Xung đột giữa cái thật và cái giả

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 81 - 84)

Xung đột giữa cái thật và cái giả biểu hiện rõ nét trong vở kịchLời nói dối cuối cùng. Ngay từ cảnh 1, Cuội đã được giới thiệu qua lời đối thoại giữa những người đi chợ và Lụa, bạn Lụa, rằng đó là: “Cái thằng dối trá lừa đảo khét tiếng… Nó ranh mãnh xảo quyệt lắm. Phải dè chừng!” [58; tr.106]. Nhưng bộ mặt “đẹp trai, sáng sủa” của Cuội không cho thấy một dấu hiệu gì thể hiện điều mà mọi người vẫn nói, không đủ sức thuyết phục để khẳng định dối trá là bản chất của Cuội. Khi làm quen với Lụa và thử thái độ của cô, dù chưa cho biết mình là ai nhưng Cuội đã thanh minh cho sự dối trá của mình. Chứng tỏ trong bản chất, Cuội cũng muốn mình tốt và đẹp trong mắt mọi người, muốn được mọi người, nhất là một người đáng yêu đáng quý như Lụa hiểu và thông cảm. Thế nên khi biết Lụa ghét cay, ghét đắng, ghê tởm, rẻ khinh mình thì Cuội liền nói: “Cô đã gặp Cuội bao giờ đâu mà vội… Kiêu hãnh dễ mang vạ vào thân đấy cô Lụa ạ”[59; tr.113]. Có vẻ như sự dối trá của Cuội là “có vấn đề”, chỉ là cái bên ngoài, bề nổi. Căn nguyên được rõ hơn khi Cuội tâm sự cùng Bờm, Cuội công kích Bờm là "Thân to, nhưng cái đầu thì thật thà, dại dột, không biết nghĩ ngợi thiệt hơn…"[59; tr.114]. Đó là điều dễ hiểu, phù hợp với tâm lý của một người đã đi qua cái chân thật đầu đời ấy. Cuội nhận ra bản thân mình ngày xưa qua Bờm nhưng ngay lập tức đã tỏ rõ khả năng tự vệ bằng tư tưởng: "Kẻ quyền thế có cách của họ, thì mình cũng phải có cách của mình… trước tôi cũng như anh, cũng ngay thật, chất phác như anh, đâm ra bị họ khinh rẻ, lừa gạt, cướp đoạt, đến cái áo cũng chẳng có mặc"[59; tr.114-115]. Và Cuội đã chọn cách sống bằng sự dối lừa, có tính toán. Thực ra Cuội chỉ muốn giúp mình và những người lương thiện, muốn phản kháng lại giai cấp thống trị và sức mạnh của quyền lực nhưng phương thức của Cuội đã sai lầm ngay từ đầu. Không thể có hạnh phúc nào là thật nếu chúng được xây dựng trên bọt biển giả dối lừa gạt.

Cuội đã lừa gạt Lụa bằng cách tỏ tình thay cho công tử Lãn với “những lời chân thành tha thiết tự đáy lòng”, với tiếng sáo tha thiết trầm bổng. Bởi thực ra Cuội cũng đã mến Lụa từ lần gặp đầu tiên nên việc Cuội đóng kịch sẽ đạt được hai mục đích: tỏ được nỗi lòng của mình với Lụa mà không ai biết và giúp được công tử Lãn. Vì trả nợ cho mẹ và cũng vì nhầm tưởng công tử Lãn là người có hiểu biết, Lụa đành nhắm mắt đưa chân lấy chồng trong đau khổ, tuyệt vọng. Hiểu được nguồn cơn và vốn yêu Lụa, Cuội lại giúp Lụa và cũng là giúp mình, gỡ rối cho tình huống mà có sự tham gia, đạo diễn của Cuội ngay từ đầu. Trong hành động gian dối của Cuội đã có hai nạn nhân bắt buộc phải nhập cuộc, bị kéo đi theo sức mạnh ghê gớm của mưu đồ lừa đảo đó là Lụa và Bờm. Dẫu động cơ là tốt, muốn giải phóng

cho Lụa, ra tay nghĩa hiệp, nhưng liệu kết quả có như Cuội mong muốn? Vì muốn cứu Bờm khỏi tay công tử Lãn, Cuội đã tung tin nói dối “chú ăn cắp vàng bạc nhà lão Lãn và trốn đi mất” [59; tr.129] để chú không còn đường về. Vì muốn cứu Lụa khỏi đám cưới với công tử Lãn do chính sự bịp bợm của mình gây ra, Cuội giả làm Thành hoàng làng. Khi nhận ra Cuội, biết rằng chính Cuội đã lừa mình bởi lời nói ngọt và tiếng sáo tha thiết Lụa đã nặng lời mắng chửi, nguyền rủa Cuội: “Tên lừa bịp”, “…lũ dối trá, lũ đốn mạt”, “Thật táng tận…” [59; tr.128]. Lâm vào tình thế bất đắc dĩ, Lụa và Bờm đành buông xuôi đi theo Cuội. Tình yêu, lòng tốt của Cuội ngày càng trở nên mù quáng và xa rời bản chất ban đầu. Không muốn những người đi theo mình bị đói, Cuội nỡ cướp cả bánh đa, bánh gai của Nha và Nhai - những cậu bé còn khốn khổ hơn mình. Cướp của người này để cứu cuộc sống của người khác và chính mình. Kẻ nói dối thành kẻ cướp và luôn biện minh cho hành động của mình. Thật nguy hiểm khi Cuội lấy bộ mặt thật để che đậy cho sự giả dối, lấy cái thật làm phương tiện lừa bịp.

Cái giả dối tràn ngập và bao trùm khắp nơi. Càng nơi cao sang thì giả dối càng nhiều, càng trở nên quen thuộc. Tất cả đều vì miếng cơm, manh áo, vì lợi ích riêng mà quên đi, chà đạp lên cái nhân bản. Động cơ của Cuội thì chúng ta đã hiểu. Nhưng phương tiện, cách thức để thực hiện cho mục đích thì thật khó chấp nhận. Cảm xúc hình tượng này gợi lên trong lòng độc giả thật phức tạp. Một điều chúng ta cần chú ý, đó là đối tượng mà Cuội hướng tới để lừa bịp và leo lên chiếc thang danh vọng, chủ yếu là ở tầng lớp trên, thuộc giai cấp thống trị đầy thủ đoạn xấu xa. Họ cũng lừa dối nhau để giữ vững địa vị của mình. Cuội đúng là đã "bán trời không văn tự", buôn Vua để kiếm lời, cũng là một cách chửi vào mặt bọn bù nhìn ngu ngốc (hoặc cố tình tỏ ra ngu ngốc). Cuội lợi dụng môi trường trong cung để giật dây Vua và bọn quần thần. Ở một góc độ khác Cuội đã cho mọi người hiểu được bản chất thật của ông Vua bà Chúa nơi cung cấm. Nhân cách của họ đối lập với quyền lực, quyền lợi mà họ được hưởng.

Thậm chíCuội yêu Lụa mà vẫn có thể nói với quận chúa Kim Hoa những lời có cánh. Cuội thấy ngượng với chính lời nói giả dối và càng bối rối khi biết Lụa đang chứng kiến việc làm của mình. Đến như tình cảm còn bịp bợm được thì dĩ nhiên Cuội có thể làm mọi việc tồi tệ hơn để đạt được mục đích. Cuội để cho những xung đột nảy sinh và lại ra sức tính toán, giải quyết. Cuội điều khiển để Vua làm lễ lên ngôi cho hoàng nam (Nha), khiến cho ngự y cũ bị giáng chức và Cuội thay vào vị trí đó mà không hề thấy phân vân. Lời nói giả dối, hành động bịp bợm của Cuội đã triệt tiêu quyền lợi của những kẻ đáng bị trừng trị nhưng cũng làm mất đi quyền

tự do của những người vô tội. Cao trào của xung đột kịch xảy ra khi Vua gả Kim Hoa cho Cuội, Nha đòi về nhà và bỏ trốn, bọn tay chân của công tử Lãn đang đến gần, anh Điền không muốn lừa gạt chính mình, không muốn sỉ nhục tiếng đàn của mình cũng đã ra đi, Sim (hầu gái của Kim Hoa) đòi yêu Nam Trang tài nhân (là Lụa đóng giả) và Lụa, người mà Cuội đã làm tất cả vì cô cũng đã có quyết định cho riêng mình. Cô không hề lưu luyến chốn kinh thành giả dối nữa, cô trở về quê hương khi mẹ không còn. Lụa ra đi và để lại cho Cuội lời khuyên: hãy bỏ đi những lời nói dối. Đến như Bờm cũng nhận ra: bản thân mình không thể thuộc về nơi này. Tất cả người tốt, người có thể hiểu Cuội đã phải ra đi, không thể đồng lõa với Cuội. Đó là cái giá mà Cuội phải trả nhưng cũng là cơ hội để Cuội đốn ngộ, giật mình thức tỉnh. Giờ đây còn lại một mình cô đơn, Cuội mới thấm thía cái giá của cuộc đời, của những lời dối trá. Bản chất chất phác, thành thật chưa mất đi trong con người Cuội nhưng nó đã chìm sâu và nằm im dưới sức nặng đã thành thói quen, kỹ xảo của những lời nói dối. Cuội dối trá với ai và để làm gì nữa. Người mình yêu quý ra đi, để lại khoảng trống nhưng là khoảng trống cần thiết để con người tự ý thức được mình.

Lụa và những người khác đã hiểu cái giá của sự dối trá và quyết đấu tranh cho con đường, cho lẽ sống mà mình lựa chọn. Họ không trượt dài như Cuội. Dẫu động cơ tốt thì cách thức của Cuội cũng không đủ sức mạnh để biện minh cho việc Cuội làm. Nếu tất cả đều dối trá như Cuội thì xã hội sẽ đến đâu? “Tai hoạ nằm trong những lời nói dối”và tai hoạ ấy đang hiển hiện trước mắt Cuội. Không biết không có tội nhưng biết rồi mà vẫn làm thì phải trừng phạt như thế nào? Chỉ có lương tâm mới đủ quyền năng phán xét. Cuội thảng thốt kêu lên trong đau đớn, bế tắc: “Không! Lụa ơi! Bờm ơi! Nghe tôi nói thật! Cho tôi được nói thật… Muộn quá rồi… Tất cả đã đi… Không ai cần mày, mày không làm được gì cho ai… Ở trên đời, có ai khổ như mày không thằng Cuội?” [59; tr.177-178]. Sự thức tỉnh dẫu hơi muộn màng nhưng có còn hơn không. Có lẽ đây là “lời nói dối cuối cùng, câu chuyện dối trá cuối cùng của chú Cuội” như cách mà Cuội tự nhủ với lòng ở đoạn cuối của vở kịch. Lời Cuội thốt lên đánh dấu cho sự chấm dứt của lọc lừa và sự bắt đầu trở lại của nhân cách lương tri. "Cuối cùng”, đó là sự tự ý thức về một giới hạn, là không thể vượt ngưỡng. Sống quá lâu trong dối trá giờ đây Cuội mới thực sự hiểu được giá trị của tấm lòng chân thật. Chú Cuội đáng giận nhưng cũng đáng thương, đáng quý biết bao.

Xung đột thật - giả chính là cuộc chiến còn mất, có sự tham gia của mọi tầng lớp, hạng người. Không thể phủ nhận, những gì thuộc về đồng ruộng quê hương

luôn là nơi xuất phát và trở về của những giá trị tốt đẹp; còn chốn kinh thành phồn hoa dẫu có giàu sang cũng khó giữ mình. Nhận thức được điều đó thì con người ta sẽ giữ được bản thân.“Từ giã những điều gian dối/Ta về với đồng ruộng quê hương…” [59; tr.181]. Cuội đã cải tử hoàn sinh, không phải bằng thuốc quí mà bằng ánh sáng của tấm lòng chân thật.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w