Cải tạo cá tính nhân vậtnhằm mục đích giải thiêng

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 65 - 68)

Ở truyện cổ tích dân gian Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, ta thấy có hai thế giới tồn tại song song: thế giới của người trần – “trần thế” và thế giới của Thần linh - "cõi trên, cõi trời". Tác giả dân gian xem Thần linh như một đấng tối cao. Họ có trí tuệ siêu việt, có phép thuật vô biên, có thể ban phát may mắn, hạnh phúc cho con người bé nhỏ. Họ luôn luôn được người đời ngưỡng vọng. Song đến với vở kịch

Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả Lưu Quang Vũ đã khiến độc giả hoang mang, thảng thốt, hoài nghi các thần tượng. Hai vị quan nhà trời Nam Tào, Bắc Đẩu giữ quyển sổ sinh tử, nắm quyền sinh sát của bao người, nhưng lại làm việc đại khái, qua loa, chiếu lệ. Vì vội đi dự tiệc “bên dinh Thái thượng” họ đã gạch nhầm sổ tử, khiến cho một tên bạc ác, bất nhân, lừa thầy phản bạn, tham lam hoang tàng đáng lẽ phải chết thì lại tiếp tục sống nhở nhơ. Để rồi thế chỗ vào đó là một ông Trương Ba hiền lành, tốt bụng mà đúng ra sẽ thọ thêm được 30 năm nữa. Người đọc thật chua chát khi nghe lời Bắc Đẩu nói: “Ít ra, cũng phải làm sao giữ lấy cái tôn nghiêm bên ngoài chứ!Đấy, như tôi với ông, tuy nghĩ đến việc thì cũng thấy ngại lắm, nhưng sáng sáng vẫn phải ra đây, giở sổ giở bút gạch gạch chép chép đôi chút, cho nó phải lẽ...”; “Cũng nhiều nhiều đấy! Thì ta làm đại khái như các hôm thôi. Rồi đây có lẽ cũng chẳng nên tính đếm chi li, cứ gạch đại cho đủ số là được chứ gì?”[59; tr.15- 16]. Chính những lời ấy đã tố cáo lối làm việc cẩu thả, vô tổ chức của các vị quan nhà trời nhưng rộng hơn, có lẽ là cung cách làm việc phổ biến ở các cơ quan thời bấy giờ.Một suy nghĩ đơn giản, một hành động tưởng chừng vô thưởng vô phạt của 2 vị quan nhà trời đã gây ra những hậu quả khôn lường. Thế mà khi đối diện với hậu quả, những kẻ hành sự kia lại hèn nhát, chối tội, quay ra đổ lỗi cho nhau - tình huống bi hài khi bà vợ Trương Ba bay lên tận Thiên đình bắt đền chồng. Hỡi ôi! Thần phật cũng tham gia cãi lộn, trí trá như người trần thế. Chính những chi tiết “giải thiêng” ấy của vở kịch không chỉ nhằm “hạ bệ” các nhân vật của thế giới thần tiên, mà còn đời sống hóa cái trang nghiêm, biến cái thuộc thế giới linh thiêng - cõi trên thành cái phổ biến trần tục ở nơi hạ giới.

Ở cõi trên ấy, ta bắt còn gặp một bà Tây Vương Mẫu vì không ưa trẻ con mà tùy tiện, tắc trách trước mạng sống con người; một Đế Thích tuy có lòng tốt nhưng cũng đan xen chút toan tính cá nhân – thích chơi cờ, muốn mọi người biết tài đánh cờ của mình và chút “mê lầm” đã mở ra chuỗi bi kịch đau đớn. Đế Thích thậm chí

cả Ngọc Hoàng đều sống giả tạo, gượng ép, không thể và không dám được sống thật là mình như Trương Ba dưới trần gian. Điều đó thể hiện rõ qua lời tự bạch của Đế Thích: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây, ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả…”[59; tr.88]. May thay, cuối cùng Đế Thích cũng tỉnh ngộ: đáp ứng nguyện vọng của Trương Ba – chết hẳn, cho anh hàng thịt và cu Tỵ sống lại và cũng tự giải thoát cho mình – chấp nhận trút bỏ lốt tiên để sống cuộc đời bình thường như bao con người nơi hạ giới với sinh – lão – bệnh – tử. Chính sự vô trách nhiệmtrong công việc cùng lối sống giả tạo là biểu hiện của tình trạng tha hóa về quyền lực, sự bát nháo trong thi hành và gìn giữ kỷ cương, phép tắc ở một bộ phận những người có chức quyền trong xã hội. Hệ lụy là gây ra một tình trạng đổ vỡ, hỗn độn trong xã hội và tình trạng con người trỏ nên hoang mang, hoài nghi, mất niềm tin vào cuộc sống.

Vị vua xuất hiện trong vở kịch Lời nói dối cuối cùng cũng thật đặc biệt. Ông ta mới 67 tuổi mà tay run run, hơi thở hổn hển, mắt nhắm mắt mở, tai nghễnh ngãng… mặc sức cho quần thần làm bậy. Việc quan trọng nhất của vua là dậy vào giờ ngọ, súc miệng nước thơm, hắt xì hơi mấy cái, rồi cãi nhau với hoàng hậu. Vua nói xấu hậu, hậu nói xấu vua, cũng vì không có gì làm ngoài việc “nói xấu nhau”. Tuổi cao, sức yếu mà hoàng hậu lại mới 30 xuân làm sao nhà vua chịu nổi… Nhà vua không biết “ống tiêu” là gì nên bảo nghệ nhân thổi tiêu là “Tiêu đi” rồi gào lên: “Tiếng gì vo ve như muỗi”, không biết đàn nguyệt là gì nên bảo nghệ nhân đàn nguyệt là “Ấy đi”, rồi cũng gào lên tiếng gì mà như tiếng dế. Chỉ tới khi lão hàng thùng ở đầu chợ, mang cái thùng của lão vào gõ oang oang, thì vua mới nghe rõ và phấn khởi phong cho lão làm “Nhạc gia triều đình”. Để rồi nghệ nhân đàn nguyệt, không thể chịu nổi cảnh đói nghèo, nghe theo lời Cuội làm ra “đàn pháo”, mang vào đốt cho vua xem, cũng được vua phong là “Nhạc gia triều đình”, giữ lại trong triều để ngày ngày… đốt đàn pháo cho vua thưởng thức. Thậm chí, vì muốn nắm giữ quyền lực mà vua sẵn sàng tin rằng mình có một đứa con được sinh ra theo kiểu: “Bạch liên huê hạ long sàng.… Thiên tử giáng trần gian” [59; tr.156]. Do đó, bọn quan quân thi nhau chạy chức, chạy quyền. Để rồi chúng ra sức tìm cách đục khoét của dân để bù lại. Quan chép sử giống như một con rối, quan ngự y là một kẻ bất tài… Giữa một triều đình/hoàng cung như thế nên Cuội, kẻ vốn đã rất giỏi lừa người (nổi tiếng khắp nước) càng có cơ hội để trở thành ngôi sao sáng, thành người được cả triều đình mù quáng nghe theo. Chưa kể Cuội còn đưa một đứa trẻ bán bánh đa tên Nha lên ngôi

Thế tử, rồi suýt lên ngôi vua chỉ vì một lời hứa với nó khi mua chịu chục bánh đa. Thế giới bên ngoài hoàng cung, cũng hiện diện muôn vàn nghịch lý. Nào là lão Chánh tổng ra sức o ép gia đình Lụa vì nợ tiền. Hắn còn sai gia nhân đến phá nhà, tịch thu ruộng ngay lúc mẹ Lụa đang ốm, khiến cô gái dệt lụa nổi tiếng khắp vùng không còn đường sống. Cô phải nhắm mắt đưa chân suýt làm vợ Công tử Lãn - lưng gù xấu xí, tâm hồn thô kệch, rỗng tuếch. Ở đó cũng có những thân phận cay đắng như Bờm. Chú bị bố mẹ bán lấy 30 đồng, nên phải làm người hầu cho Công tử Lãn. Chủ sai gì cũng phải làm (bất kể đúng sai) nhưng luôn bị mắng mỏ, đánh đập, bỏ đói… Tất nhiên, ở nơi đó vẫn có những cái đẹp và sự êm đềm khiến người ta muốn sống. Như niềm vui mỗi phiên chợ gọi nhau cùng đi bán lụa, là cái tình gắn bó của Luạ và người chị hàng xóm, là cảnh xôn xao trên bến dưới thuyền của phiên chợ nơi kinh kỳ. Đặc biệt nhất là sự trong veo, thánh thiện của hai cậu bé Nha, Nhai… Kể cả bé Nha có bị bắt vào cung để làm thái tử, vẫn không thể quen được cảnh sống nhung lụa, bức bối; chỉ muốn được trở về nhà với thầy u, với mấy chục cái bánh đa bán đắt như tôm tươi vì có hội hát chèo…Đặt hai môi trường sống ấy lại với nhau càng khiến người ta phải chới với trước cuộc sống trong hoàng cung. Bởi chính nơi “lầu son gác tía” những tưởng là chốn xa hoa tráng lệ, là nhung lụa, là ăn sung mặc sướng, là cha, mẹ của muôn dân… nhưng bản chất bên trong lại ngột ngạt, mục ruỗng, thối nát. Nó là vũng bùn bẩn thỉu, từ vua tới quan chỉ lo bòn rút của nhân dân, lo làm cho đầy túi tham của mình. Tầng lớp vua chúa, quý tộc đã bị ngòi bút tác giả Lưu Quang Vũ hạ bệ, bóc trần một cách thảm hại.

Rõ ràng với việc sử dụng thủ pháp đẩy mạnh hoặc cải tạo một số nhân vật trong tuyển kịch Nàng Sita, Lưu Quang vũ đã tạo “đất diễn” cho từng nhân vật. Ở đó, mỗi nhân vật dù là tiên hay phàm, dù già hay trẻ, dù đàn ông hay đàn bà, dù người lớn hay trẻ con… đều là những bản thể rất sinh động, rất đời thường với đầy đủ cung bậc hỷ - nộ - ái - ố. Vì thế, ấn tượng mà họ để lại trong lòng độc/khán giả thật khó phai mờ.

Tiểu kết

Các câu chuyện cổ tích, lịch sử, dã sử khi được cải biến liên kết vào trong tuyển kịchNàng Sita của Lưu Quang Vũ đều có sức sống mới mẻ và có giá trị lâu bền. Một mặt Lưu Quang Vũ chuyển tải, lồng ghép một cách thiết tha và vô cùng

sinh động những nền nếp gia phong truyền thống, đạo lí làm người, thuần phong mĩ tục của dân tộc vào từng vở kịch. Mặt khác, với cảm quan “đọc lại/viết lại” tác phẩm của người xưa, nhà văn đã làm mới đề tài cũ bằng cách mở rộng đề tài để phù hợp với xã hội ngày hôm nay. Nghĩa là ông đã cấp thêm cho đề tài truyền thống nét nghĩa mới, khơi gợi suy nghĩ và cách nhìn khác về cuộc đời, bổ sung quan niệm mới về bản thể, khẳng định nhân tố mới, chân lí mới trên nền tảng cái cũ, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với mọi vấn đề bức thiết của xã hội…Hay nói cách khác các câu chuyện cổ tích, lịch sử, dã sử chỉ là cái “tứ” để nhà viết kịch nghiền ngẫm những vấn đề đạo đức nhân sinh, hạnh phúc con người, phê phán những lệch lạc trong lối sống. Có thể nói, tài năng của nhà viết kịch một lần nữa được khẳng định trong việc“biến cổ tích huyền thoại thành chuyện của thời hiện đại, nêu lên cái muôn đời trong những cái bình thường”[47; tr.318].

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w