III. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2001-2010 1 Kết quả các hoạt động sản xuất lâm nghiệp
1.4. Tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh
Việc tổ chức quản lý rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Quyết định 186/2006/QĐ-TTg (thay thế Quyết định số 08/2001/QĐ- TTg) của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý 3 loại rừng và Quyết định 245/QĐ- TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý rừng. Trên cơ sở phân chia hệ thống tiểu khu ổn định, công tác quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ và khoa học.
Căn cứ vào chức năng của từng loại rừng được rà soát quy hoạch theo chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị định số 200/2004/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh, tất cả các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất đều có chủ quản lý.
Việc tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị lâm nghiệp đều tuân thủ theo quy chế quản lý rừng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên phương án sản xuất kinh doanh được cấp thẩm quyền phê duyệt.
1.4.1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng
Các khu rừng đặc dụng, đã được xác định ranh giới rõ ràng trên bản đồ, trên thực địa và lập hồ sơ quản lý rừng; trên thực địa một số khu rừng đã có hệ thống mốc, bảng chỉ dẫn. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 2 vườn quốc gia (Bến En, Cúc Phương); 4 khu bảo tồn (Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Sến Tam Quy; 4 khu di tích lịch sử văn hóa
(Lam Kinh, sử Hàm Rồng, đền Bà Triệu, Trường Lệ Sầm Sơn). “Nguồn: Số liệu điều
tra năm 2010, Đoàn QHKS &TK Nông Lâm nghiệp Thanh Hóa”.
Hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh đã phát huy tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái... Nhưng mặt hạn chế là công tác quản lý bảo vệ còn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp nhiều chổ đi lại khó khăn, lực lượng bảo vệ mỏng do vậy tình trạng săn bắt trộm động vật trong các khu rừng này vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng.
1.4.2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ
Thực hiện Nghị định 200/2004/NĐ-CP, một số lâm trường đã chuyển đổi thành các Ban quản lý rừng phòng hộ và số còn lại chuyển đổi thành lâm trường quốc doanh, lâm trường trồng rừng nguyên liệu. Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 13 Ban quản lý rừng phòng hộ, 13 đơn vị vũ trang, 4 DNNN được Nhà nước giao đất lâm nghiệp có quản lý diện tích rừng phòng hộ. “Nguồn: Số liệu điều tra năm 2010, Đoàn QHKS &TK Nông Lâm nghiệp Thanh Hóa”.
Vấn đề tồn tại của các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển là địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ mỏng, nhận thức của người dân chưa cao, nhu cầu trồng rừng kinh tế để tăng thu nhập và nâng cao đời sống đã dẫn đến hiện tượng xâm lấn đất đai đối với các đơn vị gây những khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý, bảo vệ rừng.
1.4.3. Tổ chức quản lý rừng sản xuất
Tổng diện tích hiện trạng đất rừng sản xuất quy hoạch cho lâm nghiệp: 355.445,32 ha chiếm 56,53% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất 84,79%, Ban quản lý rừng phòng hộ 6,63%, DNNN 3,54%, UBND xã 3,84%, LLVT 1,19%. “Nguồn: Số liệu điều tra năm 2010, Đoàn QHKS &TK Nông Lâm nghiệp Thanh Hóa”.
Sau khi rà soát sắp xếp lại quy mô sản xuất các lâm trường đã thực hiện cơ chế sản xuất kinh doanh với các nhiệm vụ chính là trồng và khai thác rừng trồng (chỉ có một số lâm trường có khai thác gỗ rừng tự nhiên) nhưng đến năm 2010 khai thác rừng tự nhiên đã được dừng lại, kinh doanh lâm sản, dịch vụ lâm nghiệp về kỹ thuật - phân bón - giống cây trồng, quản lý bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng trên phạm vi được giao. Với phương thức tổ chức, quản lý được đổi mới đã tạo cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh, lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với thực tế của đơn vị cũng như đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một số khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên tập trung, có trữ lượng giàu, trung bình đã được đóng cửa, không khai thác, và quản lý theo quy định tại quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.