V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3. Giải pháp về bảo vệ rừng
- Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, kinh phí mua sắm trang thiết bị chuyên dùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong cộng đồng và trường học, nhằm nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng hương ước của từng thôn bản, thành lập quỹ bảo vệ rừng cấp xã. Xây các bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, đường ranh cản lửa, chòi canh lửa.
- Nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp xã huyện tỉnh và sự tham gia của các ngành, các tổ chức xã hội trong bảo vệ rừng:
Chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật. Những chủ rừng quản lý trên 500 ha rừng phải có lực lượng bảo vệ rừng của mình.
Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp xã huyện tỉnh thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng theo quy định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức các lực lượng truy quét lâm tặc phá rừng tại địa phương. Ngăn chặn kịp thời các trường hợp khai thác, phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Chỉ đạo xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và những người bao che, tiếp tay cho lâm tặc. Những địa phương xã huyện để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Đối với lực lượng kiểm lâm phải gắn với chính quyền, với dân, với rừng. Chuyển đổi phương thức tổ chức, hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã gắn với công tác quản lý rừng, khuyến lâm để tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay vi phạm tại chỗ. Tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với lực lượng Công an cấp tỉnh cấp huyện kiên quyết trừng trị thích đáng; ngăn chặn triệt để tình trạng chống người thi hành công vụ.
Đối với lực lượng bộ đội biên phòng vùng biên giới các huyện (Mường Lát, Quang Sơn, Thường Xuân) ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng.
Đối với các tổ chức xã hội phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho các thành viên; phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
- Ứng dụng công nghệ tin học, GIS, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Đổi mới nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại cơ sở, xác định vai trò, trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã là giải pháp cơ bản, lâu dài. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với cấp xã để chính quyền cơ sở thực sự có trách nhiệm, thẩm quyền và kinh phí thực hiện quản lý bảo vệ rừng cùng với nâng cao đời sống người dân. Đảm bảo nguồn lực cho UBND cấp xã tổ chức công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua hoạt động chủ yếu của dân quân tự vệ và các hoạt động bảo vệ rừng khác của người dân, phù hợp với thực tiễn và cần có nguồn kinh phí hỗ trợ.
- Chỉ đạo, điều hành thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ rừng của tỉnh, cần thành lập “Ban chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng” cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ban chỉ đạo ở đây trên cơ sở được hợp nhất ban chỉ đạo các chương trình quốc gia về lâm nghiệp và ban chỉ đạo bảo vệ rừng để giải những vấn đề cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng do chủ tịch UBND các cấp tương đương làm trưởng ban, các thành viên do chủ tịch UBND quyết định.
- Thi hành nghiêm túc, triệt để và kịp thời các quy định khen thưởng và xử phạt trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhằm động viên khích lệ người dân tham gia và kịp thời răn đe, ngăn chặn những hành vi phá hoại rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia quản lý bảo vệ rừng.
- Đối với rừng tự nhiên của các đơn vị lâm nghiệp do các đơn vị chủ động quản lý bảo vệ bằng lực lượng của mình hoặc hợp đồng thuê thêm lao động hàng năm tham gia bảo vệ rừng. Thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ, truy quét vào các thời gian cao điểm trong năm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên.
- Đối với rừng trồng: Diện tích rừng trồng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất được quản lý chặt chẽ theo quy chế quản lý của ba loại rừng, đặc biệt chú trọng công tác phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại. Các đơn vị lâm nghiệp chủ động trong việc bố trí lực lượng quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng của mình, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tham gia bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, thuê khoán quản lý bảo vệ rừng.
- Quản lý rừng trồng ven biển: Đối tượng rừng phòng hộ ven biển dễ bị tác động của nhiều yếu tố thiên nhiên, con người vì vậy cần nâng cao nhận thức trong xã hội về vai trò của rừng phòng hộ ven biển liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh như khai thác khoáng sản, phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ... Công tác quản lý bảo vệ rừng trồng ven biển cần tổ chức theo mô hình quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ gia đình để nâng cao vai trò của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng.