22 Nhà kho để chứa những công cụ sản xuất, thuyền để vượt sông, ngựa voi để băng rừng.
3.2.4 Biến đổi về chức năng
Không chỉ dừng lại ở đó, sự biến đổi của tranh làng Sình còn được thể hiện rõ qua chức năng. Trước đây, chức năng chính thống nhất của tranh làng Sình là thờ cúng và cho tới ngày nay chức năng đó vẫn mãi không thể thay thế bởi một chức năng nào khác. Niềm tin vào tâm linh của người dân ở đây là động lực thôi thúc họ luôn giữ vững nét sinh hoạt tín ngưỡng này. Tuy nhiên, qua thời gian, nghệ nhân làm tranh, mà tiêu biểu là ông Kỳ Hữu Phước (65 tuổi), người dân làng Sình, đã không ngừng sáng tạo để phát triển nghề tranh theo hướng mở rộng hơn, đa dạng hơn trong loại hình cũng như chức năng như: sáng tạo ra loại tranh có chức năng trang trí, làm lịch, triển lãm hay ứng dụng trong hoạt động du lịch. Có thể khẳng định, trong không gian sản xuất tranh làng Sình thì hầu hết các hộ chỉ sản xuất độc tranh thờ cúng, vì các khâu sản xuất của nó khá đơn giản, một số loại tranh như khí dụng, con vật… có cách làm rất đơn giản, nhưng riêng đối với loại tranh trang trí thì chỉ có gia đình hộ ông Kỳ Hữu Phước sản xuất mà thôi.
Loại tranh trang trí trong hệ thống tranh làng Sình được ra đời vào năm 2006. Sản xuất loại tranh này cũng trải qua các khâu cơ bản như đối với tranh thờ cúng, cũng sáng tác mẫu tranh, tạo khuôn, in tranh, tô màu, nó chỉ khác nhau ở chỗ, tranh thờ cúng người ta không đặt nặng vấn đề màu sắc, bố cục trang trí (duy có tranh Trang Bà khâu tô màu có hơi kỹ hơn so với các tranh thờ cúng khác), còn tranh trang trí làng Sình là sự kết cấu hoàn chỉnh đến từng công đoạn để tạo nên được một sản phẩm hấp dẫn và bắt mắt. Nhìn vào sản phẩm của trang trang trí làng Sình nó hoàn toàn giống với tranh dân gian Đông Hồ, nhưng sự khác biệt là nằm ở chỗ công đoạn, trong khi tranh Đông Hồ người nghệ nhân chọn sẵn màu để in trên khuôn thì tranh trang trí làng Sình lại được in đen trắng rồi mới tô màu sau. Tranh trang trí từ khi được sản xuất thu hút khá đông người tìm hiểu và mua về trang trí, đóng khung,
treo trên tường, trông rất bắt mắt, có nhiều người đã tự về đây tô màu cho sản phẩm của mình để mang về trang trí.
Dần dà trong xu thế đó, năm 2013, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lại sáng tạo thêm bộ Lịch 12 con giáp. Đây là một sản phẩm hoàn toàn thủ công và do nghệ nhân tự tay sáng tác, tạo hình khuôn, đúc khuôn và in ấn. Điểm đặc biệt của bộ lịch 12 con giáp là nhìn vào nó chúng ta có thể thấy được tháng âm thông qua các con vật tương ứng được in sẵn trên lịch, ví dụ tờ tranh lịch tháng 3 và tháng 4 được in sẵn hình hai con giáp là rồng và rắn, tương ứng với tháng âm của tháng 3 là con rồng, tháng âm của tháng 4 là con rắn (xem phụ lục trang xxi). Tuy nhiên, điểm bất tiện là ở chỗ, trong lịch có đầy đủ ngày dương của các tháng nhưng ngày âm lại không có. Theo lý giải của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, do kích thước của ngày âm cần thiết để in trên lịch là rất nhỏ nên việc khắc và in lên gặp nhiều khó khăn, cho nên chỉ in được ngày dương. Điều đó cũng phần nào gây trở ngại trong việc theo dõi ngày âm, ngày thường được sử dụng trong cúng tế truyền thống ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước, còn ngày dương người ta chỉ theo dõi để phục vụ cho công việc hàng ngày mà thôi. Với bất lợi đó, theo chúng tôi, nên chăng cần có sự thay đổi trong kích thước tờ lịch để cố gắng đúc khuôn chữ tương ứng bổ sung ngày âm vào tờ lịch để tiện theo dõi hơn.
Lịch 12 con giáp được sản xuất mất khá nhiều thời gian, do nó là các mảnh ghép được ghép lại với nhau chứ không phải là một khối thống nhất chung nhất định, tức là trên cùng là bức trang trang trí tùy ý thích, tiếp đến là hình ảnh 2 con giáp tương ứng với 2 tháng, rồi tới tháng dương bao gồm các ngày dương tương ứng là sự sắp xếp các con số từ 1 - 31. Sau khi quy định kích thước chung của tờ lịch, các khuôn tranh được chọn sẽ được sắp xếp ở những vị trí tương ứng, in đen trắng lên khuôn giấy đó và sau cùng hoàn tất khâu in đen trắng thì nghệ nhân mới bắt đầu tô màu. Việc làm lịch tiêu tốn khá nhiều thời gian vì nó yêu cầu sự tỉ mỉ và tập trung cao để tránh sự nhầm lẫn. Theo kết quả của thống kê điều tra điền dã, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết, từ khi bắt đầu sản xuất lịch 12 con giáp, vào năm 2013, cả năm gia đình ông chỉ làm được 70 bộ, nhưng năm nay, 2014, do nhu cầu về sản phẩm này được nhiều người biết đến và đặt hàng nên số lượng có tăng
lên 150 bộ. Với nhiều công đoạn và tiêu tốn thời gian khá nhiều, mất thời gian cho việc sản xuất các sản phẩm tranh khác nên lịch 12 con giáp có giá thành khá cao, nó được bán với giá 200 ngàn đồng một bộ. Tuy nhiên, với nhiều người thực sự yêu thích nó thì giá thành đó lại được nhận định là vừa tầm vì nó xứng đáng với công sức bỏ ra. Nghệ nhân cũng cho biết, giá thành này cao do việc nhập nguyên liệu đã tiêu tốn khá nhiều tiền, cho nên trong những năm tới, khi gia đình tự túc sản xuất được giấy và nguyên liệu làm lịch thì giá thành chắc chắn sẽ được giảm đi.
Tranh trang trí làng Sình cũng như tranh thờ cúng làng Sình ra đời và tồn tại được cho đến ngày nay là cả một thành quả lớn trong việc giữ gìn và phát triển của các nghệ nhân, người dân trong làng. Hiện nay, qua các kỳ Festival, sản phẩm tranh làng Sình luôn được dành một vị trí khá thuận lợi để tham gia triễn lãm nhằm quảng bá cho người dân trong nước cũng như nước ngoài biết đến với sản phẩm thủ công truyền thống này. Thông qua những buổi triển lãm như vậy, lượng khách tìm về với làng Sình lại tăng cao. Chính vì vậy, tính đến thời điểm này, nghề sản xuất tranh dân gian làng Sình là một điểm đến thu hút trong các tour du lịch tìm về với bản sắc văn hóa Huế của các du khách trong và ngoài nước, hay thu hút các bạn học sinh, sinh viên về đây tìm hiểu về những kiến thức văn hóa Huế đã được học tập qua sách vở. Du khách đến đây ngoài việc tham quan tìm hiểu thì có thể tự tham gia sản xuất, tự làm cho mình một sản phẩm tranh Sình, từ in tranh đen trắng đến tô màu hoàn thiện. Việc được trực tiếp tham gia sản xuất tranh Sình một mặt giúp du khách trải nghiệm thực tế về những kiến thức đã được học, mặt khác góp phần vào việc quảng bá một cách nhanh nhất và thu hút nhất về tranh Sình cho du khách trong và ngoài nước.