Biến đổiđộng cơ hoạt động của nhân vật chính 1 Biến đổi động cơxuất phát từ hoàn cảnh sống

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 52 - 56)

Khi viết lại truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã biến đổi động cơ hoạt động của Trương Ba. Lúc còn sống, Trương Ba không hoàn toàn đối lập với cuộc đời, dù cuộc đời có nhiều cái xấu.Trương Ba biện minh, thông cảm cho cuộc đời và tự tìm thú vui, tự giữ mình bằng thú đánh cờ. Ông hoà nhập nhưng không hoà tan. Ông vẫn sống và không ngừng đấu tranh bền bỉ theo cách

riêng của mình để chống lại cái xấu, cái giả dối. Ông chỉ giữ những gì thuộc về mình, những gì góp phần hun đúc cho nhân cách cao đẹp. Thế nhưng từ khi được tái sinh trong thân xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba bị ngả nghiêng, xô lệch trên lằn ranh nhân cách. Linh hồn ấy hẳn nhiên không còn thánh thiện, cao khiết và cảm thấy thanh thản, yên vui trong hoàn cảnh sống mới với cả một tương lai tươi sáng rộng mở trước mắt như cái cách mà người đọc suy nghĩ ứng với câu chuyện trong hạ bản – kết thúc có hậu. Hồn Trương Ba giờ đây bị giằng xé giữa một bên là sự tha hóa đang bủa vây dần dần, chậm rãi nhưng vô cùng mạnh mẽ đến từ xác thân kềnh càng, cộc cằn, thô lỗ và một bên là khát khao nâng niu, gìn giữ, bảo vệ chiều sâu phẩm giá được vun đắp bấy lâu nay. Hồn Trương Ba kiên quyết muốn phản kháng, chống đối, bất tuân sự lệ thuộc vào thể xác nhưng càng vùng vẫy càng bị vòng vây oan trái thít chặt không lối thoát. Giá như linh hồn buông xuôi, phó mặc cho sự đưa đẩy của số phận hẳn nó đã không ngậm ngùi, dằn vặt, đớn đau đến thế. Sự sống của Hồn Trương Ba phải trả giá bằng chính nhân phẩm/đạo đức của Trương Ba, niềm hạnh phúc của người thân, sự ấm êm của gia đình… Có ai được lợi chăng? “Họa chăng chỉ có lão lý trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc”[59; tr.93].

Cái xác hàng thịt chính là một môi trường không phù hợp cho sự bảo toàn vẻ đẹp nhân cách, tinh thần của Trương Ba. Nó đối lập với môi trường - thân xác trước đây của ông. Con người vốn sống với lẽ sống cao nhất là tình thương yêu, giờ đây lại đang đối mặt với bi kịch tình thương của mình. Càng khủng khiếp hơn khi ông cũng tự nhận thấy sự thay đổi tiêu cực của linh hồn mình. Không có ai chia sẻ, không có ai hiểu cho hoàn cảnh và nỗi khổ của ông. Tấm lòng chân thành của cô con dâu cũng chỉ như giọt nước làm tràn ly nước đau khổ của cuộc đời Trương Ba. Ông cô đơn, bị động, không có quyền gì trong chính cuộc sống, gia đình, làng xóm của mình. Khi biết mình vừa được cải tử hoàn sinh, Hồn Trương Ba đã vui mừng biết bao. Nhưng sau những gì đã và đang trải qua, điều làm Hồn Trương Ba thấy đáng sợ hơn cả cái chết, đó là lẽ sống cao đẹp đang bị nỗi sợ chết, bản năng sống khuất phục.Hồn Trương Ba lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Đấu tranh nội tâm đã nổ ra như kết quả tất yếu của tâm lý con người. Cô đơn, lạc lõng khiến cho Hồn Trương Ba không thể tìm thấy ý nghĩa, niềm vui cuộc sống. Chính trong giây phút đó, ông mới đốn ngộ và hiểu được giá trị tự do, thanh thản trong cuộc sống trước đây. Thế nên, Hồn Trương Ba kiên quyết chấp nhận cái chết. Vì bi kịch xung đột giữa linh hồn và thể xác không thể được giải quyết theo đúng cái cách đã tạo ra bi kịch. Hồn Trương Ba chấp nhận “chết hẳn” để cõi đời này sẽ mãi mãi không còn một cái vật quái gỡ mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bởi “có những cái sai không sửa được.

Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”[59; tr.92-93]. Quyết định xảy đến tức thời, chóng vánh, bất ngờ nhưng hoàn toàn tự giác, chủ động. Nó thể hiện một chiến thắng thuyết phục của lòng can đảm, của khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Thiết nghĩ, sự sống là đáng quý nhưng không vì thế mà ta có thể sống bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn, luân thường, đạo lý. Việc Lưu Quang Vũ biến đổi động cơ hành động

của nhân vật Trương Ba đã khiến chân dung nhân vật hiện lên cụ thể, sinh động. Đặc biệt, chính những mâu thuẫn, giằng xé sâu thẳm nơi tâm hồn làm cho Trương Ba trở nên gần gũi hơn với mỗi cá thể người trong đời sống hiện thực chứ không còn chỉ mang tính chức năng như nhân vật trong truyện cổ tích.

Hay khi viết lại truyện cổ tích Nói dối như Cuội, Lưu Quang Vũ đã biến đổi động cơ hoạt động của Cuội. Trong câu chuyện dân gian, Cuội là một đứa trẻ mồ côi sống nhời sự cưu mang của chú thím. Cuội lừa gạt chú thím và những người xung quanh: lão trọc phú, thằng hủi, viên quan thậm chí sau này là vị vua và cả triều đình chỉ đơn giản xuất phát từ thú vui và những nhu cầu ích kỉ của cá nhân. Thậm chí, sự lừa gạt đó còn đẩy những người vô tội vào cái chết (chú thím Cuội, thằng hủi). Cuội không chỉ gian dối mà còn rất bất nhân. Tuy nhiên, trong vở kịch Lời nói dối cuối cùng, Cuội là một người biết thổi sáo, làm thơ rất hay và có tình cảm chân thành với cô Lụa. Nhưng Cuội cũng chính là kẻ chuyên bày trò với tính cách tinh quái và dối trá. Cuội nhận lời giúp Công tử Lãn đần độn, ngốc nghếch bày tỏ tình cảm với cô Lụa bằng tiếng sáo và những lời có cánh. Mỗi lần đứng đằng sau bóng Công tử Lãn để thổi sáo, làm thơ cho Lụa, là mỗi lần Cuội bày tỏ bằng tiếng lòng chân thật và sâu thẳm trong tim mình. Nhưng cách làm đó khiến cô Lụa nhầm lẫn, đẩy Lụa đến đám cưới với Công tử Lãng. Rồi Cuội, bằng sự tinh quái, tài nói dối, đã cứu cô Lụa ra khỏi cuộc hôn nhân không mong muốn. Họ rời đến một miền đất khác sinh sống. Cuội tiếp tục dùng tài nói dối của mình để cố thay đổi cuộc đời của mình và những người xung quanh nhưng kết cục lại khiến mọi sự rối loạn, cái danh – cái thực lẫn lộn vào nhau. Cho đến cuối vở kịch, Cuội mới nhận ra và đau khổ bởi chính sự dối trá của mình. Ngày xưa Cuội cũng hiền lành, chân chất, thật thà như Bờm vậy nhưng chính cuộc đời bất công đã thay đổi bản chất của Cuội. Chính vóc dáng vóc thư sinh, cốt cách hào hoa, phong nhã càng là một vỏ bọc hoàn hào cho Cuội.

Cuội không hẳn là kẻ xấu. Như Cuội đã nói với Lụa ngay khi lần gặp đầu, đừng đánh giá con người khi chưa hiểu về họ; như Lụa đã thừa nhận vào phút cuối khi chia tay với Cuội bỏ chốn kinh kỳ về quê: Cuội là một người tốt, bản chất là tốt. Cuội trong đời mình đã luôn biết nghĩ cho mọi người, hiểu được nỗi thống khổ của

Lụa và yêu Lụa; hiểu được nỗi thống khổ của Bờm và giúp Bờm để giành được tự do cho mình; hiểu được nỗi thống khổ của muôn dân để yêu cầu nhà vua phải “khoan thuế”, khuyến khích văn học, âm nhạc… Nhưng những việc làm tốt ấy được thực hiện sai phương pháp: tất cả đều dùng cách lừa đảo, gian dối để đạt được. Như lời nói từ đáy lòng của Lụa: không ai muốn nhận những việc tốt được thực hiện bằng cách xấu xa. Và cũng bởi, nói dối mãi thành quen, đeo mặt nạ mãi rồi mặt nạ cũng thành mặt thật; nên Cuội từ chỗ là chàng trai trong sáng, có tâm hồn, có tiếng sáo và sự sẻ chia khiến Lụa phải rung động (qua hình hài của Công tử Lãn); cuối cùng “ngày nối ngày dối gian một tí…” đã tự đồng hóa mình thành một kẻ xấu như những kẻ xấu trong triều kia…Những người xung quanh không thể hiểu bản chất, càng không thể thông cảm mà tha thứ cho hành động của Cuội. Họ xa lánh và khinh bỉ kẻ nói dối. Cuội càng dễ dàng đạt được mục đích thì càng cô đơn. Những việc Cuội làm sau này vì Lụa, vì người duy nhất hiểu Cuội và Cuội yêu thương cũng không níu giữ được bước chân cô.Chỉ khi những con người chân chất ra đi, còn lại quanh mình là một số đông dối trá, Cuội mới hiểu được giá trị của việc làm người, sống cuộc đời thực sự của một con người. Cuội mới hiểu ra, có những điều còn đáng giá hơn gấp trăm lần, ngàn lần tiền bạc, danh vọng: Đó là nhân phẩm con người, là sự thật thà trung thực, là sống đúng bản chất của mình - một anh lực điền như Bờm, một cô gái dệt lụa tài hoa như Lụa.

Tại sao phải đến khi mất mát, đến khi trắng tay hoàn toàn, người ta mới tỉnh ngộ, mới thấu hiểu được sự cô đơn? Cuội cô đơn vì việc Cuội làm trái với lẽ thường, với quy luật cuộc sống. Không phải sự hối hận nào, sự quay lại nào cũng tìm được đường về. Cuội loay hoay với sự cô đơn, với những hậu quả và nhận ra: “Lụa, tôi không thể ở lại một mình. Tôi không thể sống không có Lụa, không thể sống với điều gian dối… Tôi muốn được nhìn thấy em, ở bên em... Lụa!” [59; tr.180]. Lời thét gào của Cuội rơi vào mênh mang sông nước. Mong muốn được bên Lụa, nghĩa là Cuội muốn gần những gì tốt đẹp, yêu thương, muốn trở về với chính mình. Vì khi ở trong yêu thương, người ta chắc chắn sẽ không còn cô đơn. Hình ảnh Cuội đứng một mình trước im lặng và giữa cô đơn gợi lên sự đáng thương, tội nghiệp của một kiếp người lầm lỡ. Ai còn nghe lời nói của Cuội, ai còn tin lời Cuội nói? Chính Cuội bằng lời dối trá trở thành thói quen đã dựng bức tường thành cô đơn, cô độc; tự tước đi quyền được tôn trọng, được yêu quý của mọi người đối với mình. Xấu - tốt không thể ở chung, vấn đề chỉ là thời gian. Và kết quả cuối cùng, Bờm đã về quê, Lụa đã về quê, cậu bé Nha đã trốn về với thầy u, nghệ nhân đàn nguyệt đã về với kiếp phong lưu ngày ngày chơi đàn ngoài chợ… Nên Cuội chắc

cũng sẽ về thôi, về lại với quê, với những người dân hiền lành, chân chất, nhưng gắn bó yêu thương. Bởi nơi sâu thẳm tâm hồn, Cuội vẫn là một chàng Cuội tốt đẹp. Cuội làm tất cả những việc dối gian suy cho cùng đều xuất phát từ lòng tốt, từ sự lương thiện…

Với việc biến đổi động cơ hoạt động của nhân vật Cuội, kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã thể hiện sâu sắc quan niệm nghệ thuật về con người cũng như khả năng xây dựng hình tượng đa diện. Con người được đặt vào tình huống gay cấn, trở thành sản phẩm của hoàn cảnh và tự ý thức được hoàn cảnh rồi bằng sức mạnh bản thể hay nhờ vào tác động của khách quan mà vượt qua thử thách. Hình tượng nhân vật Cuội rơi vào trạng thái bi kịch tinh thần còn khẳng định sự sáng tạo vượt bậc của Lưu Quang Vũ từ cách xây dựng nhân vật trong tích truyện dân gian. Những đoạn độc thoại nội tâm của Cuội đã cho chúng ta thấy sự tinh tế, nhập tâm của ngòi bút Lưu Quang Vũ khi đi sâu vào tâm hồn con người. Vở kịch nhờ thế mang một thông điệp vô cùng mới mẻ và đậm chất thời sự: sự trung thực hay lòng tốt của con người phải được xây dựng trên cơ sở của chữ "chân", chứ không thể dùng sự xảo biện, dối trá để đạt được những mục đích tốt đẹp.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 52 - 56)

w