Xung đột giữa cái tốt/thiện và cái xấu/ác

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 84 - 86)

Từ cốt truyện cổ tích thời Lý - Trần về Từ Đạo Hạnh, Lưu Quang Vũ đã khai thác và xây dựng thành công vở kịch Ông vua hóa hổ. Vở kịch có tầm tư tưởng, triết lý sâu sắc về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác; nhất là khi cái ác nằm trong tay kẻ có quyền lực – nhà vua Từ Đạo Hạnh. Khi đang còn cầm quân đánh giặc là bọn hôn quân, bạo chúa để cứu nước lầm than cũng là để trả thù cho cha bị bắt, Từ Đạo Hạnh đã bộ lộc tính cách mạnh mẽ, ý chí sắt đá và tham vọng về quyền lực. Chàng không từ hành động chém giết nào miễn là trả được thù một cách nhanh chóng. Nhưng với Nguyễn Minh Không, tuy cũng có mối thù nhà, nợ nước như Từ Đạo Hạnh song chàng lại cảm thấy đau đớn ghê tởm chính mình khi phải giết người. Đó cũng là lý do mà Thảo đã lựa chọn Từ Đạo Hạnh làm bạn trăm năm vì thấy mình cần cho người ấy, đơn giản nàng thấy mình khác Đạo Hạnh và giống Minh Không. Hai người khác nhau có thể bổ sung và giúp nhau được nhiều hơn.

Trong cuộc chuyện trò với Thảo,Minh Không bộc bạch: “…chẳng lẽ cõi đời này lại ghê gớm nghiệt ngã đến như vậy…? Máu kẻ thù sẽ phải đổ ra nhưng cha mẹ yêu quý của tôi cũng không thể sống lại, và chính tôi, tôi cũng không còn được là tôi ngày xưa… Rửa xong mối thù, rồi tôi sẽ sống ra sao? Cõi đời này sẽ ra sao?” [59; tr.246]. Và đây là suy nghĩ của Đạo Hạnh: “Ta còn phải giết sạch bọn chúng, trả thù cho cha mẹ, cho những người đã bị chúng giết, giành lại giang sơn này. Minh Không ạ, ta ước chi có một sức mạnh của hùm beo! Lúc này đây trong ta chỉ còn khao khát một điều: giết chúng!” [59; tr.252]. Vậy là trong quan niệm về sự trả thù, về ý nghĩa cuộc sống của hai người bạn đã có sự đối lập nhau. Một đằng hướng thiện còn đằng kia muốn dùng bạo lực để trả thù và đạt được quyền lực. Nhưng theo quy luật cuộc đời, để có quyền lực thì người ta phải trả giá rất nhiều, mất mạng hoặc đánh mất mình. Trong hoàn cảnh bị bao vây, giữa rừng hoang đói rét, bị thương, Từ Đạo Hạnh lại càng khao khát thoát khỏi thế bị động nhục nhã. Đạo Hạnh thậm chí muốn treo cổ con tin đã bắt được là bà già vú nuôi của Lữ Thúc - tên tướng của triều đình nhằm bắt hắn lui binh. Còn Minh Không lại thả bà già, lấy điều nhân nghĩa để thu phục lòng người, kể cả kẻ thù, khiến cho quân giặc tự rút lui. Minh Không có lòng tin vào việc thiện và lòng tin của chàng đã thành sự thực: Lữ Thúc

lui binh. Mọi hành xử của Minh Không đều có sự dẫn dắt của trái tim còn Đạo Hạnh với thù nhà nợ nước cộng thêm tham vọng đã làm cho chàng mù quáng, không phân biệt được rõ ràng đúng - sai, thiện - ác. Từ sự đối lập trong quan niệm, suy nghĩ đã khiến họ có những quyết định khác hẳn nhau trong hành động.

Đặc biệt, Minh Không không uống vũng nước xanh của quỷ vì chàng hiểu được cái giá phải trả cho nó. Bởi không ai cho không ai cái gì, nhất là một sức mạnh cần thiết khi con người ta đang lâm vào bước đường cùng hiểm nguy. Minh Không ngăn Đạo Hạnh là muốn ngăn lại mầm mống tai hoạ của sự sai lầm. Nhưng Đạo Hạnh chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Những ý nghĩ mù quáng đã làm cho đầu óc Đạo Hạnh trở nên đen tối. Sự căng thẳng trong tâm lý của độc giả không thể xoá tan khi mức độ, tính chất độc ác trong hành động của Từ Đạo Hạnh càng ngày càng đáng sợ. Chứng kiến tất cả, Minh Không cuối cùng đã ra đi để được sống theo cách của mình ở nơi không có hận thù đổ máu và cũng là bảo toàn cho hạnh phúc của Thảo và Đạo Hạnh. Đó là sự hi sinh cao thượng đáng trân trọng của một con người luôn hướng thiện và muốn điều tốt lành đến với những người chàng yêu quý. Dù tu hành, xa lánh bụi trần nhưng Minh Không vẫn không quên lời hứa với Thảo bởi “Cao hơn mọi hận thù, là tấm lòng tôi với Thảo” [59, tr247]. Tình cảm đó đã chuyển hoá thành một giá trị cao đẹp đầy tính nhân văn.

Đến khi chiến thắng trở về Đạo Hạnh và Thảo vẫn không quên người bạn năm xưa. Họ nhắc tới và coi Minh Không là bậc hiền nhân. Đạo Hạn muốn Minh Không trở về để giúp mình dựng nước. Kêu gọi không được, Đạo Hạnh đã dùng lửa đốt rừng để mời bạn ra, một cách mời quá táo tợn và nguy hiểm. Đạo Hạnh luôn tự đẩy mình đến cao trào căng thẳng của xúc cảm và sự lựa chọn một mất một còn. Dục vọng đã che mắt và làm mờ lí trí, làm chàng quên đi những tình cảm đã có, đẩy Minh Không càng xa chàng và đi vào núi sâu hơn. Bạo lực và âm mưu phải bó tay trước cách sống của Minh Không để nhận về sự ân hận giày vò khi tưởng Minh Không đã bị chết cháy. Lời Thảo đớn đau trách móc cũng không đủ sức mạnh kêu gọi sự thức tỉnh lương tri của Đạo Hạnh: “Chàng mời bạn ra, mà lại mời bằng lửa. Chàng đã quen với lửa máu mất rồi. Lúc bình yên mà chàng vẫn mang lửa ác ra để thu phục lòng người” [59; tr.264-265]. Xung đột kịch đầu tiên đã kết thúc khi Đạo Hạnh lên ngôi báu. Nỗi đau để lại như một vết đen. Cái ác đã thành tính cách, bản chất ngấm vào máu như thứ vi rút của bệnh dịch. Nhưng bản thân chàng thì không nhận thức được việc mình làm, không hiểu được tác động tiêu cực tới tình cảm của người khác. Chàng không chỉ làm kẻ thù bạt vía mà với người thân, bạn bè, Đạo Hạnh cũng dần trở nên xa lạ đáng sợ. Có vẻ như mọi người đang chờ một điều gì đó xảy ra để thay đổi một con người.

Đạo Hạnh không nghe lời tâu trung thực của Lê Dũng, chỉ xuôi tai với lời lừa gạt bịp bợm “đất nước vẫn bình yên” của Hoàng Địch và Trang Tỵ. Vì quá lệ thuộc vào quyền lực mà Đạo Hạnh luôn mệt mỏi, căng thẳng: "Mắt bệ hạ lúc nào cũng quắc lên với những cơn giận dữ, những sắc chỉ, quân lệnh, hình phạt… Không nên như thế đâu, thưa bệ hạ…"[59; tr.66-267]. Lời của Thảo như ánh sáng của chân lý soi rõ động cơ, mục đích cao đẹp cũng như cách thức cần làm với dân, với nước của một ông vua. Những lời khuyên ấy thật ấm áp, chân tình, đầy cảm thông, chia sẻ với tấm lòng dịu dàng, giàu đức hi sinh nhẫn nhịn. Nhưng Đạo Hạnh lại làm ngược lại hoàn toàn. Chàng chỉ luôn bảo vệ ngai vàng: “Ta ngồi trên ngôi báu này, không phải để thương xót. Những ai làm vướng bước ta đi, phải bị gạt bỏ!” [59; tr272]. Khi nằm trong tay kẻ ác, quyền lực đã thành một công cụ đa năng, có thể thực thi tất cả những gì nó muốn. Không có một lực cản nào ngăn lại được, nhất là tình cảm, tình thương càng phải là đối tượng để nó vùi dập. Thế nên, Đạo Hạnh không ngần ngại ra lệnh chặt chân tay ba tên trộm trâu và chém đầu ông già La Hầu hiền lành, đức độ, vốn là giám quan trong triều vua trước. Mặc dù Thảo đã ra sức van xin. Đạo Hạnh trở thành kẻ sát nhân bệnh hoạn, không khác gì cầm thú. Bởi chỉ có cầm thú mới ăn thịt và giết hại lẫn nhau. Điều gì đến ắt phải đến. Đỉnh cao của xung đột xảy ra khi ngày nguyệt tận kề bên và nhà vua phải trả giá cho những gì đạt được từ sức mạnh vay mượn năm nào và vì lòng độc ác không giới hạn như hùm beo của mình - vua bị biến thành hổ dữ. Sự kiện này gây sốc cho tất cả những người xung quanh nhưng không có gì lạ với tể tướng Hoàng Địch. Hắn chính là con Bạch Hổ thành tinh rừng Na Lương, đã len lỏi vào triều đình, đội lốt người để tiến dần đến mục đích thành người. Sự trao đổi, cái giá phải trả diễn ra ngấm ngầm mà vua không biết. Nỗi đau đớn ghê gớm hành hạ thể xác và giày vò tâm can nhà Vua. Vua biến thành hổ khiến cho Lê Dũng bị giết, chú hầu Giáp trung hậu không còn, Thảo và các con phải ra đi để tìm cách cứu vua. Nếu như biết lắng nghe, biết tự ý thức và đừng tham vọng quá nhiều thì Đạo Hạnh đã luôn là mình chứ không hóa thành hổ dữ, không bị cái ác quay lại lợi dụng và phản công. Cuối cùng chỉ có tình bạn cao đẹp của Nguyễn Minh Không và tình yêu cao cả của Thảo mới cứu được Từ Đạo Hạnh.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 84 - 86)