V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
5. Giải pháp về khoa học và công nghệ và đào tạo
5.1. Giải pháp v khoa học và công nghệ
Trong công tác bảo vệ rừng:
- Ứng dụng công nghệ tin học, GIS, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm của tỉnh. Tăng cường trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho đoàn điều tra rừng và kiểm lâm các huyện. Hoàn thiện công tác dự báo sâu bệnh hại và nguy cơ cháy rừng làm căn cứ cho các huyện lập kế hoạch cụ
thể để Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng tổ chức thực hiện. Nghiên cứu, ứng dụng
công nghệ phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt đối với loài cây dễ cháy như thông ở Tĩnh Gia, Hà Trung, Đông Sơn.
Trong công tác trồng rừng:
- Về khoa học công nghệ trong trồng rừng: Lấy khoa học công nghệ làm cơ sở cho phát triển lâm nghiệp, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và kế thừa các kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp của người dân địa phương. Nghiên cứu phát triển rừng theo 2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng và các biện pháp lâm sinh để không chỉ nhằm tăng năng suất, chất lượng, mà còn gia tăng các giá trị bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng.
Trong công tác chế biến lâm sản:
- Ứng dụng công nghệ mới vào chế biến lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu, như chế biến gỗ ván nhân tạo, ván bóc ép, ván Luồng ép thanh và bột giấy mà tiềm năng Thanh Hóa sẵn có.
Trong công tác khác:
- Về kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ khoa học: Xây dụng trên địa bàn mỗi xã từ 1- 2 mô hình trồng rừng thâm canh, mô hình nông, lâm kết hợp, mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, để tuyên truyền vận động các hộ gia đình nhân rộng mô hình. Trước khi triển khai trồng rừng, tổ chức họp dân tập huấn cho hộ gia đình về biện pháp kỹ thuật xử lý thực bì, đào hố, kỹ thuật trồng, thời vụ trồng, chăm sóc rừng. Lựa chọn những hộ gia đình tiêu biểu tổ chức thăm quan học hỏi đúc rút kinh nghiệm và áp dụng
vào sản xuất, tạo hạt nhân trong việc trồng, chăm sóc rừng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh cán bộ khuyến lâm, kiểm lâm địa bàn tăng cường hướng dẫn, định hướng cho người dân lựa chọn loài cây phù hợp với điều kiện sản xuất của từng hộ; trên nguyên tắc không trái với kết quả nghiên cứu và định hướng cây trồng trong quy hoạch.
- Xây dựng lộ trình cụ thể cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch phát triển lâm nghiệp cấp huyện, xã, khi quy hoạch cấp tỉnh được duyệt.
- Động viên khuyến khích các nhà khoa học là nông dân thực thụ đã nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất thành những kết luận mang tính khoa học trong lĩnh vực chọn loại cây và kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng. Đồng thời phổ biến nhân rộng những bài học kinh nghiệm đó cho mọi người dân cùng áp dụng. Nghiên cứu tìm biện pháp phòng ngừa hiện tượng sọc tím măng Luồng, bệnh chổi xể Luồng. Ứng dụng chế phẩm diệt trừ sâu Róm Thông không dùng hoá chất...
- Quản lý hệ thống các khu rừng giống đã được quy hoạch theo dự án đăng ký tuyển chọn rừng giống quốc gia. Gồm giống cây bản địa tự nhiên ở vườn Quốc gia Bến En, giống Thông nhựa ở lâm trường Tĩnh Gia, giống cây Quế ở lâm trường Na Mèo, giống Sến mật ở Tam Quy Hà trung, Lát hoa ở thị trấn Ngọc Lặc và dự án bảo tồn giống Quế ở xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân.
- Nghiên cứu đánh giá việc nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nhất là đối với loại rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi bằng các biện pháp lâm sinh như cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng ...
- Nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Nghiên cứu các dự án niên quan đến Cacbon của rừng để có biện pháp chi trả thích đáng cho các cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
5.2. Giải pháp v đào tạo và khuyến lâm
- Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo của tỉnh về nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp (xã, huyện, tỉnh), đặc biệt là ở cấp xã và vùng sâu, vùng xa để đáp ứng yêu cầu về đổi mới và hội nhập.
- Chú trọng các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người nghèo, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, để họ có đủ năng lực thực hiện đa dạng hóa cây trồng tạo thu nhập ổn định từ rừng.
- Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý các cấp (xã, huyện, tỉnh), các doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình làm nghề rừng thông qua đào tạo tại chỗ, ngắn hạn và khuyến lâm; từng bước nâng cao năng lực tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
- Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức, đơn vị đào tạo về lâm nghiệp trong tỉnh. Tăng cường đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, trang trại lâm nghiệp và các làng nghề thủ công.
- Tỉnh cần tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, hội thảo khoa học trên cơ sở đào tạo và tham luận theo chuyên đề cho các đối tượng (Cán bộ quản lý lâm nghiệp, cán bộ làm công tác khoa học lâm nghiệp, nông dân làm nghề rừng, công nhân lâm nghiệp và thợ thủ công trong các làng nghề chế biến lâm sản trong tỉnh).
- Khuyến khích các tổ chức đào tạo nâng cao năng lực trong nước, các tổ chức phi chính phủ và dự án quốc tế tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người làm nghề rừng trong tỉnh.
- Phối hợp với trường đại học Hồng Đức, cao đẳng kỹ thuật trong tỉnh để đào tạo cán bộ chuyên sâu về lâm nghiệp, tin học, viễn thám, công nghệ sinh học, chế biến bảo quản gỗ, lâm sản ngoài gỗ...
- Củng cố hệ thống khuyến lâm và cán bộ khuyến lâm chuyên trách ở các cấp (xã, huyện) đặc biệt những xã có nhiều rừng và đất rừng trong tỉnh.