Bổ sung/thay đổi nhân vật chính

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 75 - 79)

Nhân vật trong tác phẩm là “đứa con tinh thần” mà nhà văn đã dày công sáng tạo, là kết quả của quá trình tích lũy, dồn tụ, thai nghén mà thành. Vì thế khi cải biến những cốt truyện dân gian thành kịch bản, Lưu Quang Vũ không chỉ biến đổi động cơ hoạt động của nhân vật chính hay cải tạo, đẩy mạnh vai trò của nhân vật

phụ mà còn bổ sung/thay đổi nhân vật chính khi cần thiết. Điều đó ít nhiều đã khẳng định sự sáng tạo và dụng ý nghệ thuật của tác giả họ Lưu.

Ở cốt truyện dân gian Nói dối như Cuội, Cuội là nhân vật trung tâm thâu tóm toàn bộ diễn biến của câu chuyện. Đến vở kịch Lời nói dối cuối cùng, Bờm mà đặc biệt là Lụa đã trở thành nhân vật chính song hành với Cuội.Bờm chân chất, thật thà bị công tử Lãn đối xử tệ bạc nhưng vẫn cúc cung tận tụy. Cho đến khi vướng vào sự “xếp đặt” của Cuội, Bờm đành phải thuận theo bao kế sách đầy gian dối. Bản chất Bờm thiện lương, ít ỏi là thế làm sao có thể thích nghi với môi trường đầy rẫy sự lừa lọc, mưu toan. Bờm càng ngày càng cảm thấy chán ngán, mệt mỏi. Cuối cùng quyết từ bỏ hoàng cung, từ bỏ nhung gấm lụa là để trở lại quê hương, đồng ruộng, tìm lại bản chất con người mình.Đặc biệt sự xuất hiện của nhân vật Lụa góp phần làm nảy sinh nhiều tình tiết mới cho vở kịch Lời nói dối cuối cùng. Cô Lụa trong sáng, hiền dịu, nết na, gỏi giang, hiếu thảo... Cô trở thành niềm mơ ước của bao người trong đó có công tử Lãn và Cuội. Cuộc sống của Lụa sẽ êm đềm biết bao nếu gia đình cô không quá nghèo, mẹ ít ốm đau. Cảm thông cho cảnh ngộ của Lụa, yêu thương Lụa thật lòng nên Cuội mới tìm đủ mọi cách để giúp đỡ. Nhưng rốt cuộc càng giúp càng rối rắm, càng bi kịch hơn... Trong vở kich, Lụa dường như đã trở thành đầu mối cho hàng loạt những sai lầm của Cuội. Lụa bị cuốn vào vòng xoáy dối trá dẫu vô tình. Hơn ai hết Lụa thấy nhân cách mình bị tổn thương. Cũng giống như Bờm cô quyết rời bỏ Cuội, rời bỏ chốn hoàng cung tuy xa hoa, tráng lệ nhưng bản chất mục ruỗng, thối nátđể tìm lại chính mình.

Trong vở kịch Linh hồn của đá, Vịnh trở thành nhân vật chính song hành với Thanh. Vịnh mắc phải hai sai lầm lớn nhất: tội giết em và tội lấy em. Khi phát hiện ra sự thật phũ phàng, trước mặt Vịnh, trời đất quay cuồng, tất cả sụp đổ dưới chân anh. Kịch bản có 6 cảnh nhưng có đến 4 cảnh tập trung xoáy vào nỗi đau của người chồng/người anh. Đau hơn, vật vã hơn khi không biết chia sẻ cùng ai, anh chỉ biết kêu than cùng trời đất. Hiện thực ghê gớm khiến anh mất cân bằng. Quá khứ dồn dập ập về với bao nhiêu câu hỏi. Tuổi thơ hồn nhiên với sai lầm đáng tiếc đã chặn đứng cánh cửa trở về hiện tại. Anh phải đối diện với vợ con mình thế nào đây? Không thể nào khác, Vịnh tìm mọi cách xa lánh người thân và sống thu mình lại. Vịnh sống mà như chết nửa con người, nỗi đau quật ngã anh không còn sức gượng dậy. Trốn tránh sự thật, anh cố tình thay đổi, cố lao đầu vào những thú vui tầm thường, cố làm cho Thanh khinh ghét và rời xa mình. Cuộc đời này không có chốn cho anh dung thân. Không có sức mạnh quyền năng nào có thể cứu vớt Vịnh ra khỏi nỗi đau này. Nỗi đau càng hằn sâu vết thương khi không thể chia sẻ cùng ai. Sự thật

đồng nghĩa với bất hạnh đã hành hạ thể xác, tâm hồn Vịnh, biến thành vết thương đau nhói không thể liền da. Không thể để vợ con sống trong mặc cảm loạn luận, Vịnh quyết định giữ nỗi đau ấy cho riêng mình. Ra đi để được quên, để đối diện nỗi đau mà mình gây ra. Câu hỏi vì sao của Vịnh được kiến giải phần nào qua lời giải đáp của ông già Quỹ: “Cũng vì cõi đời loạn lạc phân li, vì binh lửa chia lìa. Cả tình anh em, nghĩa vợ chồng cũng không được yên ổn theo lẽ thường… lìa nhau đã khổ, mà gặp nhau lại càng khổ sở hãi hùng hơn. Tất cả đảo lộn, tan nát, quay cuồng… Làm người đất này sao mà cay cực!”[59; tr.228-229].

Trong vở kịchÔng vua hóa hổ, Nguyễn Minh Không và Thảo cũng trở thành nhân vật chính cùng Từ Đạo Hạnh. Có mối thù với quan quân triều đình (cha mẹ bị sát hại) nên Minh Không hiểu rằng cần phải trả thù, rửa thù bằng máu nhưng cũng nhận ra: sau tất cả những điều đó, cha mẹ không thể sống lại và bản thân cũng không thể là mình của ngày xưa. Minh Không thấy, chỉ có tấm lòng giữa con người với con người là cao hơn mọi hận thù. Minh Không hình như vẫn luôn hi vọng về một lối sống mà tấm lòng là phương thuốc cho mọi thứ bệnh, dù đó là bệnh nan y của hận thù thì cũng có thể hoá giải. Cho nên sau khi trở lại quê hương, Minh Không đã đến tìm người mình yêu quý nhất là Thảo để tâm sự, sẻ chia chứ không phải là đi trả thù ngay cho cha mẹ.Khi cùng Đạo Hạnh chiến đấu trong rừng sâu, Minh Không biết mình không phải là người sinh ra để cầm gươm giết người. Minh Không đặt tình người lên trên hết và muốn được sống theo cách riêng, theo đúng con người mình. Minh Không luôn suy nghĩ, dằn vặt, day dứt vì những việc mình đã làm và đang làm. Không như Đạo Hạnh vì dục vọng quyền lực mà sẵn sàng bất chấp mọi giá. Thế nên, ta cũng dễ hiểu khi Minh Không đã buông gươm và ra đi với tấm lòng cao thượng dù thù nhà còn dang dở, dù yêu Thảo tha thiết. Chàng dứt khoát lựa chọn con đường đi riêng bởi con người ta chỉ sống có ý nghĩa khi lương tâm thanh thản, trong sạch. Sự ra đi của Minh Không là hợp lý với tính cách và nhận thức của chàng về cuộc sống, về bản thân. Quyết định ấy đặt trong hoàn cảnh bấy giờ thực sáng suốt và đáng trân trọng. Thế nên, khi Đạo Hạnh đã ở ngôi chí tôn muốn vời chàng ra làm quan thì chàng vẫn kiên tâm đi theo lẽ sống của mình. Minh Không quyết chiến đấu chống lại “lửa ác” bằng chính niềm tin vào lẽ sống, sự kiên quyết của một con người biết mình sống bằng cái gì, vì cái gì. Trong suy nghĩ của Minh Không có cái cao đạo của kẻ muốn giữ mình trong sạch, không vướng bụi đời dâu bể đầy hận thù. Đó có phải là cách duy nhất để giữ mình và bớt cho đời sự hận thù không?

Sau 12 năm tu hành chốn rừng sâu, tưởng như tất cả đã an bài, số phận đã bằng lòng với ý muốn của Minh Không. Nhưng tiếng hát tìm người của Thảođã không cho chàng được tĩnh tâm và quên đi nghĩa vụ con người trần tục. Chàng đã thẳng thừng vạch rõ tội lỗi của Đạo Hạnh và từ chối lời đề nghị của Thảo. Tuy nhiên lý lẽ của Minh Không không đủ sức mạnh thuyết phục để cưỡng lại lời nói hợp tình hợp lý của Thảo: "Làm người một mình ư? Để làm gì? Để cho ai? Và có thực mãi mãi lánh xa tất cả được không? Có làm người thực sự được không, nếu dửng dưng với mọi niềm đau khổ?”[59; tr.300]. Lại một lần nữa Minh Không đốn ngộ và nhìn ra chân lý cuộc đời, ý nghĩa cuộc sống. Không ai có thể làm người khi chỉ tồn tại một mình. Nhờ có Thảo mà Minh Không lại hiểu thêm nhiều điều về con người, cuộc sống. Giả sử nếu Thảo không đến tìm thì chàng sẽ mãi tự bằng lòng với những gì mình đã có, đã nghĩ. Quả là những gì đã biết chỉ như giọt nước so với cả đại dương những gì chưa biết.Thực ra cốt lõi lẽ sống của Minh Không vẫn không hề thay đổi. Chỉ khác ở phương thức thực hiện lẽ sống đó mà thôi. Minh Không nhận ra tiếng nói, sức mạnh của tình bạn, tình yêu vẫn tồn tại trong trái tim mình. Rất nhiều nhận thức mang tính triết lý được Minh Không rút ra từ trải nghiệm cuộc đời. Minh Không trở về với đời để cứu đời. Bởi chàng chính là một phần của cuộc đời. Cuộc đời là nơi để chàng tôi rèn nhân cách.

Thảo người bạn thời ấu thơ của Minh Không lại yêu Đạo Hạnh tha thiết. Do đó, nàng đã từ chối tình yêu của Minh Không: “Em linh cảm thấy… em cần cho Đạo Hạnh hơn… Em không giống anh ấy, như vậy là em có thể giúp được chút bé mọn nào đó của lòng mình cho công việc hiểm nguy của anh ấy” [59; tr.258]. Thuở hàn vi của Đạo Hạnh nàng tình nguyện chia ngọt, sẻ bùi. Lúc Đạo Hạnh ở ngôi cao, Thảo tiếp tục san sẻ ưu phiền và không ít lần khuyên can để chàng khỏi lạc lối: “Nhưng thưa bệ hạ, thiếp có nghe… trong binh lính và dân chúng… có những tiếng kêu ca… kêu rằng: Đức vua quá hà khắc, trị nước bằng hình phạt nhiều hơn bằng nhân nghĩa ạ” [59; tr.266], "Càng trên ngôi cao lòng nhân càng phải lớn... Bệ hạ là nhà vua áo vải, mà lâu nay phải sống quá xa những người áo vải... Hãy nghe thiếp, bệ hạ hãy rời đây ra xóm mạc ít ngày, xem người đánh cá trên sông, hái dâu trên bãi nghĩ gì... Họ là gốc của mọi nghĩa lớn. Ta hãy cùng đi" [59; tr.266]. Chỉ tiếc rằng thú tính trong người Đạo Hạnh quá lớn. Để rồi khi nỗi lo lắng, bất an của Thảo thành hiện thực – đức vua hóa hổ, cô đã đơn chiếc xuyên núi, băng rừng tìm cho được Minh Không về cứu chồng.Cô sẵn sàng hy sinh vì sự sống của người mình yêu:"Chàng…sẽ… được làm người…" [59; tr.306]. Thật đau đớn, chua xót và cũng thật đáng phục biết bao cho niềm tin, sự hi sinh cao cả của Thảo.Thảo nói với chính

mình, cũng là nói với Đạo Hạnh, nói với mọi người. Đạo Hạnh đúng là "tình yêu và nỗi khổ" của Thảo.

Chính việc bổ sung/thay đổi nhân vật chính đã khiến ý nghĩa của những vở kịch: Lời nói dói cuối cùng, Linh hồn của đá hay Ông vua hóa hổ trong tuyển kịch

Nàng Sitakhác biệt đáng kể so với cốt truyện dân gian. Ý nghĩa các vở kịch trở nên sâu sắc hơn, nhân văn hơn và đời hơn rất nhiều. Bởi nó được viết lại không chỉ bằng tài năng mà còn bằng đôi mắt và trái tim của một người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái.

Một phần của tài liệu TÍNH LIÊN VĂN BẢN TRONG KỊCH KHAI THÁC TÍCH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA LƯU QUANG VŨ (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w