Khi viết vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, chi tiết vị quan dùng lợn và cờ thử tài Hồn Trương Ba trong cốt truyện dân gian cùng tên nhằm dẫn đến một kết thúc có hậu – “ở hiền gặp lành” đã được tác giả Lưu Quang Vũ cắt bỏ. Thay thế vào đó là sự tự nhận thức của chính linh hồn Trương Ba về bản thân mình cùng với việc kiểm chứng của vợ và bạn cờ Trưởng Hoạt. Để rồi bao ngang trái, oái ăm dần dần hé mở, niềm vui thành nỗi buồn, hạnh phúc hóa khổ đau. Ví như việc hai người vợ tranh chồng sau khi Trương Ba sống lại trong cốt truyện dân gian đã hoàn toàn chấm dứt khi vợ Trương Ba được xử thắng kiện. Tuy nhiên, điều đó dưới con mắt Lưu Quang Vũ lại trở thành nỗi đau âm ỉ và vô cùng dai dẳng. Vợ anh hàng thịt nhìn thấy ở xác thân chồng mình một tâm hồn mới thánh thiện, tinh tế, nhẹ nhàng. Mặc dù biết rõ đó không phải là chồng mình nhưng vì bao năm sống trong bất hạnh
nên giờ đây lại nảy sinh tình cảm với kẻ mang dung mạo của chồng. Cô tìm cách tiếp cận, chiều chuộng, dụ dỗ. Trái lại, bà Trương Ba lại nảy sinh mặc cảm về tuổi tác, dung mạo của bản thân, cảm thấy chồng khác xưa nhiều quá. Bà đau đớn tột cùng đến nổi muốn chết hoặc bỏ đi biệt xứ để thoát khỏi tình cảnh dở khóc, dở cười. Ngoài ra, có một số một sự kiện chỉ được đề cập lướt qua trong hạ bản nhưng lại được tập trung nhấn mạnh theo những chủ đích khác nhau ở thượng bản. Cụ thể, Lưu Quang Vũ đã: (1)Tập trung lý giải nguyên nhân cái chết của Trương Ba là do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu; (2)Khắc họa sinh động tâm trạng ngao ngán cuộc sống nhung lụa, nhàn nhã phù phiếm chốn thiên đình của những vị tiên (Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích); (3)Mô tả hành trình bay lên trời đòi chồng của vợ Trương Ba… Đơn cử như chi tiết “chết đột ngột” của Trương Ba trong tích truyện dân gian, khi cải biến thành kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra cho nó một nguyên nhân không vô lý mà ngược lại hoàn toàn giải thích được. Nó xuất phát từ cách làm việc tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu khi hai ông vội gạch bừa tên người trong sổ tử để đi ăn tiệc ở dinh Thái Thượng (cảnh 1). Kể cả vị quan xử kiện trong cốt truyện dân gian cũng không còn nữa thay vào đó là sự sách nhiễu của lý trưởng và trương tuần. Chúng hạch sách, ra oai, thị uy, để cuối cùng ăn của đút từ anh con trai Trương Ba và “mắt nhắm, mắt mở” cho qua mọi chuyện. Quả thật, dưới đất, trên trời đều vô trách nhiệm như nhau.
Sự kiện Cuội lừa vua trong hạ bản - cốt truyện dân gian Nói dói như Cuội chỉ được đề cập lướt qua và Cuội nghiễm nhiên lên làm vua thay thế, trị vì đất nước. Trong thượng bản – vở kịch Lời nói dối cuối cùng, Lưu Quang Vũ đã cải biến thành một chuỗi các hành động bịp bợm của Cuội. Cuội giả làm thầy thuốc, lừa vua, lừa cả triều đình. Bắt đầu bằng việc nhận lời chữa bệnh hiếm muộn cho vua. Lừa vua nhận con – bé Nha làm thế tử, nhận anh đàn pháo – Điền làm nhạc sư. Lừa tình cảm của quận chúa Quỳnh Hoa... Có thể nói, một tay Cuội thao túng cả triều đình. Dĩ nhiên, những việc Cuội làm suy cho cùng đều muốn tốt cho người khác thậm chí tốt cho cả muôn dân, trăm họ. Nhưng cái sai nằm ở chỗ lòng tốt ấy hoàn toàn được dựng xây trên những điều gian dối.Biết bao con người lương thiện vô tình bị kéo vào “cuộc chơi” của Cuội: Cô Lụa, mẹ Lụa, chú Bờm phải rời bỏ quê hương; anh Điền làm nhạc công đàn pháo bất đắc dĩ; bé Nha đành làm thế tử... Để rồi, tất cả họ đều quyết định rời bỏ Cuội để tìm lại chính mình.Thế nên, Cuội đã kịp thời tỉnh ngộ dẫu hơi muộn màng. Điều đó hoàn toàn không xuất hiện trong cốt truyện dân gian. Bởi Cuội ta luôn hân hoan, sung sướng khi đạt được mục đích cho đến giây phút cuối cùng. Dẫu cho kết quả ấy phải trả giá bằng chính sinh mạng của người khác như: chú thím Cuội, thằng hủi hay vị vua nông nổi.
Trong cốt truyện dân gian Sự tích Hòn/Đá vọng phu, người em lưu lạc nơi xứ người và được một gia đình vùng biển cưu mang. Lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, dịu dàng nhiều chàng trai đem lòng yêu mến. Nhưng chỉ đến khi gặp chàng trai xa xứ hiền lành, tuấn tú trái tim mới rung động và họ đã thành đôi. Sự gặp gỡ đó chỉ được kể lướt qua. Khi cải biến thànhvở kịch Linh hồn của đá, Lưu Quang Vũ đã để họ gặp nhau trong cơn lửa binh, loạn lạc của chiến tranh. Cảm tấm lòng cô gái xóm Đá nhân hậu, hiền hòa, chàng lính – Vịnh đã đem lòng yên mến rồi hứa hẹn ngày trở về sẽ nên duyên chồng vợ. Ngày ra đi Vịnh mang theo chiếc vòng đá xanh xem như kỉ vật đính ước của hai người. Cô gái – Thanh bền bỉ chờ đợi người yêu trong 3 năm ròng rã với niềm tin sắt đá và tấm lòng thủy chung son sắt. Dẫu biết bao người ngỏ lời vàng đá: anh Gụ, cả Chĩnh. Cuối cùng niềm vui đã vỡ òa khi Vịnh đã quay trở về xóm Đá gặp lại người tình chung thủy. Rõ ràng, tình yêu của họ đã được thử thách. Họ xứng đáng thuộc về nhau, xứng đáng hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Trong cốt truyện dân gian Sự tích Hòn/Đá vọng phu, người anh dùng dao chặt mía cho em ăn nhưng vô tình lưỡi dao sút ra trúng đầu em gái. Tưởng em đã chết nên anh bỏ nhà ra đi vì sợ cha mẹ về đánh đòn. Trong vở kịch Linh hồn của đá, vì quá hoảng sợ người anh cũng bỏ chạy ra bờ sông nhưng sau đó lại bị bọn người bắt cóc mang đi biệt xứ. Sự khờ dại, ngây thơ của một đứa trẻ trong câu chuyện cổ tích đã không còn thay vào đó là sự xô đẩy của dòng đời nghiệt ngã, sự toan tính, ích kỉ của lòng dạ con người.Hay ở cốt truyện dân gian Sự tích Hòn/Đá vọng phu việc người chồng phát hiện ra sự thật phũ phàng: cưới nhầm em gái chỉ được đề cập lướt qua. Sau đó, anh ta quyết định bỏ đi biệt xứ để chôn chặt bí mật. Vợ và con mòn mỏi trông chờ trong cô đơn tuyệt vọng đến nỗi hóa đá. Khi viết lại thành vở kịch
Linh hồn của đá, Lưu Quang Vũ đã khắc họa sâu hơn vào nỗi đau của Vịnh. Vịnh như người điên loạn trước sự thật kinh hoàng. Việc Vịnh bỏ ra đi cũng không âm thầm, lặng lẽ bởi ít ra đã có một người thấu hiểu - già Quỹ - ba vợ. Ít ra anh cũng có một nơi để trút bầu tâm sự, một tâm sự khó có thể giãi bày. Còn cay đắng nào hơn thế chăng?
Lưu Quang Vũ đã lấy kiếp sau của Từ Đạo Hạnh trong Sự tích Thánh Lángđể xây dựng nên hình tượng “ông vua hoá hổ” trong vở kịch Ông vua hóa hổ. Có thể coi đây là hành động táo bạo của nhà viết kịch. Tuy dựa vào truyền thuyết lịch sử nhưng nhà viết kịch không để tác phẩm của mình trở thành “khuôn mẫu” của lịch sử. Ông tạo dựng cho tác phẩm một diện mạo mới, quan điểm mới mà không làm mất đi những nét định hình của các nhân vật ấy. Vì vậy, cùng khai thác một cốt
truyện, nhưng vở kịch của Lưu Quang Vũ lại có nội dung rất khác, thậm chí là trái ngược. Ví như Từ Đạo Hạnh trong vởÔng vua hoá hổ có nhiều nét khác biệt với truyền thuyết. Về hoàn cảnh xuất thân, truyền thuyết nói: Từ Đạo Hạnh là người An Lãng (tức làng Láng) huyện Vĩnh Thuận (Hoàn Long), làm thầy cúng ở chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy ở Sơn Tây), khi xưa phụ thân là Từ Vinh làm Tăng quan đô sát triều Lý, thường vào chơi làng An Lãng, mới làm nhà ở đấy, lấy con gái họ Lãng, sinh ra Từ Đạo Hạnh. Nhưng khi vào kịch, Lưu Quang Vũ không cung cấp danh tính và nguồn gốc xuất thân cụ thể mà chỉ giới thiệu chung chung: Đạo Hạnh xuất thân như nhiều người nông dân áo vải khác, cha mẹ chàng bị bọn hôn quân bắt giam nên chàng cùng các anh em diệt gian trừ bạo trả thù cho cha mẹ. Tuy nhiên khi bước vào cuộc chiến, khát vọng chiến thắng, đam mê quyền lực khiến chàng điên cuồng, giết người không từ thủ đoạn. Sáng tạo trên nền truyền thuyết nhưng rõ ràng Từ Đạo Hạnh trong Ông vua hoá hổ vẫn mang trong mình tính cách nổi bật, rõ nét, không bị trộn lẫn với các nhân vật khác.Sự kiện Từ Đạo Hạnh dùng gậy đánh pháp sư Đại Điên để trả thù cho cha Từ Vinh trong cốt truyện dân gian được thay thế bằng sự kiện Từ Đạo Hạnh dấy quân khởi nghĩa để chống lại triều đình. Một bên xuất phát từ lợi ích cá nhân, gia đình một bên vì lợi ích của quê hương, đất nước. Vì thế hình tượng Từ Đạo Hạnh mang cốt cách của một anh hùng mang chí lớn.Chưa kể việc Nguyễn Minh Không cứu Từ Đạo Hạnh trong cốt truyện dân gian xuất phát lời hứa với Đạo Hạnh. Bởi Đạo Hạnh vốn tu hành đắc đạo nên biết trước trong tương lai mình sẽ thác sinh làm vua và vua mắc nạn hóa hổ. Khi cải biến thành vở kịch Ông vua hóa hổ, Lưu Quang Vũ không chỉ giữ vai trò cứu bạn của Nguyễn Minh Không mà còn bổ sung sự hy sinh của Thảo – người vợ hiền, chung thủy. Linh hồn nhà vua được cứu rỗi bằng chính tình bạn chân thành và tình yêu cao cả.
Chính việc thay đổi sự kiện, chi tiết/tầm quan trọng của sự kiện, chi tiết đã khiến ý nghĩa của những vở kịch: Hồn Trương ba, da hàng thịt, Lời nói dói cuối cùng, Linh hồn của đá hay Ông vua hóa hổ trong thay đổi đáng kể so với cốt truyện dân gian. Ý nghĩa các vở kịch trở nên sâu sắc hơn, nhân văn hơn và đời hơn rất nhiều. Bởi nó được viết lại không chỉ bằng tài năng mà còn bằng đôi mắt và trái tim của một người nghệ sĩ hiện đại và giàu lòng nhân ái.