Nhận thức về khái niệm phòng, chống tham nhũng

Một phần của tài liệu PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM GÓC NHÌN TỪ VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI TÀI LIỆU THAM KHẢO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH (Trang 29 - 31)

Theo cách hiểu thông thường, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hạn để chiếm đoạt các lợi ích một cách phi pháp. Có thể thấy, hành vi tham nhũng chỉ nảy sinh trên cơ sở quyền lực nhà nước, gắn chặt với quyền lực nhà nước. Vì vậy, tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Khái niệm tham nhũng gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với sự tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước. về mặt lý luận, không thể có tham nhũng ngoài nhà nước, tách khỏi bộ máy quản lý, cai trị như Montesquie đã quan niệm: “mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực đó”. Tuy vậy, hình thức, tính chất, mức độ và phương thức tham nhũng không phải lúc nào và chế độ nào cũng giống nhau. Nó thay đổi, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội từng thời kỳ và phụ thuộc vào mối quan hệ giữa sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề tham nhũng, đặc biệt trong mối quan hệ với nền dân chủ. Vì vậy, khi nhìn nhận, đánh giá để đưa ra khái niệm về tham nhũng thì lại khó có điểm chung giữ các nhà

nghiên cứu, học giả. Tùy thuộc vào cách thức tiếp cận, góc độ đánh giá, tùy thuộc vào hình thức tham nhũng và biểu hiện của tham nhũng ở từng thể chế chính trị, xã hội và hoàn cảnh kinh tế khác nhau mà có nhiều khái niệm khác nhau về tham nhũng. Ví dụ: người Áo quan niệm: tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột. Người Đức lại nêu khái niệm: tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành. Trong khi đó người Thụy Sĩ thì cho rằng, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể chế về kinh tế - tài chính vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hai cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội.

Khái niệm tham nhũng được xem là chính thống tại thời điểm hiện tại của Việt Nam được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Khoản 2 Điều 1 Luật này quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Như vậy trên thực tế có rất nhiều khái niệm khác nhau về tham nhũng nhưng nhìn chung đều thống nhất ở ba đặc điểm quan trọng của tham nhũng và cũng là ba dấu hiệu đặc trưng để nhận diện tham nhũng:

Một là, được thực hiện bởi người có chức vụ quyền hạn. Hai là, có sự lạm dụng hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ba là, có động cơ vụ lợi cá nhân nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Chính vì chỉ nảy sinh trên cơ sở quyền lực nhà nước và gắn chặt với quyền lực nhà nước, tham nhũng nảy sinh song song và gắn chặt với quá trình vận hành và sử dụng quyền lực công. Tác hại của tham nhũng là vô cùng to lớn và gây hậu quả nghiêm trọng nên phòng, chống tham nhũng là một nhu cầu tất yếu, một nhiệm vụ sống còn đối với Nhà nước. Xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội cũng như thực

trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, Đảng ta xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến đấu lâu dài, không nóng vội và là một quá trình tự hoàn thiện bộ máy nhà nước. Trong đó, chống tham nhũng đi đôi với phòng ngừa, coi phòng ngừa là chính.

Từ kinh nghiệm và các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện có thể hiểu chống tham nhũng là hệ thống những biện pháp, cách thức được thực hiện nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Bên cạnh việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam còn nhằm đến mục tiêu quan trọng hơn đó là thông qua đấu tranh chống tham nhũng để tìm ra được những khiếm khuyết của bộ máy nhà nước, từ đó

đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện bộ máy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Thông qua việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi tham nhũng, có thể rút ra được những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng và trên cơ sở đó phải tổng hợp và đúc rút ra những biện pháp tích cực để chủ động phòng ngừa. Nói cách khác, cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn nhằm hoàn thiện thể chế, hoàn thiện bộ máy để thủ tiêu cơ hội, đẩy lùi điều kiện có thể phát sinh hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nhà nước, vai trò của xã hội dân sự ngày càng được thể hiện phù hợp hơn, là một yêu cầu của xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong đấu tranh chống tham nhũng, cùng với nhà nước, các tổ chức xã hội cũng đang dần có sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là trong phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng.

Có thể hiểu, phòng ngừa tham nhũng là những biện pháp, cách thức tác động được nhà nước, xã hội và công dân thực hiện nhằm ngăn ngừa, hạn chế những nguyên nhân phát sinh tham nhũng, qua đó làm giảm tác hại do hành vi tham nhũng gây nên.

Vậy tại sao cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay lại coi trọng công tác phòng ngừa và vai trò của xã hội đến đâu trong phòng ngừa tham nhũng?

Kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên thế giới cho thấy để chống tham nhũng triệt để, phải sử dụng tối đa các biện pháp có thể bởi tham nhũng được coi là một căn bệnh nan y. Trước tình hình tham nhũng phức tạp và nghiệm trọng như ở nước ta hiện nay thì phòng ngừa là phương thuốc mang lại hiệu quả cao và ít tốn kém. Dựa trên phương châm phòng hơn chống, các biện pháp phòng ngừa sẽ có tác dụng ngăn chặn những mầm mống dễ phát sinh tham nhũng ngay từ đầu. Thông qua nghiên cứu về nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh tham nhũng, chúng ta có thể đề ra những biện pháp phòng ngừa cụ thể phù hợp từng lĩnh vực, từng đối tượng nhằm triệt tiêu môi trường có thể nảy sinh tham nhũng. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa được thực hiện thường xuyên, liên tục không những có tác dụng ngăn chặn, còn đồng thời phát hiện sớm các hành vi tham nhũng có thể gây ra.

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa triệt để có thể giảm nguy cơ tham nhũng và cũng chính là biện pháp nhằm cải cách và đổi mới thể chế nhằm phù hợp với yêu cầu chung của tiến trình cải cách hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước cũng như đổi mới, cải cách phương thức điều hành nền kinh tế, xã hội nói chung. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, có thể nói chủ trương chống tham nhũng đi đôi với phòng ngừa tham nhũng, coi trọng phòng ngừa là một lựa chọn tất yếu, và là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn khách quan của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Một phần của tài liệu PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM GÓC NHÌN TỪ VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI TÀI LIỆU THAM KHẢO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(141 trang)
w