Biến đổiđộng cơxuất phát từ tham vọng quyền lực

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 56 - 58)

Khi viết lại truyện cổ tích Sự tích Thánh Láng/Từ Đạo Hạnh thành vở kịch

Ông vua hóa hổ, Lưu Quang Vũ đã biến đổi động cơ hoạt động của nhân vật Từ Đạo Hạnh. Từ Đạo Hạnh được Lưu Quang vũ khoét sâu vào nỗi cô đơn vào cảm giác ân hận bởi hàng loạt những tội ác, những chia lìa do bản thân ông gây ra khi dần lâm vào kiếp thú. Trước hết, Lưu Quang Vũ đã lấy kiếp sau của Từ Đạo Hạnh để xây dựng nên hình tượng ông vua hoá hổ. Đạo Hạnh xuất thân như nhiều người nông dân áo vải khác. Cha mẹ chàng bị bọn hôn quân giết nên chàng cùng các anh em vùng lên diệt gian trừ bạo, lật đổ chế độ cũ, lập nên một triều đại mới. Song khi bước vào cuộc chiến, khát vọng chiến thắng, đam mê quyền lực khiến chàng điên cuồng, giết người không từ thủ đoạn. Thậm chí, Đạo Hạnh sẵn sàng thỏa thuận với ma quỷ và chấp nhận lời nguyền: “Ngươi sẽ có sức mạnh mà không con người thường nào có được. Ngươi sẽ thắng. Ngươi sẽ làm vua. Nhưng nhớ đấy: sẽ có lúc ngươi phải đền nợ, ngươi sẽ bị hóa thành hổ. Sẽ không kẻ nào giết được ngươi, trừ những kẻ đã tin phục, quý yêu ngươi. Hãy nhớ lấy!” [59; tr.254]. Đúng như ý nguyện, Đạo Hạnh giành được chiến thắng, lên làm vua và lấy được người con gái mình yêu – Thảo. Những tưởng mọi việc vậy là viên mãn, nhưng không, quyền lực của ngôi vương đã làm Đạo Hạnh mờ mắt. Chàng trở nên xa rời quần chúng, xa lạ với vợ, con và với chính mình. Từ một người sống chết vì dân, Đạo Hạnh trở nên

thờ ơ với cảnh bất hạnh của họ. Sự trỗi dậy của tham lam, độc đoán, tàn bạo... đã lấn át dần phần tốt đẹp trong Đạo Hạnh, biến ông thành thú dữ mà chẳng cần đến lời nguyền nào.

Đạo Hạnh cố gắng để chống lại sự u tối của kiếp thú, giữ lấy dù le lói ánh sáng lương tri con người. Chỉ có những giây phút như thế này, khi một mình trong vòng tội lỗi và nguy hiểm, Đạo Hạnh mới có thời gian để nghiệm lại, ý thức lại về chính mình. Trước đây khi tưởng đã giết Minh Không, Đạo Hạnh có sự ân hận khôn nguôi và tự đặt ra câu hỏi: “Sao? …Trời ơi, bạn ta… sao lại thế?”, “Ta đã làm gì?”[59; tr.264-265]. Song câu hỏi ấy cũng chỉ là để giải tỏa tâm trạng trong phút chốc. Nó đã chìm đi theo thời gian, theo những hình phạt mà Đạo Hạnh đã thực thi với người dân khốn khổ của mình. Bao cái chết oan khuất liên tiếp xảy ra càng kéo nhà vua về gần kiếp thú. Không có tội lỗi nào giống nhau. Cũng không thể so sánh nỗi đau nào đáng sợ hơn. Vậy mà con người ta vẫn phải đối mặt với tất cả để đấu tranh sinh tồn, cải tử hoàn sinh về cuộc sống sinh vật và hơn hết là nhân cách, là vẻ đẹp tâm hồn - những yếu tố cơ bản làm nên ý nghĩa của mỗi con người trong cuộc đời này.

Những kinh nghiệm, bài học đắt giá chỉ được tin, chú ý, thấm thía khi chính bản thân mỗi người tự rút ra từ thực tế trải nghiệm, sau khi phải trả giá cho những sai lầm. Đạo Hạnh cũng vậy: “…Ta đã làm gì để đến nông nỗi này? Tai hoạ bắt đầu từ đâu? Cái sức mạnh mà ta muốn có, cái sức mạnh để chiến thắng tất cả, giờ dẫn ta đến kết thúc này ư? Chỉ tại ta thôi, ta đã bỏ quên gốc rễ của đời ta…” [59; tr.306]. Đạo Hạnh nhớ lại, hiểu ra cụ thể căn nguyên đã dẫn cuộc đời chàng đến một kết cục khủng khiếp như thế này: ông vua hoá hổ. Trước kia Đạo Hạnh chỉ quan tâm đến quyền lực. Giờ đây dù là nhớ trong ân hận, vẫn có chỗ cho chính mình và vợ con, cả những người chàng yêu quý và những nơi gần gũi, từng là xuất thân của chàng: xóm thôn, đồng ruộng. Có lẽ đó là lần đầu tiên sau 12 năm bước lên ngai vàng, Đạo Hạnh có cái nhìn chính xác, trực diện vào lương tâm mình và thực tại xung quanh. Sự tái sinh làm người của Đạo Hạnh được tạo thành từ bao tấm lòng hi sinh, che chở, đổ máu trong đó có Thảo - người vợ hiền tri kỷ. Liệu từ đây Đạo Hạnh có thể tiếp tục sống trong thanh thản? Có lương tri, con người ta mới biết đau khổ, biết sống xứng đáng theo danh phận của con người. Quyền lực rơi vào tay kẻ ác thì nó là đồng minh ghê gớm của tội ác với sức mạnh kinh hoàng. Khi lương tri quay về với kẻ từng phạm tội thì mặc cảm tội lỗi chắc chắn không bao giờ buông tha họ.

Đạo Hạnh đại diện cho thế lực phản diện nhưng cái xấu không nằm trong bản chất mà chỉ bị “nhiễm khuẩn” từ cuộc đời. Đam mê quyền lực đã và đang trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội đương thời. Danh lợi như chiếc vòng kim cô ngày

một xiết chặt hơn vào lòng tham vô đáy của con người nói chung và Đạo Hạnh nói riêng, cái giá phải trả là nỗi cô đơn, sự xa cách của mọi người. Nắm trong tay quyền lực cũng là lúc hoàng đế để tuột mất tình yêu thương, niềm tin yêu của người thân. Khi nhìn lại những việc đã làm, Đạo Hạnh ngộ ra những sai lầm, u mê đã cướp đi cái gốc của mình. Muốn thức tỉnh lương tri của con người càng ở địa vị cao càng phải viện dẫn đến sức mạnh diệu kì của lòng bao dung tha thứ. Cái chết của Thảo đã kéo lương tri của Đạo Hạnh khỏi vũng bùn lầm lạc. Lúc này, vị hoàng đế mới ngộ ra chân lý đơn giản ngàn đời: tình yêu thương là gốc rễ của cuộc đời. Giá trị nhân văn của kịch Lưu Quang Vũ luôn thấm đẫm và trải dài suốt chiều dài vở kịch. Đối với ông, cứu vớt một con người là tái sinh một nhân cách, củng cố thêm niềm tin vào cuộc đời này. Bởi Lưu Quang Vũ không nhìn đời, nhìn người bằng con mắt bi quan, lo sợ mà đón nhận tất cả bằng lòng nhân từ, tin tưởng cái xấu sẽ hoàn lương khi được cái tốt cảm hoá.

Xây dựng tình huống những người vốn mang phẩm chất tốt đẹp nhưng vì khát khao sở hữu quyền lực đã biến mình thành quỷ/thú dữ, Lưu Quang Vũ muốn khắc họa những bi kịch nhân sinh phổ biến. Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những phần xấu bên cạnh những phần tốt, và những phần xấu kia luôn tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để lấn át đi phần đẹp đẽ trong mỗi người. Thế nên, nếu mỗi người không đủ bản lĩnh, dễ thỏa hiệp và đầu hàng trước khó khăn, thử thách thì sớm muộn cũng bị biến chất, trở nên xấu xa, thành những con quỷ, con thú ngay cả khi mang hình hài con người. Sáng tạo trên nền truyền thuyết nhưng rõ ràng Từ Đạo Hạnh trong Ông vua hoá hổ vẫn mang trong mình tính cách nổi bật, rõ nét, không bị trộn lẫn với các nhân vật khác. Sự biến đổi động cơ mà tác giả Lưu Quang Vũ dành cho Từ Đạo Hạnh nói lên nhiều điều của thời hiện đại, trong những cái đang diễn ra và cả những điều đang tới.Có thể nói, đây quả là một hành động táo bạo của nhà viết kịch.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 56 - 58)

w