cùng của Thảo với nhà vua “Không dung tha kẻ ác, nhưng hãy lấy yêu thương làm gốc rễ cuộc đời. Càng có sức mạnh, càng ở ngôi cao lòng nhân ái càng phải lớn…” [59; tr.310]. Gốc rễ cuộc đời là tình yêu thương, điều đó càng trở nên sâu sắc hơn khi những người ở ngôi vị cao phải thấu hiểu chân lí đó. Từ triết lí thiện, ác trong dân gian, nhà văn đã mở rộng và nâng cao thành phạm có tính xã hội. Những nhân vật như Thảo, Minh Không đã được tác giả bồi đắp tư tưởng trở thành những con người mang vẻ đẹp hướng thiện, mang phương châm và lẽ sống của ngày hôm nay. Triết lí sống thiện không còn nằm trong sách vở, kinh, kệ của nhà Phật mà chuyển hóa thành hành động, việc làm thiết thực có khả năng cứu rỗi cuộcđời.
Triết lí về lẽ sự sống và cái chết cũng được Lưu Quang Vũ thể hiện sâu sắc qua nhân vật Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.Nhân vật Trương Ba, một con người có nhân cách tốt nhưng khi sống trong hoàn cảnh mượn thân xác của người khác cũng bộc lộ những góc khuất của tâm hồn. Khi phần xác lấn át phần hồn, cái phàm phu tục tử của anh đồ tể che lấp sự nho nhã điềm đạm của lão cố nông, khi gia đình, bạn bè không còn ai kính trọng nể phục và họ bắt đầu xa lánh, Hồn Trương Ba mới đau khổ nhận ra mình không còn là mình nữa. Liệu Hồn Trương Ba có chấp nhận lối sống không phải là mình hay muốn giải thoát khỏi thân xác cồng kềnh kia? Diễn biến nội tâm của Trương Ba khi ông đối diện với chính mình, tự chất vấn, tự tranh luận. Xung đột nội tâm giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn diễn ra mạnh mẽ. Động lực thoát ra khỏi nghịch cảnh của Hồn Trương Ba chính là “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” [59. tr.88]. Việc Hồn Trương Ba sống lại dù đã mang đến phần nào an ủi cho vợ con, bạn bè nhưng niềm vui không lấp đầy nỗi thất vọng. Hồn Trương Ba nhận ra “không thể sống với bất cứ giá nào được ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được…” [59; tr.93]. Giữa sự sống và cái chết, ông hiểu được chỉ có thể được sống với đúng bản chất và nhân cách của mình, trân trọng những gì mình đang có mới là cuộc sống thanh thản và đáng sống. Cái chết thật đáng sợ
nhưng đáng sợ hơn cái chết là bản thân bị xã hội và người thân chối bỏ, lương tâm bị gặm nhấm và nhân cách đang chết dần trong tiềm thức mọi người. Để cứu vãn tình thế ấy chỉ có Hồn Trương Ba mới quyết định được. Thế nên, Hồn Trương Ba đã dũng cảm quyết định từ bỏ cuộc đời “quái gở”, và dứt khoát không chấp nhận sự sửa sai. Bởi “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa. Hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác” [59, tr.92-93]. Chối bỏ quyền được sống để cứu vớt lương tri của mình, cuộc đời Trương Ba mất đi nhưng giữ lại nhân cách để mọi người nể phục và yêu thương. Kết thúc vở kịch là cảnh giữa màu xanh của cây cối vườn nhà, Trương Ba chập chờn xuất hiện. Trương Ba mãi mãi sống trong tâm hồn, nỗi nhớ thương, yêu quý của gia đình và người thân. Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, sự sống và cái chết được nâng lên tầm triết học, có cái chết lại đem đến sự hồi sinh về nhân cách, tâm hồn.
Triết lí về tình đời và tình người (tình thương, tình yêu, tình bạn) cũng được gửi gắm xúc động qua tuyển kịch Nàng Sita. Ví như, Hanuman trong Nàng Sitalà nhân vật khao khát được làm người để được yêu thương như con người. Nhưng rồi chính nhân vật chứng kiến cuộc sống phức tạp của con người khi cái cao cả đôi lúc không chiến thắng nổi cái thấp hèn, con người có lúc thật khó hiểu, hoài nghi và độc ác. Cuối cùng nhân vật phải thốt lên “Ôi! Tôi muốn làm một con người. Nhưng sao làm một con người khó khăn thế...” [59, tr.344]. Với vai trò là nhân vật loài vật nhưng lời thoại của Hanuman làm cho thế giới con người phải suy nghĩ: làm người thật khó và khi đã là con người rồi thì hãy sống sao cho xứng đáng với hai chữ Con Người. Nhà văn luôn hướng tới sự trân trọng và đề cao con người, đề cao tinh thần, đạo đức, tâm hồn, lối sống tạo nên giá trịNgười…
Điều thú vị là tất cả ngôn ngữ đối thoại triết lí kể trên đều được nhà văn bồi đắp thêm cho phần nhiều các nhân vật “mẫu gốc”. Bởi thế khi nhân vật phát ngôn, ta vừa thấy quen, lại vừa thấy mới, thấy lạ, thấy thú vị. Nhân vật chính diện đưa ra triết lí thuộc về chân lí, lẽ sống cao đẹp (Hồn Trương Ba, Thảo, Nguyễn Minh Không…). Nhân vật phản diện cũng đưa ra triết lí mang tính thực dụng, xu thời, cơ hội (con trai Trương Ba, xác hàng thịt, quỷ Riếp…). Những triết lí vừa đồng nhất lại vừa trái chiều nhau tạo nên nhiều tiếng nói cùng tham gia đối thoại. Do đó, những đối thoại giàu chất triết lí không chỉ mang đến chiều sâu tư tưởng cho từng vở kịch mà còn gọi mời người đọc/xem cùng tranh luận với tác giả. Từ đó, mỗi người sẽ tự rút ra cho bản thân nhiều bài học sâu sắc, đáng suy ngẫm về con người và cuộcsống. Hiểu như thế, ta lại càng thêm trân quý tài năng, tấm lòng của Lưu Quang Vũ - người nghệ sĩ chân chính luôn biết mình cần làm gì để tận hiến cho đời.