19 Trước kia, người ta thường dùng lông đuôi trâu để tạo thành bút lông, sau này mới sử dụng bút lông thông dụng.
2.2.1 Tín ngưỡng – chức năng đặc trưng của tranh làng Sình
Được hình thành và phát triển trên một vùng đất mang đậm sắc màu tín ngưỡng dân gian, tranh Sình có nhiệm vụ rất thiết thực trong việc đáp ứng nhu cầu thờ cúng không chỉ đối với cư dân Thuận Hóa mà cả vùng Trung Bộ.
Khi tiếp xúc với tranh Sình, người xem không đơn thuần phải có những cảm quan thẩm mỹ về nghệ thuật mà đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định về tính chất ý nghĩa cũng như nguyên nhân hình thành làng tranh. Chức năng chính của tranh Sình là tín ngưỡng, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc ra đời tranh, là chức năng quan trọng mà tranh Sình chuyển tải. Nói như vậy không có nghĩa là không đề cao hay xem nhẹ những giá trị thẩm mỹ của tranh Sình, mà ngược lại yếu tố thẩm mỹ là một giá trị bổ trợ không thể thiếu, làm tôn lên đầy đủ và trọn vẹn hơn những ý tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những khát khao của các nghệ nhân làm tranh cũng như những con người sử dụng tranh bên cạnh yếu tố tâm linh. Tranh Sình đã tạo được cảm giác an tâm, tin tưởng của mọi người khi sử dụng nó vào mục đích tín ngưỡng, tẩy rửa những ưu phiền, xấu xa, mang lại những điều may mắn giúp họ giãi bày, giải tỏa những lo lắng, đáp ứng những nhu cầu về đời sống tâm linh. Tranh Sình mang đặc trưng hoàn toàn của thể loại
tranh cúng lễ (thờ), phục vụ tín ngưỡng, chuyên chở những niềm kính cẩn, nỗi sợ hãi của người dâng cúng, gửi về một cõi thiêng mơ hồ.
Có thể nói, tự thân tranh Sình đã cho chúng ta những cảm nhận nhất định về hệ thống tín niệm dân gian. Thờ cúng từ lâu đã trở thành một biểu hiện của phong tục, đạo đức và pháp lệ. Điều đó thể hiện trong tranh Sình qua sự chỉnh chu trong từng nét vẽ, tính trang nghiêm, tôn trọng của mỗi tờ tranh.
Tranh làng Sình không nhiều nhưng mỗi bộ tranh đều mang một bố cục, một giá trị riêng trong chức năng chung. Dựa vào chủ đề có thể phân chia thành những loại sau:
Chủ đề về người: gồm có “tượng Bà” (tượng chùa, tượng đế, tượng ngang), “con Ảnh” (ảnh xiêm vẽ hình người đàn ông và đàn bà, ảnh phền vẽ hình bé trai và bé gái) và “tờ bếp”.
Chủ đề về đồ vật: gồm có “khí dụng”, “cung tên”,…
Chủ đề về động vật”: gồm có trâu, bò, lợn, ngựa, voi, hổ...
Cũng có thể phân loại tranh Sình thành những “bộ” gắn với từng chức năng riêng như sau:
Bộ tranh cầu an cho người: gồm có “tờ bếp” (ảnh Táo Quân, Tiên Sư, Thổ Công), “bộ khí dụng” (thuyền, voi, ngựa…), ông Điệu...
Bộ tranh cúng thế mạng (lễ dương sao giải hạn) gồm có: “con ảnh” xiêm cho người lớn (đàn ông, đàn bà), “con ảnh” phền cho trẻ con (bé trai, bé gái), 2 ông điệu...
Bộ tranh cúng lễ cầu an cho “mẹ tròn con vuông” gồm: tranh Diêm Vương, Mẫu Thoải, tam vị Phạm Tình (Phạm Nghinh, Phạm Dật, Phạm Nhan), ông Đốc, Đức Ông và bộ phường bát âm...
Bộ tranh cúng thần bảo hộ trẻ con gồm có: “trang Bà” Càn Thát, “trang Ông” Phạm Thiên Vương..., tranh 12 con giáp.
Bộ tranh cúng thế mạng cho những người đi rừng, đi biển gồm có: tranh Cọp, áo Ông, áo Bà...
Bộ tranh cúng giải hạn cho các vật nuôi gồm có: con ảnh trâu, lợn, gà... bộ ngũ hổ và các loại khí dụng như cung tên, ngoài ra còn kèm theo vàng bạc giấy tiền.
“Tranh Sình do mang tính chất phục vụ tín ngưỡng, người mua không chọn nó trên yếu tố đặc trưng thẩm mỹ nên sản phẩm ấy sau khi làm tròn chức năng trong các nghi lễ cúng tế phần lớn được đốt đi, có lúc đốt cùng các loại hàng mã bên cạnh” [19, trang 27].