III. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2001-2010 1 Kết quả các hoạt động sản xuất lâm nghiệp
3. Một số nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém, tồn tạ
3.1. Nguyên nhân khách quan
Rừng trải rộng trên địa bàn 27 huyện thị trong tỉnh, trong khi sức ép dân số lên đất rừng và lâm sản gia tăng, nhất là đối với khu vực miền núi (các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc lặc, Như Xuân, Như Thanh, …) thiếu đất sản xuất nông nghiệp; địa bàn hoạt động lâm nghiệp chủ yếu ở vùng sâu, xa, cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện, kiểm tra và giám sát.
Chu kỳ sản xuất của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro và phân bố chủ yếu ở những vùng miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển; tính cạnh tranh của cây rừng rất thấp so với nhiều cây trồng khác.
Xã hội phát triển dẫn đến nhu cầu thiết yếu về gỗ tăng nhanh cho phát triển kinh tế, xã hội, trong khi gỗ rừng trồng chưa đáp ứng được vì vậy đã gây sức ép vào rừng tự nhiên, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép.
Tình hình thời tiết diễn biễn ngày càng phức tạp, khô hạn kéo dài, bão lũ xảy ra thường xuyên gây thiệt hại không nhỏ tới tài nguyên rừng. Diện tích rừng khoanh nuôi phục hồi và rừng trồng tăng lên, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng và sinh vật hại rừng cao hơn.
3. 2. Nguyên nhân chủ quan
Nhận thức về vai trò và chức năng của rừng của các cấp chính quyền cấp dưới, người dân còn chưa đầy đủ; người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có đồng bào ít người sinh sống chưa nhận thức đầy đủ tính cấp thiết của việc bảo vệ và phát triển rừng, nên vẫn tiếp tục phá rừng, có nơi còn hiện tượng dân tiếp tay, làm thuê cho bọn đầu nậu, kẻ có tiền.
Cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng sự phát triển chung của xã hội. Một số chính sách chưa được thực hiện một cách triệt để như: giao đất giao rừng, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chính sách đất đai chưa thông thoáng, cởi mở, thiếu minh bạch. Chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa cụ thể và rõ ràng.
Đầu tư cho ngành Lâm nghiệp trong tỉnh còn rất thấp, dàn trải và hiệu quả chưa cao. Cơ cấu đầu tư chưa cân đối; chưa quan tâm đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp; do chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ đầu tư mở đường cho các Công ty lâm nghiệp quốc doanh (rất ít). Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ về lâm nghiệp chưa đồng bộ và còn hạn chế nhất là khoa học công nghệ trong chuyển giao trồng giống mới cây lâm nghiệp, chuyển giao công nghệ chế biến lâm sản vì vậy chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề rừng, chưa gắn kết với sản xuất và thị trường. Việc đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách và từ các dự án tài trợ, chưa huy động được các nguồn vốn khác sẵn có trong xã hội để đầu tư cho phát triển sản xuất vì vậy, quá trình đầu tư mang tính dàn trải nên hiệu quả mang lại không cao. Việc đầu tư xây dựng rừng nguyên liệu không đồng bộ với việc xây dựng nhà máy chế biến như vùng nguyên liệu giấy ở các huyện Tây Nam của tỉnh
đã quy hoạch xây dựng từ năm 2001, nhưng nhà máy bột giấy Châu Lộc đến nay chưa hoạt động.
Các chủ rừng chưa được khai thác gỗ rừng tự nhiên theo năng lực của rừng mà theo phân bổ kế hoạch sản lượng do cấp trên giao hàng năm (năm có năm không); vai trò tự chủ về sản xuất kinh doanh rừng, về quản lý rừng của các chủ rừng chưa được phát huy; do diện tích rừng trên thực tế không nhiều và những lợi ích về môi trường và xã hội người chủ rừng chưa thực sự được hưởng; người chủ rừng và người lao động nghề rừng nhìn chung còn nhiều khó khăn.
Giá trị thu được từ việc khai thác rừng tự nhiên, các chủ rừng hầu như không có quyền quản lý, sử dụng mà phải nộp vào ngân sách tỉnh toàn bộ số tiền thu được sau khi đã trừ chi phí khai thác, việc sử dụng số tiền này do UBND tỉnh quyết định. Bởi vì rừng tự nhiên người bảo vệ chỉ được hưởng giá trị rừng tăng thêm (theo QĐ 178). Về thị trường thì Nhà nước kiểm soát rất chặt với sản phẩm từ rừng tự nhiên.
Chưa có chính sách sử dụng rừng đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, trong khi việc sử dụng gỗ củi, đối với các đối tượng này là một nhu cầu thiết yếu mà không được đáp ứng nên họ đã phải khai thác trái phép để sử dụng. Chính sách tín dụng thì khó tiếp cận với nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đầu tư phát triển và ngân hàng chính sách.
Cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương chưa ban hành, bổ xung kịp thời các quy trình kỹ thuật, các định mức và đơn giá đầu tư xây dựng trong lâm nghiệp khi các chính sách tiền lương, giá thị trường, chính sách thuế của Nhà nước đã thay đổi, mà chỉ quan niệm việc đầu tư cho phát triển lâm nghiệp chỉ là đầu tư hỗ trợ, không tính đúng, tính đủ cho một suất đầu tư. Công tác giám sát và đánh giá của tỉnh chưa kịp thời để điều chỉnh các sai sót trong quản lí phát triển lâm nghiệp.