III. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2001-2010 1 Kết quả các hoạt động sản xuất lâm nghiệp
1.8. Những thành tựu của ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua
Thực hiện đường lối đổi mới, trong 10 năm (2001 - 2010) hoạt động lâm nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã có bước chuyển biến đáng kể theo hướng lâm nghiệp xã hội; chuyển từ khai thác là chủ yếu sang trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ; gắn việc phát triển rừng phòng hộ với phát triển rừng kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân tham gia sản xuất lâm nghiệp từng bước có thu nhập từ nghề rừng. Đã cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng với diện tích 586.238,49 ha cho các thành phần kinh tế sử dụng ổn định và lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và tạm giao cho UBND các xã quản lý 42.100 ha. Công tác bảo vệ rừng đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; lực lượng kiểm lâm tiếp tục được kiện toàn và củng cố theo hướng bám sát dân, bám rừng, tham mưu cho các cấp chính quyền huyện, xã trong việc quản lý bảo vệ rừng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước; an ninh rừng ngày càng ổn định, số vụ cháy rừng hàng năm đã giảm, một số tụ điểm khai thác trái phép đã được giải quyết; rừng được bảo vệ và phát triển hơn trước. Đã hoàn thành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng với tổng diện tích 627.833,51 ha, trong đó: rừng đặc dụng 81.357,03 ha phòng hộ 191.031,16 ha, rừng sản xuất 355.445,32 ha. Ba loại rừng đã và đang tạo thế vững chắc, ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế, phòng hộ môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan môi trường của tỉnh. Thực hiện các Chương trình, Dự án của Chính phủ; các Dự án của các Tổ chức quốc tế và vốn của hộ nhận rừng đầu tư... bình quân hàng năm trồng mới từ 10 -15 nghìn ha rừng tập trung và 2 triệu cây phân tán, đã đưa độ che phủ của rừng từ 36,3% năm 1999 lên 49 % năm 2010.
Trong 10 năm trở lại đây ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như về môi trường sinh thái.
* Về kinh tế - xã hội và công tác đổi mới lâm trường quốc doanh
Tuy đóng góp của ngành lâm nghiệp trong tổng GDP của tỉnh ở mức thấp nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như giải quyết được việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn tham gia nghề rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có đất trồng rừng và tham gia các dự án trồng rừng kinh tế, khoán quản lý bảo vệ rừng, khai thác gỗ tận dụng từ rừng tự nhiên
nuôi tái sinh rừng, tạo giống cây con là những nỗ lực của ngành nhằm xã hội hoá nghề rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống và góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân nông thôn miền núi trong tỉnh.
Về nhận thức của người dân được nâng cao, người dân bước đầu hiểu được lợi ích to lớn của rừng, góp phần tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác rừng trái phép, đốt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật rừng trái phép...
Về công tác kỹ thuật nhân giống cây trồng đã có nhiều đổi mới trong việc ứng dụng kỹ thuật tạo giống bằng công nghệ dâm hom cho trồng rừng kinh tế; lựa chọn giống mới phù hợp với lập địa trồng rừng phòng hộ vùng cát ven biển hoặc lựa chọn và đưa cây bản địa vào trồng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng trong tỉnh đã có các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu và các xí nghiệp sản xuất đồ mộc đáp ứng nhu cầu đầu vào là nguyên liệu nhưng cũng chính là đầu ra sản phẩm rừng trồng của người dân, vì vậy đã kích thích được sản xuất lâm nghiệp phát triển nhất là kinh tế hộ gia đình.
Về năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cán bộ lâm nghiệp các cấp trong tỉnh được nâng lên rõ rệt thông qua việc nắm bắt, sử dụng, ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến trong việc tổ chức, quản lý, điều hành, thực thi công tác quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng do các Dự án, các Tổ chức quốc tế đầu tư.
Thực hiện Quyết định số 138/2006/QĐ-TTg, ngày 16/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thuộc UBND tỉnh Thanh Hoá: Cơ cấu tổ chức quản lý các đơn vị lâm nghiệp đã được rà soát, sắp xếp lại để giải quyết ổn định ranh giới quản lý, quy mô và chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Quỹ đất lâm nghiệp của các đơn vị sau rà soát được giao trả cho địa phương phát triển kinh tế nông lâm nghiệp để phục vụ cho nhu cầu trồng rừng kinh tế, trồng rừng thâm canh chất lượng cao. Kết quả rà soát về quy mô tổ chức hiện nay có 13 ban quản lý rừng phòng hộ, trong đó: chuyển từ 12 lâm trường và 1 ban quản lý dự án khu vực lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu. Quy mô diện tích rừng và đất rừng của 13 Ban quản lý rừng phòng hộ: 76.262 ha; trong đó: rừng phòng hộ 52.154 ha, rừng sản xuất 23.589 ha, rừng đặc dụng 519 ha. Tổng biên chế: 100 người (mỗi ban được biên chế từ 7 - 9 người), hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng 77 người (mỗi ban từ 3 – 8 người). Chuyển 3 lâm trường cho Tổng Công ty giấy Việt Nam (Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước). (Nguồn: Kết quả rà soát quy hoạch ba loại theo QĐ Số: 2755/2007/QĐ-UBND Thanh Hóa, ngày 12 tháng 09 năm 2007).
* Vê môi trường sinh thái
Bảng 11: Diễn biến độ che phủ của rừng tỉnh Thanh Hóa từ năm 2006 - 2010 ĐVT: ha Năm Diện tích tự nhiên Diện tích có rừng Chia ra Độ che phủ rừng (%) Rừng tự nhiên Rừng trồng Tổng Cấp tuổi 1 1999 1.113.473 405.713 322.003 83.710 36,3 2002 1.113.473 436.405 335.629 100.776 39,3 2003 1.113.473 456.868 348.503 108.365 7.240 40,0 2005 1.113.473 484.272 367.436 116.836 2.912 43,3
2006 1.113.473 497.585 374.975 122.610 5.949 44,2
2007 1.113.473 511.785 386.245 125.540 10.043 45,1
2008 1.113.473 527.117 388.782 138.335 13.536 46,1
2009 1.113.473 534.720 386.381 348.140 14.744 46,7
2010 1.113.193 540.740 385.490 155.250 49,00
(Nguồn: Số liệu báo cáo kết quả diễn biến tài nguyên rừng hàng năm của UBND tỉnh Thanh Hóa và của Bộ Nông nghiệp & PTNT).
- Căn cứ số liệu diễn biến rừng qua các năm, diện tích và độ che phủ của rừng trong tỉnh ngày càng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước đáp ứng được yêu cầu phòng hộ môi trường sinh thái trên địa bàn.