Giải pháp về vận dụng hệ thống chính sách

Một phần của tài liệu baoCaoTongThe_2 (Trang 89 - 91)

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

6. Giải pháp về vận dụng hệ thống chính sách

6.1. Chính sách đất đai

- Tiếp tục triển khai cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa sau khi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các Ban quản lý, doanh nghiệp thực hiện khoán đất trồng rừng lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân theo hợp đồng kinh tế. Diện tích đất rừng hiện nay do Kiểm Lâm và Ủy ban nhân dân các xã tạm thời quản lý được rà soát lại và tiến hành giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hai năm 2011-2012.

- Rà soát kết quả giao đất giao rừng, đánh giá khách quan hiệu quả sử dụng đất của các hộ gia đình và các tổ chức để xử lý theo luật đất đai năm 2003. Cụ thể tiến hành rà soát phần diện tích đất rừng đã giao nếu các chủ rừng chưa sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích phải thu hồi và giao cho chủ khác để việc sử dụng đất rừng có hiệu quả nhằm đóng góp và nâng cao tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp.

- Tăng cường quản lý về đất đai, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất. Sau giao đất không sử dụng phải thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích các thành phần kinh tế đươc giao đất tham gia các dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp.

6.2. Chính sách quản lý rừng

- Phân cấp trách nhiệm quản lý rừng đến cấp huyện, xã, thôn, lập hồ sơ quản lý đến tiểu khu và theo đơn vị hành chính từ xã lên theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg. Phổ biến rộng rãi Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho mọi thành phần tham gia bảo vệ phát triển rừng cùng biết.

- Phân định rõ ràng phạm vi ranh giới quản lý của các chủ rừng trên thực địa. Xác lập cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng. Những khu vực chưa có chủ rừng, trong thời điểm hiện tại tạm giao cho Kiểm lâm quản lý thông qua UBND xã.

- Giám sát thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp và Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng.

6.3. Chính sách đầu tư

- Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế trong việc đầu tư vào trồng rừng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ chế thuận lợi và hấp dẫn để thu hút khuyến khích các tổ chức kinh tế Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp.

- Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết (đầu tư, bảo hộ, bao tiêu sản phẩm) giữa nhà máy, cơ sở chế biến ... với người trồng rừng: Các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản hợp đồng với chủ hộ được giao đất, theo cơ chế cùng đầu tư, cùng hưởng lợi với tỷ lệ ăn chia hợp lý, cần có sự ưu tiên cho người trồng rừng nhằm thu hút người dân tham gia trồng rừng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lâm nghiệp qua các dự án tài trợ quốc tế …khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trồng rừng nguyên liệu, và liên doanh liên kết trong chế biến lâm đặc sản.

- Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng thông qua các dự án. Tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư về tổ chức sản xuất, quản lý bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc, giống cây trồng chất lượng cao.

b) Chính sách đầu tư và tín dụng

- Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho công tác quản lý bảo vệ và khoanh nuôi phục hồi rừng đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo Công văn số 2108/TTg-RTN ngày 17/11/2010 của Thủ Tướng chính phủ, cụ thể: Vốn đầu tư 200.000đ/ha/năm (trong 5 năm liên tục); 15 triệu đồng/ha trồng rừng.

- Nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho hộ gia đình trồng rừng sản xuất trên diện tích đất trống đồi núi trọc ở chu kỳ đầu, thông qua cung cấp cây giống, phân bón đối với một số loài cây trồng lấy gỗ, cây bản địa quí hiếm và cây đặc sản mang tính đặc thù của địa phương.

- Vốn đầu tư phải được đáp ứng kịp thời, đúng tiến độ, tránh phải qua nhiều khâu trung gian, gây phiền hà cho người sản xuất.

Vốn tín dụng: áp dụng các thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi. Chu kỳ cho vay và thu hồi vốn theo chu kỳ kinh doanh của từng loài cây trồng. Cho vay không lãi suất đối với người dân trồng rừng ở những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện sản xuất và lưu thông khó khăn. Có chính sách ưu tiên, cho vay với lãi suất thấp đối với chủ rừng trồng cây gỗ lớn.

6.4. Chính sách thị trường

Tăng cường công tác tiếp thị để tìm hiểu thị trường về cung cầu, giá cả trong tỉnh, trong nước và quốc tế về lâm đặc sản. Nghiên cứu chính sách tiêu thụ lâm sản hợp lý, có lợi cho người sản xuất, chú trọng các sản phẩm từ rừng trồng. Thực hiện cơ chế tự do lưu thông, khuyến khích mọi thành phần tham gia sản xuất kinh doanh lâm sản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Khuyến khích tiêu thụ hàng lâm sản nội địa thay hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lâm sản. Cụ thể:

- Tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường hàng hóa lâm sản cho địa phương. - Tìm kiếm chủ đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy chế biến gỗ, luồng, tinh dầu thông có hàm lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm cao phục vụ suất khẩu.

6.5. Chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và hưởng lợi

- Tỉnh cần có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào kinh doanh rừng và chế biến lâm sản. Miễn thuế sử dụng đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp trong chu kỳ đầu; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chế biến lâm sản mới xây dựng hoặc đổi mới công nghệ, đơn giản hoá các thủ tục khai thác và lưu thông thương mại lâm sản.

- Hướng dẫn cho các tổ chức, tập thể, cá nhân tham gia bảo vệ, kinh doanh rừng trong địa bàn tỉnh thực hiện theo chính sách quy định tại điều 7 của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 và Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế được giao, thuê hoặc nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, kinh doanh theo qui định của pháp luật. Ưu tiên cho hộ dân tại chổ, các tổ chức đơn vị tại địa phương. Các tổ chức, tập thể, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ, kinh doanh rừng được hỗ trợ về mặt pháp lý, vốn tín dụng, khuyến lâm, đào tạo, miễn giảm thuế ... theo tinh thần Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 10 /11/1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Triển khai kịp thời có hiệu quả các cơ chế chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Một phần của tài liệu baoCaoTongThe_2 (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)