III. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2001-2010 1 Kết quả các hoạt động sản xuất lâm nghiệp
1.7. Những đóng góp của khoa học kỹ thuật trong bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong thời gian qua
trong thời gian qua
* Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
Trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu như: Đề tài khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; đề tài lựa chọn cơ cấu cây trồng phục vụ trồng rừng sản xuất; đề tài nghiên cứu đặc điểm quy luật phát sinh phát triển và biện pháp phòng trừ sâu bọ que hại rừng luồng; đề tài nghiên cứu bệnh sọc tím măng luồng trong tỉnh; đề tài
trám ghép, đề tài trồng cây thảo quả, đề tài trồng cây mây tắt... .Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng rừng trồng; bảo tồn và phát triển các loài thực vật, động vật rừng quý hiếm đặc hữu ở Thanh Hóa phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
* Nghiên cứu, nhân giống cây lâm nghiệp
Công tác giống cây lâm nghiệp được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, một số loài giống đã được nghiên cứu thành công và ứng dụng trồng rừng rộng rãi trên địa bàn tỉnh như: giống hom Luồng triết cành, Keo lai hom, Phi lao hom dòng 607... Du nhập và đưa vào trồng rừng các giống có năng suất cao như Keo tai tượng (Australia). Hầu hết diện tích rừng trồng hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách đều được kiểm tra cây giống theo đúng quy định của quy chế quản lý giống. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng giống trồng rừng đối với các hộ gia đình tự sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế chưa thường xuyên, liên tục.
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống vườn ươm ở các cơ sở sản xuất lâm nghiệp. Vì vậy, đã đáp ứng được nhu cầu giống cho kế hoạch trồng rừng trong tỉnh và một phần cho ngoài tỉnh... Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 33 vườn ươm tập trung, diện tích 27 ha, công suất là 29,1 triệu cây/năm; Toàn tỉnh đã có 460,7 ha lâm phần giống tuyển chọn; 122,15 ha rừng giống chuyển hóa; 0,91 ha vườn ươm hom cây giống và 81 cá thể cây giống mẹ (Quế, Giổi) quí hiếm đã được tuyển lựa.
“Nguồn: kết quả điều tra tháng 10/2010, Viện Điều tra Quy hoạch rừng”.
Từ những năm 2000 trở lại đây công tác tạo giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ dâm hom vô tính để sản xuất cây giống trồng rừng có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng kinh tế, bình quân hàng năm sản xuất cây giống bằng công nghệ dâm hom trên 12 triệu cây.
* Công tác khuyến lâm: Tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, phát hành các tập san, trang tin, các chuyên mục khuyến lâm và mở các lớp tập huấn đào tạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, phòng chống cháy rừng để người dân học tập và áp dụng vào thực tiễn. Đặc biệt trang web “snnptnt.thanhhoa.gov.vn” của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp nhiều thông tin về lâm nghiệp đến người dân trong tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền chung, còn tiến hành xây dựng các mô hình khuyến lâm thiết thực phục vụ cho phát triển lâm nghiệp, điển hình như: Mô hình trồng Trám ghép tại xã Cẩm Tâm - Cẩm Thuỷ; Các mô hình trồng rừng kinh tế bằng Keo tai tượng Úc; mô hình trồng Luồng xen Keo; mô hình khảo nghiệm trồng rừng thay thế cây Le, mô hình phục hồi rừng Luồng tại huyện Ngọc Lặc... Hiện nay, hầu hết các mô hình cây trồng sinh trưởng tốt, là nơi để tổ chức các lớp tham quan học tập và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số mô hình chưa mang lại hiệu quả, cây trồng không phù hợp, sinh trưởng phát triển kém như (mô hình trồng Lát Mexico, mô hình trồng tre măng Bát độ)
Nhìn chung, công tác khuyến lâm trong những năm qua đã góp phần tích cực đến việc tuyên truyền các nội dung, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đến với người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là trồng rừng kinh tế; nhiều mô hình triển khai đạt hiệu quả có tính thực tiễn được bà con nông dân làm nghề rừng đồng tình hưởng ứng, học tập, ứng dụng...
* Công tác chế biến lâm sản: Hiện tại một số nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, sản xuất đồ mộc dân dụng trên địa bàn tỉnh đã nhập các dây chuyền công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và tiết kiệm nguyên liệu.
* Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS vào quản lý diễn biến tài nguyên rừng; đánh giá độ che phủ của rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; đo đạc, lập và xây dựng các bản đồ chuyên ngành lâm nghiệp; xây dựng mô hình phân cấp phòng hộ phục vụ công tác rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng của tỉnh cũng đã được triển khai có hiệu quả thiết thực góp phần vào công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững.
* Sự đóng góp một phần không nhỏ về con người, trí tuệ khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật có năng lực tiếp cận các phương pháp mới trong quản lý tài nguyên rừng từ các Sở, Ban, Ngành, đơn vị lâm nghiệp và trường Đại học Hồng Đức trên địa bàn tỉnh, đây là một trong những lợi thế về nguồn lực - trình độ lao động so với một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ.