Tình yêu, hạnh phúc là khao khát chính đáng của muôn người, muôn đời. Nhưng đôi khi dẫu đã tìm thấy tình yêu đích thực, tìm thấy bến bờ của hạnh phúc lại là lúc con người ta nhận thức ra một thực tế vô vàn cay đắng, phũ phàng. Sự tích Đá/Hòn vọng phulà một tích truyện dân gian chứa đựng những nghịch lí như thế. Nó là nguồn cảm hứng để tác giả Lưu Quang Vũ viết vở kịch Linh hồn của đá.Tình yêu của hai nhân vật chính Vịnh và Thanh trong vở kịch thật đẹp biết bao! Nếu tính luôn cả 3 năm Thanh chờ đợi Vịnh trong khói lửa chiến tranh thì họ đã yêu nhau ngót 13 năm. 13 năm hạnh phúc đong đầy, kết quả tình yêu ấy là bé Tâm đã chào đời. Song tạo hóa thật trớ trêu, ai dám ngờ vợ chồng lại là anh em ruột. Khi sự thật được phơi bày cũng là lúc tình yêu rơi vào ngõ cụt. Bởi tình yêu ấy trái với luân thường đạo lý con người.
Trong cơn đau khổ cùng cực, Vịnh trong Linh hồn của đá khủng hoảng tinh thần và không biết mình phải làm gì, phải nói gì cho Thanh hiểu khi anh phát hiện sự thật: mình lấy em gái. Điều đó đã thành bí mật không thể tiết lộ, không thể vì nó mà làm người thân thêm đau đớn, khó xử. Mỗi lời Vịnh nói với Thanh càng khiến anh tan nát cõi lòng. Anh rơi vào hoàn cảnh quá trớ trêu, tưởng như không còn nỗi bất hạnh nào đáng sợ hơn thế. Cho nên, lời anh nói không thể coi là bi quan mà nó là sự giải tỏa, là căm hờn, uất ức, tủi nhục không biết trách ai. Phải chăng anh đang nói với chính mình: “Nhưng có những chuyện không thể qua… chính đời ta là bọt sóng, còn nỗi khổ đau vô tận mới thật là bờ…” [59; tr.225]. Dư âm vở kịch sẽ cho mỗi người câu trả lời về sự đúng sai của lời Vịnh nói.Quả thật, nỗi đau cũng không thể nguôi ngoai, chấm dứt khi cuối vở kịch tác giả lại để cho Vịnh – một cụ già lạc lối về lại chốn xưa tận mắt chứng kiên cảnh hóa đá của vợ con: “chuyện xảy ra đâu từ ba mươi năm trước… Bà Thanh có người chồng tự dưng bỏ đi ra biển. Bà ngày ngày dắt con lên mỏm đá chờ chồng, suốt tháng suốt năm ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đứng ngóng về phía biển… Rồi một đêm sấm chớp… Sáng dậy người ta thấy mẹ con bà đã hóa thành đá. Kia, người vùng này gọi là đá vọng phu”[59; tr.235]. Lời tường thuật tỉ mỉ, vô tình của anh con trai nơi xóm Đá khiến ông già
quặn thắt cõi lòng: “Trời ơi!”, “Ông già loạng choạng đến dưới chân tượng đá, từ từ qụy xuống” [59; tr.235]. Giá như không có sự xô đẩy của dòng đời, không có cảnh phân li, loạn lạc của chiến tranh. Giá như và giá như...
Đặt tuyển tập kịch Nàng Sita trong tương quan với các tích truyện dân gian, chúng ta đã nhận thấy rõ những cách tân, sáng tạo của Lưu Quang Vũ. Tác giả hoàn toàn không phụ thuộc hay khai thác tất cả những gì sẵn có mà chủ động cải biến
tích xưa để nó phù hợp với cách nhìn, tư tưởng của mình cũng như của thời đại. Điều đó góp phần tạo nên tính dân tộc và hiện đại trong kịch Lưu Quang Vũ. Những xung đột được gợi mở từ tích truyện cổ qua ngòi bút Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ khả năng hiện đại hoá những vấn đề trong quá khứ cũng như khẳng định con đường đến với hiện thực của kịch tác gia qua những xung đột là con đường ngắn nhất, đòi hỏi sự tập trung cao độ tài năng, tâm huyết người nghệ sĩ. Xung đột trong tập kịch
Nàng Sita là xung đột về quan niệm sống, lý tưởng, tình yêu, hạnh phúc, trách nhiệm… Nó chủ yếu diễn ra trong sự tự ý thức, trong nội tâm, nhân vật nên không phải lúc nào cũng cần đến bạo lực cách mạng hay một cái kết một mất một còn. Cái nhìn của Lưu Quang Vũ với các mặt đối lập của những xung đột luôn tỏ ra khách quan, toàn diện và nhân đạo. Điều này cho thấy trong nhân sinh quan, tác giả rất coi trọng giá trị tinh thần, tâm hồn, cuộc sống bên trong của con người.